Trung Quốc tăng cường mở rộng ảnh hưởng vào khu vực Trung Đông
Chuyến thăm Saudi Arabia của ông Tập vào đầu tháng 12 đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Bắc Kinh và khu vực Trung Đông.
Trong một bài đăng trên tờ The Interpreter, cựu Đại sứ Úc tại Israel - ông Dave Sharma nhận định rằng trong khi Trung Quốc (TQ) mở rộng ảnh hưởng ở nhiều nơi trên thế giới trong hai thập niên qua, khu vực Trung Đông dường như vẫn còn là một nơi ít được chú trọng trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Trên thực tế, TQ bấy lâu nay luôn cố tình giữ một vị thế thấp tại Trung Đông và nhường sân khấu ảnh hưởng cho các cường quốc khác cũng như cố gắng tìm cách tránh can thiệp vào khu vực với đầy sự bất ổn và nền chính trị phức tạp. Trung Đông là một trong số ít khu vực mà cho tới nay Bắc Kinh vẫn triển khai chính sách ngoại giao "giấu mình chờ thời” do cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề ra.
Đánh dấu một giai đoạn can dự mới của Trung Quốc
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ chuyến công du ba ngày của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tới Saudi Arabia cùng với hàng loạt cuộc họp cấp cao giữa Bắc Kinh với Liên đoàn Ả Rập và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vào đầu tháng 12 vừa rồi.
Trong một bài đăng trên truyền thông Saudi Arabia, ông Tập ca ngợi chuyến thăm của ông "mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa TQ với thế giới Ả Rập, các quốc gia Vùng Vịnh và Saudi Arabia". Trong khi đó, Thái tử Saudi Arabia - ông Mohammed bin Salman tuyên bố chuyến thăm của ông Tập “mở ra một kỷ nguyên lịch sử mới” trong quan hệ với Bắc Kinh.
Chuyến thăm của ông Tập và hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa TQ và Liên đoàn Ả Rập đã đánh dấu một giai đoạn can dự mới của Bắc Kinh vào khu vực Trung Đông theo hướng phù hợp hơn với các lợi ích quan trọng của nước này.
Lợi ích đó xuất phát từ việc TQ hiện phụ thuộc rất lớn vào Trung Đông về năng lượng. Bắc Kinh là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Saudi Arabia nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung. Các nhà sản xuất Trung Đông chiếm một nửa tổng lượng dầu nhập khẩu của TQ.
Ngoài ra, vào năm 2020, TQ đã thay thế Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Vùng Vịnh. Bắc Kinh cũng đang tiến gần tới việc ký kết hiệp định thương mại tự do với sáu quốc gia Vùng Vịnh thông qua GCC. TQ cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu trong khu vực, với lĩnh vực đầu tư chủ yếu là vào các cảng biển và các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng khác ở Trung Đông nhằm đảm bảo cho các tuyến thương mại của Bắc Kinh đến châu Phi và châu Âu.
Hơn nữa, 21 quốc gia Ả Rập đều tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của TQ - một sáng kiến toàn cầu mang tính chiến lược của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy kết nối quốc gia này với các quốc gia châu Á, châu Phi và châu Âu. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Saudi Arabia lần lượt xếp thứ hai và thứ ba số lượng các dự án xây dựng hạ tầng của TQ trong khuôn khổ BRI.
Bên cạnh đó, TQ đóng góp vào quá trình tái thiết Syria và đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng ở Iraq cũng như tham gia xây dựng thủ đô hành chính mới của Cairo (Ai Cập).
Không những thế, khu vực Trung Đông còn đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ TQ về mặt ngoại giao tại các tổ chức quốc tế.
Trung Đông tìm thấy một đối tác mới
Trong bối cảnh Mỹ đang giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Trung Đông và khu vực đứng trước nguy cơ bị "bỏ quên” khi Mỹ đang chuyển dần trọng tâm sang cạnh tranh chiến lược với TQ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc các quốc gia Trung Đông xích lại gần hơn với Bắc Kinh là điều dễ hiểu.
Đối với khu vực này, TQ là một thị trường xuất khẩu đang phát triển và là nguồn đầu tư và chuyên môn. Không giống như Mỹ và châu Âu, Bắc Kinh thường không đưa các vấn đề nhạy cảm lên bàn đàm phán.
Đặc biệt đối với các quốc gia Vùng Vịnh với năng lực quốc phòng còn hạn chế, TQ được xem là một đối tác chiến lược tiềm tàng và là nhà cung cấp vũ khí thay thế trong bối cảnh Mỹ rút dần ảnh hưởng và giảm sự can dự vào khu vực.
Mặc dù TQ không thể sớm thay thế Mỹ trở thành đối tác an ninh quan trọng đối với các nước thuộc thế giới Ả Rập nhưng mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh sẽ đem lại khu vực Trung Đông một số lựa chọn và đòn bẩy tốt hơn trong môi trường an ninh quốc tế biến động. Ngoại trưởng Saudi Arabia - Hoàng thân Faisal bin Farhan Al Saud tuyên bố nước này sẽ tìm cách theo đuổi mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và TQ và không coi chính sách hợp tác này “là một trò chơi có tổng bằng không".