Trung Quốc thay đổi cách tính thế nào mà số người nhiễm, chết vì Covid-19 tăng bất thường?

Việc Trung Quốc thay đổi cách thức xác nhận bệnh nhân nhiễm bệnh là lý do khiến số ca nhiễm mới trong ngày 12/2 tăng vọt so với những ngày trước đó.

Sáng 13/2, giới chức Y tế Hồ Bắc báo cáo có 14.840 ca nhiễm Covid-19 (nCoV) mới được xác nhận, cùng 242 trường hợp thiệt mạng chỉ trong 1 ngày.

Theo New York Times, việc số ca nhiễm mới tăng mạnh (gần 10 lần) cho thấy mức độ khó khăn trong việc nắm bắt quy mô và mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát Covid-19 (nCoV) ở Trung Quốc, đặc biệt là vùng tâm dịch - nơi hàng nghìn người có các dấu hiệu nghi nhiễm nhưng chưa được xét nghiệm.

Trước đây, bệnh nhân được xác định nhiễm Covid-19 (nCoV) sau khi kết quả xét nghiệm axit nucleic của họ trả ra kết quả dương tính với virus. Tuy nhiên, quá trình này tốn khá nhiều thời gian và có trường hợp bệnh nhân phải xét nghiệm tới 4,5 lần mới phát hiện mình nhiễm bệnh.

Một nhân viên vệ sinh quét dọn trong một bệnh viện cabin tại Vũ Hán. (Ảnh: NYT)

Một nhân viên vệ sinh quét dọn trong một bệnh viện cabin tại Vũ Hán. (Ảnh: NYT)

Trước thực tế này, giới chức y tế Trung Quốc quyết định sử dụng kết quả chụp phổi của bệnh nhân để xác định người này có nhiễm virus hay không. Các quan chức tỉnh Hồ Bắc nói rằng phương pháp nhanh, gọn này giúp các bệnh nhân được đưa vào diện cách ly và điều trị thay vì chờ đợi các xét nghiệm chuyên sâu vốn rất tốn thời gian.

Việc thêm vào các trường hợp này được cho là nguyên do khiến số ca nhiễm mới được báo cáo tại Hồ Bắc tăng mạnh.

Tuy nhiên, việc số liệu nhảy vọt chỉ sau một đêm khiến nhiều chuyên gia y tế thế giới bất ngờ.

"Các bác sỹ Trung Quốc có thể không đủ thiết bị để thực hiện các xét nghiệm phức tạp và có lẽ họ cũng thiếu hụt số lượng kỹ thuật viên", Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt ở Nashville (Mỹ) cho biết.

Ông Schaffner cho rằng đưa ra kết luận dựa vào kết quả chụp quét phổi là lựa chọn nguy hiểm bởi một số bệnh nhân bị cúm thông thường cũng có thể có những triệu chứng tương tự với những người nhiễm Covid-19 (nCoV).

Hồi tuần trước, một bác sỹ Vũ Hán kêu gọi sử dụng các phim chụp CT để đơn giản hóa việc sàng lọc các bệnh nhân và cách ly họ để điều trị.

"Quét CT cho ra kết quả ngay lập tức và Vũ Hán đang thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm", bà này cho hay.

Theo Tiến sĩ Peter Rabinowitz, đồng giám đốc của Đại học Washington (Mỹ), việc thay đổi trong khâu chẩn đoán có thể khiến việc theo dõi dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

"Mọi thứ trở nên rối rắm khi họ thay đổi cách sàng lọc và phát hiện bệnh nhân. Bây giờ ước tính quy mô của dịch bệnh sẽ là một mục tiêu di động", Tiến sĩ Peter Rabinowitz cho hay.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc không ít lần gây hoang mang khi tung ra các con số thống kê và đưa ra tuyên bố về dịch. Họ chậm chạp trong việc công bố dịch, trì hoãn việc xác nhận khả năng virus lây truyền giữa người và người.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 12/2, Tổng Giám đốc WHO cảnh báo tình hình dịch bệnh có thể "đi theo bất cứ hướng nào".

Theo NYT, không có gì lạ khi các nhà khoa học thay đổi các tiêu chuẩn dự đoán bệnh khi họ càng hiểu thêm về căn bệnh đó. Nhưng các chuyên gia tin rằng khi các tiêu chí thay đổi, các số liệu thống kê giữa tuần này và tuần khác sẽ không thay đổi quá lớn.

Tại Vũ Hán, các nhân viên y tế tới tận nhà để kiểm tra và xác định các trường hợp có khả năng nghiễm bệnh. Nếu một người nào đó có nhiệt độ cao, họ sẽ được khuyến cáo cách ly tại nhà để tự theo dõi thay vì tới các cơ sở y tế.

"Bạn phải bị ốm, chính quyền mới tìm đến bạn hoặc bạn tìm đến họ và họ cần xét nghiệm cho bạn", Tiến sĩ Arthur Reingold, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California (Mỹ) cho biết. Ông tin rằng điều này gây khó khăn trong việc xác định các trường hợp nhiễm bệnh.

"Việc nắm bắt chính xác tình hình bên trong Trung Quốc là điều cần thiết cho sự an toàn của phần còn lại trên thế giới", ông Tedros nhấn mạnh.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-tinh-toan-lai-the-nao-ma-so-nguoi-nhiem-chet-vi-covid-19-tang-bat-thuong-ar527484.html