Trung Quốc thật sự hưởng lợi tại Afghanistan bất ổn?

Sự tự tin của Bắc Kinh trong việc đối phó với Taliban được thể hiện rõ trên thực tế ở thủ đô Kabul: Khi Mỹ và các đồng minh phương Tây cố gắng sơ tán nhân viên đại sứ quán khỏi Afghanistan, Trung Quốc - cùng với Nga - dường như vẫn bình tĩnh ở lại.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) tiếp Mullah Abdul Ghani Baradar - một thủ lĩnh chính trị Taliban - tại Thiên Tân, ngày 28/7/2021. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) tiếp Mullah Abdul Ghani Baradar - một thủ lĩnh chính trị Taliban - tại Thiên Tân, ngày 28/7/2021. Ảnh: Reuters

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 4/2021, đã có nhiều bình luận về cách Trung Quốc có thể nắm bắt thời điểm để lấp đầy khoảng trống mà phương Tây bỏ lại, và mở rộng sự hiện diện cũng như ảnh hưởng của mình ở quốc gia Nam Á.

Những tranh luận như vậy càng trở nên gay gắt sau cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Taliban và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng trước, nơi ông Vương khẳng định Taliban "đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa giải và tái thiết hòa bình ở Afghanistan". Phát biểu được cho là một sự thay đổi lập trường rõ ràng của Bắc Kinh.

Khi Taliban lên nắm quyền lãnh đạo Afghanistan lần đầu tiên vào năm 1996, Trung Quốc đã từ chối công nhận quyền cai trị của lực lượng Hồi giáo này và đóng cửa đại sứ quán của mình tại Afghanistan trong nhiều năm. Nhưng lần này, Bắc Kinh là một trong những Chính phủ đầu tiên chấp nhận sự trở lại các chiến binh Hồi giáo.

Hôm 16/8, sau khi các tay súng tiến vào thủ đô Kabul để chiếm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ hy vọng Taliban có thể thực hiện lời hứa của mình để đảm bảo "một quá trình chuyển đổi suôn sẻ", và "kiềm chế tất cả các loại hành động khủng bố và tội phạm".
"Tình hình ở Afghanistan đã có những thay đổi lớn, chúng tôi tôn trọng ý chí và sự lựa chọn của người dân Afghanistan", phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16/8.

Sự tự tin của Bắc Kinh trong việc đối phó với Taliban còn được thể hiện rõ trên thực tế ở Kabul: Khi Mỹ và các đồng minh phương Tây cố gắng sơ tán các nhân viên đại sứ quán khỏi Afghanistan, Trung Quốc - cùng với Nga - dường như vẫn bình tĩnh ở lại.

Bloomberg dẫn lời Yun Sun - Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington - nhận định: "20 trước, Trung Quốc không phải là cường quốc toàn cầu và những gì đang xảy ra ở Afghanistan không khiến Trung Quốc bận tâm. Nhưng ngày nay, có quá nhiều nhân tố mới - bao gồm vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, lợi ích kinh tế và việc Trung Quốc tự định hướng mình như một cường quốc toàn cầu".

Trung Quốc ngày nay sở hữu một nền kinh tế trị giá 14,7 nghìn tỷ USD - gấp hơn 17 lần quy mô của nước này vào năm 1996 - cùng một sáng kiến cơ sở hạ tầng và thương mại khổng lồ trải dài Á - Âu.

Những lo ngại của Bắc Kinh về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trong cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ cũng ngày càng sâu sắc trong những năm gần đây, khiến nước này đã phải bố trí một lực lượng an ninh hùng hậu tại biên giới tiếp giáp với Afghanistan.

Cùng với đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với Mỹ được cho cũng khiến Bắc Kinh phải nắm bắt mọi cơ hội, để chống lại sự thống trị của Washington và đẩy các lực lượng Mỹ ra càng xa biên giới mình càng tốt.

Những lợi ích này khiến Trung Quốc trông giống như một cường quốc tiếp theo mang tham vọng đem lại trật tự cho Afghanistan, giữa bối cảnh Taliban chuẩn bị tuyên bố một "tiểu vương quốc Hồi giáo" ở Kabul.

Tuy nhiên, sau những thất bại của Liên Xô năm 1979 và giờ là Mỹ, mọi cường quốc đều được tin sẽ khó tránh khỏi những sai lầm tương tự tại một quốc gia đầy chia rẽ sắc tộc mang tính đặc thù - được mệnh danh là "nghĩa địa của các đế chế" - như Afghanistan.

Các chiến binh Taliban tại dinh Tổng thống Afghanistan, thủ đô Kabul, ngày 15/8/2021. Ảnh: AP

Các chiến binh Taliban tại dinh Tổng thống Afghanistan, thủ đô Kabul, ngày 15/8/2021. Ảnh: AP

Về phần mình, Bắc Kinh đang thể hiện là bên thực dụng hơn - ít can thiệp hơn phương Tây trong khi thúc giục một cuộc đàm phán hòa bình tại Afghanistan. "Trung Quốc hy vọng Taliban tại Afghanistan có thể đoàn kết với các đảng chính trị khác và với tất cả các nhóm dân tộc, xây dựng một khuôn khổ chính trị phù hợp với điều kiện quốc gia bao trùm rộng rãi và đặt nền tảng cho hòa bình lâu dài", bà Hoa Xuân Oánh trả lời báo giới tại Bắc Kinh.

Sự sụp đổ của một Chính phủ quốc gia trị giá 840 tỷ USD, bất kể là do Mỹ hậu thuẫn, buộc Trung Quốc phải đảm bảo các lợi ích kinh tế quan trọng của mình, bao gồm một mỏ đồng và một số lô dầu tại Afghanistan. Theo Bloomberg, Trung Quốc đã sơ tán khoảng 200 doanh nhân khỏi quốc gia láng giềng vào tháng trước.

Sự ổn định của Afghanistan sẽ là chìa khóa để bảo vệ các dự án Vành đai - Con đường trị giá hơn 50 tỷ USD ở nước láng giềng Pakistan, cung cấp một tuyến đường bộ quan trọng đến và đi từ Ấn Độ Dương.

Hơn hết với Bắc Kinh là việc đảm bảo rằng Afghanistan không trở thành nguồn gốc cho chủ nghĩa cực đoan tràn qua biên giới Trung Quốc. Tại cuộc hội đàm ngày 28/7 vừa qua với Ngoại trưởng Vương Nghị, trưởng đoàn đàm phán Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã cam kết rằng "Taliban sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện các hành vi gây bất lợi cho Trung Quốc" - một tuyên bố của Bắc Kinh cho biết.

"Thái độ của Trung Quốc đối với chế độ do Taliban lãnh đạo sẽ phụ thuộc vào các chính sách của họ, chẳng hạn như việc Taliban có thực hiện lời hứa của mình và không trở thành điểm nóng cho các thế lực cực đoan có liên hệ với Trung Quốc hay không", Fan Hongda - Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Đông phương, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải - nhận định với Bloomberg.

Trong khi chuyên gia Yun Sun cho rằng Afghanistan có thể trở thành thử thách lớn nhất đối với mô hình ngoại giao Trung Quốc - được thúc đẩy bởi các khoản vay, hàng hóa và cơ sở hạ tầng thay vì đòi hỏi các chính sách tự do.

"Nếu Taliban theo đuổi các chính sách ôn hòa đối với phụ nữ, không xa lánh các quốc gia khác và đạt được sự ổn định chính trị, thì Bắc Kinh có thể xem xét một loạt các khoản đầu tư tương tự như những gì họ đã làm ở Pakistan", bà Sun dự đoán, "Cách tiếp cận của Trung Quốc là cung cấp việc làm... Nếu mọi người đi làm lúc 9 giờ sáng và về nhà lúc 6 giờ chiều, họ sẽ không có thời gian để nghĩ về khủng bố".

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trung-quoc-that-su-huong-loi-tai-afghanistan-bat-on-431416.html