Trung Quốc tiến mạnh trong lĩnh vực UAV vận tải

Năng lực của các loại máy bay không người lái (UAV/drone) của Trung Quốc ngày càng tăng và có thể được ứng dụng cả trong vận tải thương mại lẫn quân sự.

Nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc Sichuan Tengden (Tứ Xuyên Đằng Thuẫn) cho biết lần đầu tiên họ tiến hành bay thử một vận tải cơ UAV mới với tải trọng được nêu là 2 tấn. Vận tải cơ này được cho là UAV vận tải thương mại lớn nhất Trung Quốc hiện nay.

Chuyến bay đầu tiên của UAV Đằng Thuẫn mới kéo dài khoảng 20 phút, diễn ra hôm 11/8. Chiếc máy bay cất cánh từ Sân bay Tự Cống Phượng Minh ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, theo China Daily. Công ty Công nghệ Tứ Xuyên Đằng Thuẫn trên danh nghĩa là tư nhân, nhưng tạp chí TWZ của Mỹ nói nó có mối liên hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc (PLA).

Chiếc UAV vận tải lớn nhất Trung Quốc cất cánh lần đầu tiên hôm 11/8.

Chiếc UAV vận tải lớn nhất Trung Quốc cất cánh lần đầu tiên hôm 11/8.

Có thể ứng dụng vào quân sự

Chiếc UAV có sải cánh 16,1m, cao hơn 4,6m. Khoang chứa hàng rộng khoảng 12 m3. Máy bay có ba bánh đáp, được thiết kế để cất và hạ cánh từ đường băng thông thường. Chưa rõ cách thức chất và dỡ hàng hóa, nhưng hình ảnh từ chuyến bay đầu tiên cho thấy UAV Tengden có một cửa hông phía bên trái thân sau, một cửa nhỏ hơn ở phía trước. Theo TWZ, chiếc UAV cỡ lớn có tiềm năng ứng dụng trong quân sự, đặc biệt là để vận chuyển hàng tiếp tế cho lực lượng PLA ở những địa điểm xa xôi như các đảo hoặc vùng núi non hiểm trở.

Nhà sản xuất Tengden chưa công bố bất kỳ thông tin chi tiết nào về khả năng của chiếc vận tải cơ ngoài tải trọng hàng hóa. Cũng chưa rõ nó có thể hoạt động tự chủ đến cấp độ nào. Máy bay có một ăng-ten mái vòm màu trắng lớn ở phía trước, có thể là thiết bị liên lạc vệ tinh, giúp nó kết nối trực tiếp với hệ thống điều khiển ngoài tầm nhìn. Hệ thống điều khiển ngoài tầm nhìn (beyond visual line of sight - BVLOS) là một thuật ngữ thường được sử dụng trong lĩnh vực điều khiển và vận hành UAV. BVLOS giúp người điều khiển vận hành máy bay từ xa mà không cần phải duy trì tầm nhìn trực tiếp.

Theo các chuyên gia của TWZ, một UAV chở hàng ít nhất phải có khả năng xác định đường bay từ điểm A đến điểm B, thực hiện tự động hoặc bán tự động với một tuyến đường được lập trình sẵn. Nếu được trang bị các hệ thống bay tự động tiên tiến, UAV cất cánh và hạ cánh, thực hiện thay đổi hướng bay tự chủ, không cần sự hỗ trợ của con người. Một bộ phận phóng và thu hồi tại điểm khởi hành và hạ cánh cũng có thể được sử dụng để điều khiển các hoạt động đầu cuối của máy bay, nhưng trong trường hợp đó, chiếc UAV chỉ có thể đến và đi ở một số điểm nhất định. Tất nhiên đây chỉ là những giả định của giới quan sát vì Tengden chưa cung cấp các thông tin liên quan.

Vận tải cơ mới của Tengden xuất hiện hai tháng sau khi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) cho ra mắt drone chở hàng HH-100, với khả năng mang 700 kg hàng hóa. Chuyến bay đầu tiên của HH-100 với đường bay 35 km, kéo dài trong một khoảng thời gian không được công bố, diễn ra ngày 12/6. AVIC cho biết drone vận tải của họ dự kiến có thể bay với tốc độ 300 km/h, trần bay 5.000m, tầm bay 520 km với tải trọng đầy đủ.

Máy bay có thể chở tới 2 tấn hàng hóa.

Máy bay có thể chở tới 2 tấn hàng hóa.

Năm 2022, Công ty Tengden bay thử nghiệm UAV vận tải TB-001D Scorpion D bốn động cơ có sải cánh lớn hơn so với chiếc UAV vừa ra mắt, nhưng nhìn chung nhỏ hơn và có tải trọng thấp hơn, đạt 1,36 tấn. Trước đây Tengden từng đề xuất một thiết kế UAV chở hàng thân đôi chạy bằng động cơ phản lực thậm chí còn lớn hơn. Các công ty Trung Quốc khác cũng đang nghiên cứu thiết kế UAV chở hàng cỡ lớn.

"Các nhà sản xuất tại quốc gia sản xuất UAV/drone hàng đầu thế giới đang thử nghiệm những mẫu máy bay có tải trọng ngày càng lớn khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế không phận và ban hành các ưu đãi để thúc đẩy nền kinh tế tầm thấp", một bản tin hôm 12/8 của Reuters viết. Nền kinh tế tầm thấp (low-altitude economy) bao hàm các hoạt động kinh tế diễn ra trong các lớp không gian gần mặt đất, thường là ở độ cao dưới 1.000 m, ví dụ sử dụng UAV/drone, trực thăng và các loại phương tiện bay khác phục vụ logistics, vận chuyển, nông nghiệp, giám sát và các ứng dụng khác.

"Cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc dự đoán quy mô ngành kinh tế tầm thấp của họ sẽ đạt trị giá 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (279 tỷ USD) vào năm 2030, tăng gấp 4 lần năm 2023", theo Reuters. Các công ty Trung Quốc đã thực hiện chở hàng thương mại bằng UAV/drone và một trong các UAV vận tải mà họ sử dụng là dòng FH-98. Chiếc máy bay cánh quạt này là phiên bản không người lái của dòng máy bay Yun-5B Trung Quốc sao chép thiết kế máy bay Antonov An-2 hai tầng cánh nổi tiếng của Liên Xô. An-2 lần đầu tiên bay vào năm 1947 và vẫn đang được sử dụng trên toàn thế giới trong các vai trò quân sự và thương mại.

Công ty Tengden đã khẳng định được vị thế nhà sản xuất UAV/drone quân sự tầm trung có khả năng bay trong thời gian dài (MALE hay medium altitude long endurance), thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát và các cuộc tấn công sử dụng vũ khí chính xác cỡ nhỏ. Một số loại UAV MALE của Tengden đang phục vụ PLA và đã thực hiện các nhiệm vụ tầm xa quanh đảo Đài Loan và một số vùng xung quanh Nhật Bản.

UAV TB-001“Bọ cạp đuôi đôi” và các loại vũ khí nó có thể mang theo.

UAV TB-001“Bọ cạp đuôi đôi” và các loại vũ khí nó có thể mang theo.

Theo TWZ, lực lượng vũ trang Trung Quốc có thể quan tâm đến thiết kế mới của Tengden cũng như những công ty khác cho các nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa. Số lượng các vận tải cơ truyền thống (có người lái) trong quân đội Trung Quốc ngày càng tăng, trong đó có dòng vận tải cơ hạng nặng Y-20 được nói là có năng lực gần tương đương C-17 Globemaster của quân đội Mỹ. Quân đội Trung Quốc đã thiết lập căn cứ ở nhiều địa điểm xa xôi và khắc nghiệt, thường có đường băng hạn chế về độ dài hay các điều kiện khác nên nếu họ quan tâm đến các vận tải cơ UAV cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, các nền tảng không người lái có chi phí vận hành rẻ hơn, có thể rất hữu ích cho các hoạt động tiếp tế thường xuyên ở những địa điểm mà các máy bay chở hàng có người lái khó khăn hoặc thậm chí không thể hoạt động. Các tiền đồn xa xôi trên đất liền ở miền tây Trung Quốc tạo ra thách thức về độ cao đối với các máy bay có người lái hoặc không người lái cỡ nhỏ. UAV vận tải tải trọng lớn có thể mang lại lợi ích lớn trong trường hợp này.

Trong cuộc đối đầu trên biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 2020, độ cao lớn ở vùng Himalaya hẻo lánh khiến cả đôi bên rất khó khăn trong công tác hậu cần, bảo đảm khả năng chiến đấu. Giờ đây với các UAV vận tải, PLA có thể giải quyết phần nào khó khăn kiểu đó.

Ngoài ra, PLA có lợi ích rõ ràng trong việc mở rộng năng lực tiến hành các hoạt động viễn chinh ngày càng xa Trung Quốc đại lục. UAV vận tải có thể là một phần trong nỗ lực xây dựng khả năng hỗ trợ các nhiệm vụ viễn chinh trong tương lai. Trong một cuộc xung đột hoặc các tình huống rủi ro cao khác, quân đội Trung Quốc có thể dùng UAV tiếp tế cho lực lượng tiền phương mà không lo mất phi công.

Các lực lượng của quân đội Mỹ, đặc biệt là Thủy quân Lục chiến, cũng đang tìm cách triển khai nhiều hệ thống UAV vận tải để trong tương lai có thể hỗ trợ các hoạt động viễn chinh, phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm cho binh sĩ. Tuy nhiên, TWZ cho rằng UAV vận tải mới của Tengden có năng lực, đặc biệt là tầm bay, vượt xa những gì lực lượng Mỹ đang hướng tới. Mặc dù lĩnh vực UAV/drone vận tải ngày càng được quan tâm, nhưng người Mỹ chưa có sự bùng nổ trong việc phát triển các thiết kế UAV vận tải cỡ lớn, tầm bay xa.

Ngoài việc vận tải hàng hóa, thiết kế mới của Tengden ẩn chứa khả năng tích hợp vũ khí, trở thành một phương tiện chiến đấu. Công ty Tengden đã có kinh nghiệm tích hợp nhiều hệ thống cảm biến và vũ khí lên dòng sản phẩm MALE hiện có của họ. Thiết kế mới của công ty có khả năng được sửa đổi thành một nền tảng thả/phóng các vũ khí, khí tài khác ngoài các loại bom đạn, ví dụ các drone cỡ nhỏ.

Một trong các thiết kế nổi bật của Tengden là UAV Tengden TB-001 “Bọ cạp đuôi đôi” có trong biên chế quân đội Trung Quốc, ra mắt tháng 9/2017. UAV tấn công này có 4 mấu cứng treo vũ khí, có thể mang theo bom dẫn đường laser 250 kg, bom lượn FT-7, bom dẫn đường FT-9, tên lửa không đối đất AR-4, tên lửa hành trình AR-3…

Ngày 9/7 vừa qua, quân đội Nhật Bản đã cho tiêm kích cất cánh giám sát khi một chiếc TB-001 được nói là “bay qua tuyến đường thủy chiến lược gần các đảo phía tây nam Nhật Bản”, theo tường thuật của Newsweek. “Một UAV do thám - tấn công TB-001 của Trung Quốc đã bay từ biển Hoa Đông và đi qua eo biển Miyako”, Văn phòng Tham mưu Liên quân của Bộ Quốc phòng Nhật Bản được Newsweek dẫn lời.

Một chiếc TB-001 bay qua Eo biển Miyako. Hình ảnh do Văn phòng Tham mưu Liên quân Nhật Bản cung cấp.

Một chiếc TB-001 bay qua Eo biển Miyako. Hình ảnh do Văn phòng Tham mưu Liên quân Nhật Bản cung cấp.

Tengden - “ngôi sao mới nổi”

Theo Aviation International News, Công ty Công nghệ Tứ Xuyên Đằng Thuẫn năm 2017 giới thiệu một số UAV mới tại Triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 14 được tổ chức tại Nam Ninh, Trung Quốc. Đó là UAV TA-001 “Phác Thiên Điêu”, UAV TB-001 “Bọ cạp đuôi đôi”, hai UAV lên thẳng có tên HA-001 “Một Vũ Tiễn” và HB-002 “Tiểu Lý Quảng”.

Tengden nói tất cả UAV mang vũ khí của họ đều được đặt tên theo các nhân vật trong “Thủy Hử”, tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc. Phác Thiên Điêu, Một Vũ Tiễn, Tiểu Lý Quảng là biệt hiệu của ba nhân vật Thủy Hử, lần lượt là Lý Ứng giỏi phóng dao, Trương Thanh giỏi ném đá và Hoa Vinh tài bắn cung.

“Bọ cạp đuôi đôi” là UAV dạng MALE có hai cánh quạt. TB-001 có sải cánh 20m, trọng lượng cất cánh tối đa 2.800 kg, trần bay 8.077m, thời gian bay 35 giờ và bán kính nhiệm vụ 280 km với các liên kết thông tin liên lạc trong tầm nhìn và hơn 3.000 km khi sử dụng thông tin liên lạc vệ tinh.

Trong khi đó, HA-001 và HB-001 có trọng lượng cất cánh tối đa 450 kg và 280 kg với thời gian bay lần lượt là 6 giờ và 5 giờ. Theo Tengden, những UAV cất hạ cánh thẳng đứng này có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ trinh sát, chống khủng bố, chở hàng và tuần tra biên giới.

Sichuan Tengden, tên ban đầu là Tengoen Technology, được thành lập tháng 1/2016 với sự góp vốn của một số công ty công nghệ hàng không Trung Quốc và một công ty đầu tư nhà nước. Công ty có một cơ sở nghiên cứu và phát triển độc lập, hai cơ sở lắp ráp tại khu phức hợp ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/trung-quoc-tien-manh-trong-linh-vuc-uav-van-tai-i741032/