Trung Quốc tập trung sản xuất chip đời cũ trong bối cảnh hạn chế công nghệ

Những hạn chế mới nhất dự kiến sẽ không ngăn Trung Quốc mua công nghệ sản xuất chất bán dẫn đời cũ từ ASML và các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn khác.

 Ảnh: SCMP

Ảnh: SCMP

Theo các chuyên gia, kế hoạch hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc của chính phủ Hà Lan sẽ cản trở nỗ lực sản xuất các mạch tích hợp (IC) tiên tiến, nhưng vẫn tạo cơ hội cho Bắc Kinh tiếp tục sản xuất chip cũ.

Động thái này diễn ra sau một thỏa thuận giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan vào tháng 1 nhằm hạn chế xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, tạo ra một liên minh mạnh mẽ cắt đứt tham vọng tự chủ chất bán dẫn của Bắc Kinh.

Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher trong một bức thư gửi Quốc hội nước này hôm thứ Tư cho biết phạm vi của các hạn chế có thể bao gồm “TWINSCAN NXT:2000i và các hệ thống nhúng tiếp theo”, đề cập đến dòng in thạch bản tia cực tím sâu (DUV) nhúng ArF mới nhất của ASML được ra mắt vào quý 3 năm ngoái.

Bất chấp những hạn chế mới, việc sản xuất vi mạch của Trung Quốc sử dụng các hệ thống cũ hơn sẽ không bị ảnh hưởng, theo SCMP.

Hệ thống DUV mới nhất của ASML có thể kích hoạt các quy trình sản xuất chip dưới 3 nanomet với hiệu suất lớp phủ được cải thiện đáng kể, cho phép năng suất lên tới 295 con chip mỗi giờ, theo báo cáo thường niên của công ty.

Schreinemacher đã báo cáo rằng các hạn chế thương mại của chính phủ Hà Lan sẽ được công bố trước mùa hè.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning đã nêu vấn đề hạn chế thương mại mới với Hà Lan, cho thấy sự can thiệp của chính phủ Hà Lan đối với trao đổi thương mại bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Hà Lan.

Theo một giám đốc điều hành tại một nhà sản xuất thiết bị chip lớn có trụ sở tại Bắc Kinh, hạn chế mới nhất dự kiến sẽ không ngăn Trung Quốc mua công nghệ sản xuất chất bán dẫn đời cũ từ ASML và các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn khác. Ông nói rằng sẽ là quá cực đoan nếu cấm Trung Quốc mua thiết bị cho các quy trình sản xuất chip đã cũ hàng chục năm tuổi.

Một nhà đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn có trụ sở tại Thượng Hải đã mô tả “nút thắt cổ chai hiện tại của Trung Quốc” là thiết bị và vật liệu sản xuất chip công nghệ cao với tiến trình dưới 10nm.

Các công ty bán dẫn Trung Quốc đã tranh nhau dự trữ thiết bị sản xuất chip, phụ tùng thay thế và các vật liệu liên quan khác, trong khi các nhà cung cấp ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các đơn đặt hàng cho quốc gia tỉ dân này trong khi chờ đợi phạm vi hạn chế thương mại rõ ràng hơn từ liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Trường hợp xấu nhất đối với Trung Quốc có thể xảy ra nếu chính phủ Hà Lan cấm xuất khẩu các máy in thạch bản DUV kém tiên tiến hơn. Tất cả các thiết bị in khắc bằng tia cực tím đều sử dụng công nghệ laser để khắc bản mạch được thiết kế sẵn lên một tấm wafer.

ASML, nhà cung cấp hệ thống in thạch bản hàng đầu thế giới, đã bị cấm bán các máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc kể từ năm 2019.

Tại Trung Quốc, chỉ có công ty sản xuất chip hàng đầu Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) là đã từng kế hoạch phát triển quy trình chip công nghệ cao với tiến trình dưới 10nm. Tuy nhiên, quá trình phát triển các quy trình tiên tiến để sản xuất hàng loạt của SMIC đã gặp trở ngại khi công ty này bị cấm mua thiết bị EUV của ASML vào năm 2019 và sau đó hãng còn bị thêm vào Danh sách đen của Hoa Kỳ.

Điều đó đã vô tình biến ASML trở thành quân cờ quan trọng để Mỹ ngăn chặn tham vọng chip tiên tiến của Bắc Kinh.

Theo SCMP

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-tap-trung-san-xuat-chip-doi-cu-trong-boi-canh-han-che-cong-nghe-post164874.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi