Trung Quốc thử 'sát thủ diệt tàu sân bay' để nhắm vào Mỹ?
Vụ thử tên lửa của Trung Quốc trên Biển Đông, nếu đúng là sát thủ diệt tàu sân bay DF-21D, sẽ là tín hiệu báo động đối với Mỹ và trở thành quân bài để mặc cả trước đàm phán.
Trong cuộc tập trận trên Biển Đông vào tuần trước, Trung Quốc đã bắn thử loại vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo chống hạm. Lầu Năm Góc cho biết vụ phóng tên lửa diễn ra từ công trình nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Việc Trung Quốc thử tên lửa diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn căng thẳng và hai bên đang chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại tiếp theo. South China Morning Post nhận định vụ thử tên lửa là động thái nhằm phô diễn sức mạnh quân sự và tạo thêm quân bài mặc cả trong đàm phán.
Mối đe dọa mang tên DF-21D?
Lầu Năm Góc không chỉ đích danh loại tên lửa mà Trung Quốc mới thử nghiệm, nhưng các nhà phân tích nhận định nó chính là tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, được mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” và được công bố lần đầu trong cuộc diễu binh ở Bắc Kinh vào năm 2015.
Theo Military Today, DF-21D là phiên bản thiết kế cho mục đích chống hạm, cải tiến từ tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21A. Nó được cho là có tầm bắn khoảng 1.500 km, mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.
Điều đặc biệt đối với tên lửa này là có thể bám theo mục tiêu đang di chuyển trên biển. Nếu thông tin này được xác nhận, DF-21D sẽ trở thành tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) đầu tiên trên thế giới.
Sự phát triển của tên lửa này gây nhiều tranh cãi trong giới phân tích quân sự thế giới. Một số nhà phân tích cho rằng tên lửa này sẽ khiến các siêu tàu sân bay của Hải quân Mỹ trở nên lỗi thời. Các lãnh đạo Hải quân Mỹ lại cho rằng vũ khí này chưa đủ khả năng để vô hiệu hóa tàu sân bay Mỹ.
Để một tên lửa có thể nhắm mục tiêu đang di chuyển, đầu đạn của nó phải được trang bị cảm biến như radar, hồng ngoại hoặc quang học. Tham số mục tiêu phải được cập nhật liên tục để hiệu chỉnh đường bay. Hiện tại, các loại vũ khí có khả năng bám theo mục tiêu di chuyển đều hoạt động bên trong bầu khí quyển và có tầm bắn khá hạn chế.
Lịch sử quân sự thế giới chưa từng ghi nhận loại tên lửa đạn đạo nào có thể bám theo mục tiêu đang di chuyển. Những năm 1970, Liên Xô từng nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm phóng từ tàu ngầm R-27K/SS-NX-13 nhưng không thành công.
Việc dẫn hướng cho đầu đạn được xem là thách thức lớn nhất của DF-21D. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng máy bay, tàu ngầm di chuyển gần tàu sân bay Mỹ và vệ tinh để cung cấp tọa độ dẫn hướng.
DF-21D được cho là đã tiến hành một số thử nghiệm ở sa mạc Gobi nhưng mục tiêu là cố định. Nếu tên lửa mới thử nghiệm được xác nhận là DF-21D, đây là lần đầu tiên nó được thử nghiệm trên Biển Đông, vùng biển đang là điểm nóng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, nơi các chiến hạm của Hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tự do hàng hải.
Quân bài mặc cả với Mỹ
Dù thực hư về DF-21D vẫn chưa rõ ràng, nhưng vụ thử tên lửa của Trung Quốc trên Biển Đông được xem là một tín hiệu gửi đến Hải quân Mỹ trong khu vực.
Tên lửa mới phóng có thể không phải là DF-21D, nhưng Trung Quốc đã chứng minh rằng họ có thể phóng nhiều tên lửa từ các công trình nhân tạo trên Biển Đông. Điều này đi ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh từng tuyên bố.
Ni Lexiong, học giả quân sự ở Thượng Hải nói với South China Morning Post: “Khi sắp ngồi xuống bàn đàm phán, bạn muốn có thêm quân bài để mặc cả và đây là một chiến thuật để đạt được điều đó”.
Ông Ni cho biết thêm Trung Quốc đang cảm thấy sức ép từ Mỹ, không chỉ là vấn đề chiến tranh thương mại, công nghệ, mà còn đến từ sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan và Hong Kong. “Sự hậu thuẫn lớn nhất cho những nỗ lực ngoại giao chính là sức mạnh quân sự. Mỹ có 11 nhóm tác chiến tàu sân bay và DF-21D là vũ khí có thể đe dọa tàu sân bay Mỹ”, ông Ni nói.
Vụ thử tên lửa trùng với thời điểm Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra tại Osaka, Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại đàm phán để giải quyết chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Zhou Chenming, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh cho biết cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước và không nhắm vào bất kỳ bên cụ thể nào, nhưng tuyên bố của Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ đang cảm thấy bị áp lực từ cuộc tập trận.
Ông Zhou nhận định phản ứng của Lầu Năm Góc có thể là lý do để chính quyền tỉnh Hải Nam gỡ bỏ hạn chế đi lại trên một phần của Biển Đông sớm hơn so với kế hoạch. Ban đầu, cơ quan quản lý an toàn hàng hải Hải Nam ban hành lệnh cấm tàu thuyền qua lại trên một số khu vực ở Biển Đông từ sáng sớm ngày 29/6-3/7, nhưng đã gỡ lệnh cấm vào sáng ngày 2/7.
“Trung Quốc có lẽ không muốn khiêu khích người Mỹ”, ông Zhou nhận định.