Trung Quốc thắt chặt, sự im lìm lan rộng trong giới dân chơi nhà giàu
Các thương hiệu xa xỉ đã đóng cửa hàng và sự im lìm của các cơ sở sản xuất vẫn diễn ra kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và hiện tại đã lan rộng ra khắp thế giới.
Cuối tháng 6/2020, Victoria's Secret tại Hong Kong đã thông báo đóng cửa hàng lớn nhất và xa xỉ nhất ở Trung Quốc. Victoria's Secret đã thuê cả 4 tầng của cửa hàng với tổng diện tích gần 5.000 m2 tại khu mua sắm sầm uất nhất Hong Kong - Causeway Bay. Đây cũng là một trong những khu vực có giá thuê đắt đỏ nhất thế giới.
Trong tháng 5, Victoria's Secret tuyên bố đã đóng cửa vĩnh viễn 250 cửa hàng ở Bắc Mỹ chỉ trong vài tháng. Chi nhánh của hãng ở Anh cũng mất khả năng thanh toán khiến 800 người có nguy cơ mất việc làm.
Trước đây, Hong Kong là thị trường bán lẻ lớn của các nhãn hiệu thời trang lớn và trên thế giới nhờ vào sức mua lớn từ du khách Trung Quốc. Khách mua sắm hàng xa xỉ tại đây bởi mức giá rẻ hơn nhờ chính sách miễn phí và không áp dụng thuế hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại Hong Kong.
Theo hãng tin Reuters, cùng với túi xách xa xỉ, quần áo hàng hiệu chất đầy trong các cửa hàng. Ảnh hưởng của dịch bệnh, các thương hiệu đứng đầu từ Chanel đến Louis Vuitton và Gucci đều rơi vào thảm cảnh.
Các thương hiệu này thậm chí phải nếm trái đắng trong nhiều năm tới vì thu nhập của người dân trên khắp thế giới có thể bị co hẹp lại, dẫn đến nhu cầu đối với các mặt hàng đắt tiền giảm đáng kể.
Tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH (Givenchy, FENTY beauty, Louis Vuitton) vừa qua đã cập nhật thông tin tài chính mới nhất của quý 1 năm 2020. Theo đó, doanh thu trong bốn tháng đầu năm đạt 10,6 tỷ Euro, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn LVMH đã tạm đóng cửa vô thời hạn một số cửa hàng.
Trước khủng hoảng dịch bệnh, Bernard Arnault (Chủ tịch và Giám đốc điều hành LVMH) phát biểu: "Nếu được giải quyết trong vòng 2 tháng tới, mọi thứ sẽ không khủng khiếp. Còn 2 năm lại là câu chuyện khác".
Trước đó, các "ông lớn" hàng hiệu khác như tập đoàn Kering (sở hữu Gucci, Bottega Veneta, Alexander McQueen, Balenciaga... ) cũng đóng cửa hầu hết cửa hàng ở Mỹ, đặc biệt là khu vực California và New York. Các nhà máy của Gucci ở Tuscany và Marche đã bị đóng cửa, chưa xác định thời gian hoạt động trở lại.
Tương lai ảm đạm
Theo dự báo, doanh số ngành hàng thời trang xa xỉ nói chung có thể sẽ giảm từ 35-39% trong năm nay, dự kiến sẽ giảm tới 650 tỷ USD so với năm 2019. Thậm chí, các doanh nghiệp cũng cho biết, kênh hàng trực tuyến giảm tới 30-40% doanh thu. Bain & Company dự đoán, doanh số toàn cầu của ngành thời trang xa xỉ có thể giảm tới 60% trong quý II, tăng trưởng năm 2020 giảm 20-35% so với năm 2019 vì đại dịch Covid-19.
Ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ dự báo sẽ có năm kinh doanh ảm đạm nhất trong lịch sử. Nhà phân tích Weber ước tính trong số khoảng 600 thương hiệu đồng hồ, có từ 50-100 thương hiệu sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt nguy cơ là các thương hiệu nhỏ hơn, độc lập không thuộc các tập đoàn xa xỉ Swatch Group, Richemont hoặc LVMH. Ông Weber dự báo doanh số bán đồng hồ tại Thụy Sỹ có thể giảm 40-50%.
Sarah Willersdorf - người đứng đầu ngành hàng xa xỉ tại Boston Consulting Group (BCG) thừa nhận, công nghiệp thời trang nói chung và ngành thời trang xa xỉ chịu nhiều tác động xấu nhất trong các mặt hàng tiêu dùng.
Nghiên cứu của BCG cho thấy 86% trong số hơn 500 nhà sản xuất được khảo sát đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đơn đặt hàng bị hủy hoặc bị đình chỉ và 40% đang vật lộn để trả lương cho nhân viên và nhà cung cấp của họ.
Ngành công nghiệp thời trang xa xỉ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Italy và Pháp. Trong bối cảnh chưa kiểm soát được dịch Covid-19, các chuyên gia dự đoán việc kinh doanh thời trang tiếp tục ảm đạm trong thời gian dài.
Trong ngắn hạn, nhiều thương hiệu âm thầm tăng giá sản phẩm nhằm bù đắp những thua lỗ trong quãng thời gian dài "cửa đóng then cài". Hồi tháng 5 vừa qua, cả Chanel và Louis Vuitton đã bắt đầu tăng giá sản phẩm trên toàn cầu.