Trung Quốc tiến gần hơn đến mục tiêu đưa người đổ bộ Mặt trăng
Các chuyên gia cho biết đổ bộ lên Mặt trăng chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc. Họ có một mục tiêu lớn hơn nhiều – biến Mặt trăng thành sân sau của mình.

Khoang trở về của tàu Mộng Châu tách khỏi tháp thoát hiểm trong cuộc thử nghiệm ngày 17/6/2025. Ảnh: Tân Hoa Xã
Trung Quốc mới đây đã thử nghiệm thành công hệ thống thoát hiểm trên tàu vũ trụ Mộng Châu (Mengzhou), tên gọi mang nghĩa “con tàu giấc mơ” trong tiếng Trung. Theo kế hoạch, vào năm 2030, Trung Quốc sẽ đưa ba phi hành gia nước này đổ bộ lên Mặt trăng.
Theo trang Asia Times, đây là lần thử nghiệm bay thoát hiểm ở độ cao bằng 0 lần thứ hai trong vòng 27 năm, kể từ sau lần thử đầu tiên với tàu vũ trụ có người lái Thần Châu vào năm 1998. “Độ cao bằng 0” ở đây có nghĩa là cuộc thử nghiệm được tiến hành ngay trên mặt đất, thay vì ở độ cao lớn trên không.
Hệ thống thoát hiểm – hay còn gọi là “tháp thoát hiểm” – được gắn ở phần chóp của khoang trở về trên tàu Mộng Châu, sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn (SRM) để hoạt động. Trong trường hợp khẩn cấp khi phóng, hệ thống này có thể tự động phát hiện sự cố và tách khoang trở về khỏi tên lửa trong vòng hai giây.
Trong cuộc thử nghiệm ngày 17/6, toàn bộ tổ hợp gồm tàu vũ trụ và tháp thoát hiểm được phóng lên, đạt độ cao thiết kế chỉ sau khoảng 20 giây. Sau đó, khoang trở về tách khỏi tháp và hạ cánh xuống mặt đất bằng dù trong vòng hai phút.
Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), các hệ thống thoát hiểm và cứu hộ trên tàu Mộng Châu hiện đã được tích hợp trực tiếp vào thân tàu. Trong khi đó, với tàu Thần Châu, các chức năng này từng được xử lý bởi tên lửa đẩy.
“Mộng Châu sẽ trở thành tàu vũ trụ có người lái nòng cốt, phục vụ lâu dài cho việc vận hành và phát triển trạm vũ trụ Trung Quốc, các nhiệm vụ khám phá Mặt trăng có người lái và nhiều sứ mệnh khác”, CMSA tuyên bố. “Cuộc thử nghiệm thành công lần này đã đặt nền tảng kỹ thuật quan trọng cho các chuyến bay có người lên Mặt trăng trong tương lai.”
Viện số 4 thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) – đơn vị phát triển tháp thoát hiểm – cho biết trong một thông cáo ngày 24/6 rằng đội ngũ của họ đã đạt được nhiều đột phá trong công nghệ động cơ nhiên liệu rắn, vốn sử dụng nhiên liệu rắn để tạo lực đẩy.
Họ cho biết thành tựu như vậy đã cải thiện đáng kể hệ thống thoát hiểm của tàu Mộng Châu so với Thần Châu.
"Lần đầu tiên, chúng tôi chịu trách nhiệm phát triển máy chủ của hệ thống thoát hiểm bằng cách sử dụng các cảm biến và cơ chế tự phát triển", CASIC cho biết vào ngày 24/6. "Chúng tôi cũng đã phát triển phần mềm và thuật toán để điều khiển SRM và sử dụng nhiên liệu tên lửa thân thiện với môi trường".
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hành động thiết thực để hiện thực hóa giấc mơ đưa người lên mặt trăng của Trung Quốc”, tuyên bố của CASIC cho biết.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-19 rời bệ phóng tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc ngày 30/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Vào tháng 1/2022, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Học viện CASIC và cáo buộc cơ quan này hành động trái với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tên lửa Trường Chinh
Sau khi thử nghiệm hệ thống thoát hiểm, nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của CMSA là phóng tên lửa Trường Chinh 10a (Long March 10A) vào năm 2026.
Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ không người lái Hằng Nga 6 lên mặt trăng vào tháng 5 năm ngoái bằng tên lửa Trường Chinh 5.
Trường Chinh 5, có biệt danh là "Fat Five", có tám động cơ tên lửa YF-100 trong bốn tên lửa đẩy và hai động cơ YF-77 ở tầng đầu tiên. Tổng lực đẩy là 10.636 kilonewton (kN). Nó có thể nâng 25 tấn lên quỹ đạo Trái đất thấp (LEO), 14 tấn lên quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh (GTO) và 8 tấn lên quỹ đạo chuyển tiếp Trái đất-Mặt trăng hoặc quỹ đạo tiêm xuyên Mặt trăng (TLI).
Sức nâng như vậy là không đủ để hỗ trợ sứ mệnh Mặt trăng có người lái của Trung Quốc.
Trường Chinh 10 là phiên bản nâng cấp của Trường Chinh 5. Nó có 14 động cơ YF-100 trong hai tên lửa đẩy và bảy động cơ nữa ở tầng đầu tiên. Tổng lực đẩy là 26.250 kN. Nó có thể nâng 70 tấn lên LEO và 27 tấn lên TLI.
Cục Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã lên kế hoạch phóng Trường Chinh 10 vào năm 2027. Tuy nhiên, vào tháng 11 năm ngoái, họ đã tuyên bố sẽ phóng Trường Chinh 10A vào năm 2026.
Trường Chinh 10A là phiên bản Trường Chinh 10 không có hai tên lửa đẩy. Nó có thể đưa 14 tấn, hoặc một tàu vũ trụ chở tối đa bảy người, lên LEO và có thể tái sử dụng.
"Việc phát triển tên lửa Trường Chinh 10 có người lái thế hệ tiếp theo của chúng tôi đang đúng tiến độ", Wang Yue, một nhà nghiên cứu tại Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc cho biết. "Chúng tôi đã đạt được một số đột phá trong việc phát triển tên lửa có thể tái sử dụng và đã bắt đầu sản xuất các thành phần.
Theo kế hoạch của CNSA, Trung Quốc sẽ phóng Trường Chinh 10 ba lần trong khoảng thời gian từ năm 2027 đến năm 2030. Đến năm 2030, lần phóng thứ tư và thứ năm sẽ là tàu đổ bộ lên Mặt trăng và tàu vũ trụ Mộng Châu. Không có tên lửa nào trong số này được tái sử dụng.
"Sân sau của Trung Quốc"
Một số nhà bình luận Trung Quốc cho biết sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng của Trường Chinh 10 sẽ tiếp tục mở rộng sau khi các phi hành gia Trung Quốc đổ bộ lên Mặt trăng.
“Đổ bộ trên Mặt trăng chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch thám hiểm Mặt trăng của đất nước chúng tôi. Chúng tôi có một mục tiêu lớn hơn nhiều – biến Mặt trăng thành sân sau của Trung Quốc”, một chuyên gia Trung Quốc viết trong một bài báo đăng vào tháng trước.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-19 rời bệ phóng tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc ngày 30/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
“Sau khi các phi hành gia của chúng tôi đến được Mặt trăng, người dân của chúng tôi sẽ chuyển đến và sống ở đó. Chúng tôi sẽ trò chuyện và giải trí trên Mặt trăng, coi nơi này như sân sau của mình”, vị chuyên gia nói.
Ông cho biết các phi hành gia Trung Quốc sẽ xây nhà trên Mặt trăng và thường xuyên di chuyển giữa Trái đất và Mặt trăng.
Ông cho biết Trung Quốc cũng sẽ sử dụng công nghệ vũ trụ của mình để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia khác và giúp đưa các phi hành gia từ các quốc gia khác lên Mặt trăng. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ khám phá ra cách khai thác nước và tạo ra oxy bằng các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng.
"Kế hoạch Mặt trăng của chúng tôi vẫn đang được đẩy nhanh, trong khi Mỹ vẫn đang trì hoãn kế hoạch của mình", ông nói. "Có khả năng Trung Quốc sẽ đánh bại Mỹ trong việc đưa người lên Mặt trăng trong vòng đua không gian này".
Vào ngày 19/12/1972, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) đã đưa con người lên Mặt trăng trong sứ mệnh Apollo 17. Cơ quan này có kế hoạch quay trở lại Mặt trăng vào giữa năm 2027 với sứ mệnh Artemis III. Hai trong số bốn phi hành gia, bao gồm người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên, sẽ hạ cánh xuống Cực Nam của Mặt trăng trong một tuần thám hiểm khoa học.