Trung Quốc thâm hụt tiền mặt?

Một số chuyên gia nhận định làn sóng Covid-19 mới nhất và các đợt phong tỏa trên diện rộng từ giữa tháng 3 đã khiến thu nhập của chính phủ Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng

Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 31-5 công bố một gói 33 biện pháp về tài chính, đầu tư và công nghiệp nhằm vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bắc Kinh cho biết thêm sẽ kiểm tra việc thực hiện những biện pháp trên của các chính quyền địa phương.

Theo Reuters, gói kích thích kinh tế này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nỗ lực chuyển sang tập trung vào tăng trưởng sau khi theo đuổi chiến lược không khoan nhượng với Covid-19.

Theo Reuters, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt đang đe dọa mục tiêu tăng GDP 5,5% được Bắc Kinh đề ra cho năm nay. Một số nhà phân tích lĩnh vực tư nhân đã hạ dự báo đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 do chính sách liên quan đến dịch Covid-19.

Cụ thể, theo trang Nikkei Asia, lạc quan nhất là dự báo của Ngân hàng Đầu tư Citigroup của Mỹ (tăng trưởng 4,2%) trong lúc bi quan nhất là Bloomberg Economics (0,5% đối với kịch bản tiêu cực). Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế hồi tháng 4-2022 cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay - giảm 0,4 điểm % so với lần dự báo trước đó.

Rào chắn được dỡ bỏ tại một khu dân cư ở TP Thượng Hải - Trung Quốc hôm 31-5Ảnh: Reuters

Rào chắn được dỡ bỏ tại một khu dân cư ở TP Thượng Hải - Trung Quốc hôm 31-5Ảnh: Reuters

Đài CNBC dẫn lời một số chuyên gia nhận định làn sóng Covid-19 mới nhất và các đợt phong tỏa trên diện rộng từ giữa tháng 3 đã khiến thu nhập của chính phủ Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng.

Theo ước tính của các nhà phân tích thuộc Tập đoàn Dịch vụ Tài chính Nomura (Nhật Bản), Bắc Kinh bị thâm hụt khoảng 6.000 tỉ nhân dân tệ (895,52 tỉ USD), gồm khoảng 2.500 tỉ nhân dân tệ doanh thu bị hụt do hoàn thuế và sản xuất kinh tế suy yếu hơn, 3.500 tỉ nhân dân tệ do nguồn thu từ bán đất lao dốc.

Để bù đắp sự thiếu hụt tiền mặt này, theo các nhà phân tích, Trung Quốc có thể thực hiện một số biện pháp như phát hành trái phiếu đặc biệt, các ngân hàng chính sách tăng cường cho vay…

Dữ liệu kinh tế của tháng 4 cho thấy tăng trưởng suy yếu do tác động của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết nếu không tính đến các khoản cắt giảm và hoàn thuế, doanh thu tài khóa địa phương trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, 8/31 khu vực cấp tỉnh có doanh thu tài khóa sụt giảm trong giai đoạn nói trên nhưng thông tin chi tiết không được công bố.

Ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch Công ty Tư vấn Pinpoint Asset Management tại Hồng Kông, lưu ý rằng tình trạng doanh thu tài khóa lao dốc không chỉ xảy ra ở các thành phố bị phong tỏa. Theo ông Zhang, một số thành phố không có dịch bệnh bùng phát cũng chịu ảnh hưởng bởi kinh tế của họ có liên quan đến các thành phố bị phong tỏa.

Theo đài CNBC, Thâm Quyến là một trong số ít thành phố công bố dữ liệu tài khóa chính thức. Cụ thể, doanh thu tài khóa trong tháng 4 của Thâm Quyến giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 25,53 tỉ nhân dân tệ.

Trước đó, thành phố này trong tháng 3 ghi nhận mức giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021, xuống 22,95 tỉ nhân dân tệ. "Các chính quyền địa phương đang đối mặt áp lực tài khóa ngày càng lớn. Chi tiêu tăng nhưng doanh thu giảm" - ông Zhang nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Susan Chu, Giám đốc cấp cao của Công ty S&P Global Ratings (Mỹ), lo ngại nhiều hơn về vấn đề thâm hụt tài khóa của Trung Quốc. Theo bà, doanh thu bán đất không tạo áp lực thâm hụt mà áp lực lớn hơn sẽ đến từ chi tiêu hạ tầng, cắt giảm thuế. Bà Chu cũng cảnh báo thâm hụt tài khóa gia tăng đồng nghĩa khả năng vay nợ cao hơn hoặc gánh nặng nợ nần thêm lớn.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-tham-hut-tien-mat-2022053120312589.htm