Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu cuộc đua mạng 6G
Những bước tiến gần đây cho thấy Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu cuộc đua phát triển mạng 6G, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Mạng 4G ra mắt công chúng vào năm 2009, và 10 năm sau, mạng 5G mới chính thức được thương mại hóa. Trên thực tế, để phát triển mạng di động cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, vì vậy các quốc gia cần nhiều năm để phát triển một thế hệ mạng viễn thông mới.
Hầu hết những công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực này đều đến từ các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu. Và với sự vượt lên dẫn đầu khi phát triển mạng 5G, Trung Quốc đã làm cho các quốc gia khác trên đường đua “sốt vó”. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã không ít lần tỏ ra thất vọng với sự chậm trễ này của các công ty trong nước.
Lệnh cấm vận của Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua đã khiến cho hầu hết các doanh nghiệp Mỹ và thậm chí châu Âu không thể hợp tác, chia sẻ nghiên cứu khoa học với một số doanh nghiệp Trung Quốc, gây gián đoạn quá trình phát triển mạng 6G của nước này.
Điều này có thể khiến việc phát triển mạng 6G mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, theo những báo cáo gần đây, Trung Quốc đang tiếp tục dẫn đầu trong công cuộc chinh phục mạng 6G.
Nhiều kết quả khả quan
Theo báo cáo gần đây, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông và thiết bị cầm tay Trung Quốc ZTE và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã tiến hành một số thử nghiệm mẫu công nghệ quan trọng đối với mạng 6G.
Theo đó, ZTE đã cung cấp không ít nhân lực và vật lực cho hoạt động thử nghiệm. Năm cuộc thử nghiệm mà ZTE tham gia bao gồm:Mẫu khái niệm mạng tự trị phân tán và mạng song sinh kỹ thuật số 6G, mẫu khái niệm công nghệ chính của mạng điện toán 6G, mẫu khái niệm công nghệ chính 6G terahertz, mẫu khái niệm công nghệ chính tích hợp nhận thức truyền thông 6G và mẫu khái niệm công nghệ siêu bề mặt thông minh 6G.
Tất cả những báo cáo về các thử nghiệm 6G của ZTE với chính phủ đều cho kết quả khả quan. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là thế giới có thể sớm sử dụng công nghệ 6G. Tương tự như mạng 5G, nhiều năm nữa, thế giới mới có thể áp dụng những tiềm năng của mạng 6G vào thực tế đời sống kinh tế - xã hội.
Như chúng ta đã biết, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đầu tư vào 6G, Mỹ và châu Âu đang tiếp tục đầu tư nghiên cứu công nghệ này.
Năm ngoái, Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA) tuyên bố rằng trong số khoảng 38.000 bằng sáng chế liên quan đến 6G trên toàn thế giới, có 13.449 bằng sáng chế đến từ Trung Quốc (chiếm đến 35%). Và Hoa Kỳ đứng thứ hai với 18% bằng sáng chế 6G. Sự khác biệt là khá lớn, nhưng Hoa Kỳ không hề có ý định đứng mãi ở vị trí này!
Ericsson đầu tư hàng triệu USD vào nghiên cứu mạng 6G ở Anh
Khi Trung Quốc đã đi đến giai đoạn thử nghiệm các mẫu công nghệ 6G quan trọng, thì châu Âu và Mỹ vẫn đang trong quá trình đầu tư.
Sau khi cấm vận những công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE, Mỹ quay sang hợp tác với những tập đoàn hàng đầu về công nghệ mạng di động là Ericsson và Nokia trong việc phát triển mạng 6G. Các báo cáo gần đây cho biết Ericsson sẽ đầu tư hàng triệu bảng vào hoạt động nghiên cứu mạng 6G ở Anh.
Ericsson cho biết sẽ hợp tác với nhiều trường đại học về bảo mật phần cứng, trí tuệ nhân tạo, mạng nhận thức (cognitive network - một loại mạng dữ liệu mới sử dụng công nghệ tiên tiến từ một số lĩnh vực nghiên cứu để giải quyết một số vấn đề mà những mạng truyền thông hiện tại đang phải đối mặt) và điện toán lượng tử.
Ericsson cho biết tập đoàn đang thực hiện kế hoạch 10 năm, nhằm thúc đẩy sự phát triển của mạng 6G. Theo tập đoàn này, mạng 6G sẽ được thương mại hóa vào khoảng năm 2030.
Bà Katherine Ainley, giám đốc điều hành của Ericsson Vương quốc Anh và Ireland, cho biết: “Chúng tôi sẽ thành lập một nhóm nghiên cứu gồm 20 nhà nghiên cứu cấp cao ở Vương quốc Anh, đồng thời tài trợ kinh phí cho sinh viên. Trọng tâm ban đầu trong hoạt động của nhóm sẽ là phát triển mạng 6G và bảo mật phần cứng”. Có thông tin cho rằng một số trường đại học ở Anh như Đại học Surrey, Đại học Bristol và Đại học Manchester sẽ tham gia vào hoạt động này.
Thêm vào đó, bà Katherine tuyên bố sẽ bổ sung 17 điểm nghiên cứu hiện có của Ericsson tại 12 quốc gia vào nhóm nghiên cứu. Chính phủ Anh cho biết khoản đầu tư của Ericsson đại diện cho “sự tin tưởng” vào ngành viễn thông của Vương quốc Anh. Bà Katherine cũng cho biết thêm rằng nước này sẽ sớm công bố chiến lược phát triển công nghệ 6G.