Trung Quốc thiếu nước sản xuất, có thể ảnh hưởng mạnh tới chuỗi cung ứng Mỹ

Có nhiều lý do làm gián đoạn chuỗi cung trong thời gian qua, như dịch COVID-19, tắc nghẽn tại cảng… Tuy nhiên, việc thiếu nước tại Trung Quốc có thể trở thành một nhân tố nữa khiến chuỗi cung Mỹ chật vật trong thời gian tới.

Các container hàng hóa tại cảng Los Angeles (Mỹ). Ảnh: Getty Images

Các container hàng hóa tại cảng Los Angeles (Mỹ). Ảnh: Getty Images

Theo tờ The Hill (Mỹ), nước đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động kinh tế. Ngoài nông nghiệp, nước còn quan trọng đối với sản xuất điện, khai thác mỏ, công nghiệp và các sản phẩm tiêu dùng mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Một ví dụ là cần đến hơn 11.000 lít nước để sản xuất một chiếc điện thoại thông minh cơ bản.

Trong khi đó, Trung Quốc đang thiếu hụt lượng nước cần thiết để duy trì nền kinh tế. Khả năng cung cấp nước bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ tương đương 1/4 mức trung bình toàn cầu và gần 700 triệu công dân của nước này sống ở các khu vực được coi là có mức độ căng thẳng cao về nước. Trong khi đó, tình trạng cạn kiệt nước ngầm diễn ra ở các khu vực xung quanh Bắc Kinh nghiêm trọng đến mức một số nơi của thành phố này đang lún hơn 14 cm mỗi năm.

Tình trạng thiếu nước của Trung Quốc đang bộc lộ rõ nét nhất trong lĩnh vực sản xuất điện, các cơ sở thủy điện và điện than của quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nước. Các nhà chức trách Trung Quốc xử lý tình trạng mất điện trên diện rộng bằng cách hạn chế tiêu thụ điện công nghiệp, dẫn đến hạn chế lớn đối với các nhà sản xuất của Trung Quốc.

Đáng chú ý là Mỹ đã nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc, bao gồm 70% hàng hóa trong siêu thị Walmart và 40% quần áo bán trong nước. Trung Quốc cũng là nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm công nghiệp chủ chốt xuất khẩu đến Mỹ, như thép, nhôm và polysilicon được sử dụng để tạo pin Mặt Trời.

Do vậy, khi nguồn cung cấp nước của Trung Quốc bị thu hẹp thì số sản phẩm xuất khẩu đến Mỹ sẽ giảm kèm theo mức giá tăng. Nguồn nước sẵn có ở Trung Quốc đang thấp ở mức đáng báo động và chính phủ nước này đã đưa ra các biện pháp quyết liệt, trong đó có một dự án khổng lồ để chuyển nước từ phía Nam Trung Quốc sang phía Bắc nước này, chuyển ngành sản xuất ra khỏi các khu vực thiếu nước.

Một cánh đồng ngô khô hạn tại Trung Quốc. Ảnh: Wall Street Journal

Một cánh đồng ngô khô hạn tại Trung Quốc. Ảnh: Wall Street Journal

Khử muối trong nước biển không phải là một lựa chọn khả thi, vì đây là quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng và ít nhất một nửa lượng nước được tạo ra từ quá trình khử muối có thể bị mất đi do tiêu thụ điện năng. Ngoài ra, với tình hình căng thẳng hiện nay trên lưới điện của Trung Quốc, khó có khả năng đủ công suất dự phòng để khử muối nước biển và vận chuyển một lượng lớn nước đến các vùng khô hạn.

Vào năm 2005, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh rằng thiếu nước đe dọa đến sự tồn vong của Trung Quốc. Trong khi đó, các quan chức ở Bắc Kinh qua nhiều thập niên đã cố gắng hạn chế dân số chỉ ở mức dưới 10 triệu người do nguồn nước khan hiếm. Nhưng hiện nay dân số Bắc Kinh là 21 triệu người. Điều khó khăn là việc giải quyết vấn đề nguồn cung nước đồng nghĩa với việc phải đánh đổi với lợi ích nông nghiệp, công nghiệp…

Điện được sản xuất từ khí đốt tự nhiên tiêu thụ lượng nước bằng một nửa so với điện sản xuất bằng than và nhu cầu nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đang đẩy giá năng lượng ở Mỹ và nước ngoài tăng cao. Ngoài ra, nhiều quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng điện gió và Mặt Trời không đủ nhiều đề giảm phụ thuộc vào điện than.

Tất cả những điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ gặp rủi ro đáng kể cho đến khi tìm ra giải pháp lâu dài cho các vấn đề về nước của Trung Quốc. Các cuộc thảo luận gần đây liên quan đến việc chuyển chuỗi cung ứng của Mỹ ra khỏi Trung Quốc đã cân nhắc về an ninh quốc gia và chính sách trong nước.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-thieu-nuoc-san-xuat-co-the-anh-huong-manh-toi-chuoi-cung-ung-my-20211204144832073.htm