Trung Quốc tập trung vào an ninh biên giới Tây Tạng
Trong cuộc họp cấp cao nhất Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng việc bảo vệ an ninh biên giới phải là một ưu tiên hàng đâu.
Trung Quốc và Ấn Độ đang bế tắc dọc biên giới tranh chấp của họ. Ảnh: AFP
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã đưa tin, ông Tập đã ra lệnh cho các nhà lãnh đạo đảng, chính phủ và quân đội “củng cố hệ thống phòng thủ biên giới và đảm bảo an ninh biên giới” cũng như đảm bảo “an ninh quốc gia và hòa bình và ổn định lâu dài” trong khu vực có đường biên giới dài với Ấn Độ.
Hội nghị chuyên đề Trung ương lần thứ bảy về Tây Tạng, kết thúc ở Bắc Kinh hôm thứ Bảy là diễn đàn quan trọng nhất của đất nước về các chính sách đối với Tây Tạng và sự kiện kéo dài hai ngày là lần đầu tiên quy tụ dàn lãnh đạo cấp cao như vậy kể từ năm 2015.
Một báo cáo sau đó của Tân Hoa xã đã không đề cập đến bình luận của ông Tập về an ninh biên giới, thay vào đó tập trung vào lời kêu gọi giáo dục công chúng đấu tranh chống lại chủ nghĩa ly khai, để “tạo thành một pháo đài bất khả xâm phạm trong việc duy trì sự ổn định” và củng cố sự đoàn kết của tất cả các nhóm dân tộc ở Tây Tạng.
Biên giới dài, không được đánh dấu của Trung Quốc với Ấn Độ, chủ yếu nằm ở Tây Tạng và cuộc họp diễn ra sau một cuộc đụng độ chết người ở Thung lũng Galwan vào tháng 6, kết thúc với 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và một số binh sĩ Trung Quốc thương vong không được tiết lộ.
Các nhà đàm phán quân sự và ngoại giao đã tiếp tục gặp nhau kể từ cuộc giao tranh, nhưng vẫn chưa giải quyết được bế tắc.
Hội nghị cấp cao về vấn đề Tây Tạng diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang tập trung vào nhiều tranh chấp với Hoa Kỳ và muốn đảm bảo sự ổn định trên biên giới của mình để tránh bị sao nhãng.
Ông Tập cũng nói trong cuộc họp phải tăng cường vai trò của Đảng Cộng sản, nói rằng lòng trung thành tuyệt đối là cần thiết để “chống lại các cuộc chiến [ý thức hệ và kỷ luật] lớn và ngăn ngừa những rủi ro”.
Trung Quốc đã dành nhiều năm để cố gắng xóa bỏ ảnh hưởng của nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt Ma trong những năm gần đây.
Ông Tập nói rằng Phật giáo Tây Tạng phải “thích ứng với chủ nghĩa xã hội và các điều kiện của Trung Quốc” và nói rằng giáo dục chính trị và tư tưởng cần được tăng cường để củng cố sự thống nhất.
Ông Tập cũng nói rằng các dự án cơ sở hạ tầng lớn sẽ được khởi động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm ở Tây Tạng, trong khi các tỉnh lân cận như Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc và Thanh Hải sẽ được yêu cầu cải thiện hỗ trợ cho người dân Tây Tạng.
Tại buổi họp, ông Tập cũng kêu gọi nghiên cứu thêm về môi trường và biến đổi khí hậu trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và phát triển các kế hoạch bảo vệ và phục hồi môi trường.
Cuộc gặp diễn ra sau chuyến thăm hiếm hoi tới khu vực của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị hồi đầu tháng, bao gồm chuyến đi tới biên giới tranh chấp.
Ông Vương nói trong chuyến đi rằng an ninh và ổn định của Tây Tạng có tầm quan trọng then chốt đối với sự phát triển chung của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào tháng Bảy rằng Hoa Kỳ sẽ hạn chế thị thực cho các quan chức Trung Quốc tham gia vào "vi phạm nhân quyền" và ngăn chặn tiếp cận ngoại giao tới Tây Tạng.
Cuộc họp hôm thứ Bảy có sự tham dự của Bộ Chính trị, các thành viên hàng đầu của quân đội, cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp, cũng như các quan chức hàng đầu từ Tây Tạng và các tỉnh lân cận.