Trung Quốc thiếu hụt 130 triệu tấn ngũ cốc
Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khủng hoảng thiếu hụt 130 triệu tấn ngũ cốc vào cuối năm 2025, cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của quốc gia tỷ dân này vào nhập khẩu lương thực.
Dự báo được chính phủ nước này đưa ra trong bối cảnh lo ngại về an ninh lương thực ở Trung Quốc ngày càng gia tăng, vốn bị châm ngòi bởi các báo cáo về tình trạng thiếu ngũ cốc và lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình về chống lãng phí lương thực.
Viện Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) đánh giá, nguồn cung nội địa của Trung Quốc đối với ba loại ngũ cốc chủ yếu là lúa mì, gạo và ngô, dự kiến giảm 25 triệu tấn vào cuối năm 2025, có nghĩa sự phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng tăng.
Trong khi Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống an ninh ngũ cốc quốc gia và đánh giá nguồn cung tổng thể đủ cho người dân ở thời điểm hiện tại. Chính phủ cho biết “vẫn có những vấn đề về mất cân bằng cơ cấu giữa cung và cầu”.
Darin Friedrichs, một nhà phân tích hàng hóa tại StoneX, Thượng Hải, cho biết một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính phủ chính là khả năng nuôi sống 1,4 tỷ dân dựa vào sản xuất trong nước và nhập khẩu.
“Nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự thiếu hụt kho dự trữ. Sản lượng ngũ cốc mùa hè năm nay đạt 142,8 triệu tấn, tăng 1,21 triệu tấn so với năm 2019”, ông nói thêm.
Hiệu ứng lan tỏa
Mặc dù không có dấu hiệu nào về tình trạng thiếu lúa mì và gạo, nhưng vẫn có những bằng chứng được đưa ra về thiếu nguồn cung ngô.
Theo một báo cáo riêng từ Ủy ban Triển vọng Nông nghiệp Trung Quốc, quốc gia tỷ dân dự kiến thiếu hụt nguồn cung cấp ngô lên tới 16,68 triệu tấn từ 10/2020 đến 9/2021, tăng so với mức dự báo tháng 7 là 13,98 triệu tấn.
Sự thiếu hụt ngô nội địa đã khiến giá loại ngũ cốc này tăng vọt và thúc đẩy nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng lúa mì hơn. Theo đó, giá lúa mì của nước này cũng tăng cao và gây thêm lo ngại về an ninh ngũ cốc.
Friedrichs cho biết, kho dự trữ lúa mì của Trung Quốc đã mua 42,9 triệu tấn từ nông dân trong năm 2020, giảm 9,4 triệu tấn so với năm ngoái, mặc dù sản lượng lúa mì của nước này tăng vào năm 2019.
Ông nói: “Việc chính phủ thu mua dự trữ lương thực chậm hơn do nông dân không đồng ý bán".
"Nhiều người lạc quan vì giá ngô đang tăng gần đây, nhiều người cũng lo ngại về dịch Covid-19 trên toàn cầu và không muốn bán lúa mì tại thời điểm hiện tại”, ông nói thêm.
Dù không đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể trong báo cáo, CASS đề xuất chính phủ Trung Quốc nên cải thiện “chính sách thu mua và dự trữ ngũ cốc” để đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia này.
Ủy ban này cho biết sự thiếu hụt nguồn cung nội địa của Trung Quốc có nguyên nhân chủ yếu do lực lượng lao động nông thôn bị thu hẹp, khi người dân chuyển từ nông thôn lên thành phố. Theo số liệu, khoảng 80 triệu cư dân nông thôn sẽ chuyển đến các khu vực thành thị trong vòng 5 năm tới.
CASS cho biết thêm vấn đề tốc độ già hóa của dân số tại nông thôn Trung Quốc đang tăng nhanh chóng. Tính đến 2025, cứ bốn người thì có một người ở nông thôn trên 60 tuổi. Hơn nữa, nông dân Trung Quốc cũng “thiếu nhiệt tình trong việc trồng ngũ cốc”.
Số liệu nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc đã bắt đầu tăng lên, ngay cả khi chính phủ báo cáo thu hoạch trong nước bội thu.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã nhập khẩu tổng cộng 74,51 triệu tấn ngũ cốc trong 7 tháng đầu năm 2020, tăng 22,7% so với một năm trước.
Dù báo cáo không đề cập đến các cam kết thu mua nông sản của Trung Quốc theo thỏa thuận thương mại giai đoạn I với Mỹ, phần kết luận của báo cáo cũng đưa ra một số lời giải thích cho việc Trung Quốc điên cuồng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trong những tháng gần đây.
Chiến dịch "sạch đĩa"
Trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa ngành chăn nuôi và gián đoạn nhập khẩu do dịch Covid-19, đầu tháng 8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân cả nước cảnh giác về khủng hoảng an ninh lương thực.
Ông Tập nhấn mạnh mức độ lãng phí thực phẩm ở Trung Quốc “gây sốc và đáng buồn”.
Trong vòng một thập kỷ, đây là lần thứ 2 chính phủ nước này phải phát động chiến dịch “sạch đĩa”. Trước đó, năm 2013, một chiến dịch tương tự cũng được phát động sau khi ước tính lãng phí thực phẩm hàng năm ở Trung Quốc tại thời điểm này ở mức 50 triệu tấn.
Nhiều nhà hàng của Trung Quốc đã áp dụng “chế độ đặt hàng N-1”. Thay vì một nhóm 10 người gọi 11 món ăn, họ được khuyên chỉ nên đặt 9 món.
Đầu tháng 8, Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Vũ Hán thực hiện các biện pháp để hạn chế số lượng suất ăn mà khách hàng của nhà hàng có thể đặt. Các biện pháp tương tự cũng được áp dụng ở các thành phố lớn.
Một số đoàn tàu của nước này cũng đã bắt đầu giới thiệu các suất ăn nhỏ hơn, trong khi các trường học trên cả nước cũng đẩy mạnh việc giáo dục học sinh. Chẳng hạn, hàng trăm trường tiểu học ở Tế Nam đồng loạt treo khẩu hiệu nhắc nhở học sinh “Đừng bỏ lại thức ăn, hãy trở thành một dũng sĩ sạch đĩa”.
Các ngôi sao Mukbang, những người sáng tạo video ăn uống của Trung Quốc là những người đối mặt với nhiều chỉ trích, nhất thời điểm hiện tại, khi họ luôn tiêu thụ lượng thức ăn khổng lồ để thu hút người xem.
Các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc đã có động thái cứng rắn để buộc những người có ảnh hưởng đến việc ăn uống của người Trung Quốc phải điều chỉnh nội dung video của họ.
12/8, Trung tâm An toàn của TikTok đăng tải video cho biết ứng dụng sẽ không cho phép bất kỳ hành vi lãng phí thực phẩm nào xuất hiện trên nền tảng này.
Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, thế giới đang đứng trước bờ vực của cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong 50 năm, với gần 690 triệu người trên thế giới thiếu dinh dưỡng vào năm 2019.