Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở Hoàng Sa
Trung Quốc đã xây dựng một mặt bằng mới ở một khu vực hẻo lánh của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có thể được sử dụng vào mục đích quân sự, theo những hình ảnh vệ tinh gần đây mà một tổ chức nghiên cứu của Mỹ có được.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược có trụ sở ở Washington nói các ảnh chụp cho thấy một kết cấu mới đã được Trung Quốc xây dựng trên đá Bông Bay, với một mái che radar và những tấm pin năng lượng mặt trời. “Có khả năng việc xây dựng tương tự sẽ được triển khai ra các phần khác của biển Đông”, AMTI nói trong một văn bản mà Reuters được cung cấp. Theo AMTI, chưa rõ mặt bằng mới sẽ được dùng vào việc gì, nhưng có thể cho mục đích quân sự.
“Dải đá (Bông Bay) rất gần với hải trình thông thường của tàu bè nối từ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa kéo xuống phía nam và là một địa điểm thuận lợi để lắp đặt các cảm biến, mở rộng hoạt động thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc đối với một tuyến đường biển quan trọng”, AMTI nói.
Về chuyện này, một tờ báo Trung Quốc hôm qua nói rằng nước này cần tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng các công trình dân sự trên các đảo ở biển Đông, bớt đi các công trình quân sự để làm dịu đi lo ngại trong khu vực về ý đồ của Trung Quốc.
Trong một bài bình luận, Thời báo Học tập nói có “nguy cơ chiến tranh tiềm tàng” tại các khu vực xung quanh Trung Quốc, ví dụ như ở biển Đông.
“Các can thiệp quân sự chưa lường trước được từ bên ngoài là đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông-PV)”, bài bình luận trên tờ báo của Trường Đảng trung ương Trung Quốc viết.
“Nếu quân đội ta không có năng lực ngăn chặn ở Nam Hải, bảo vệ hòa bình và ổn định chỉ là lời nói suông”.
Tuy nhiên, tờ báo Trung Quốc nói cần có thêm các nhân tố phi quân sự ở biển Đông. Điều này có nghĩa là cần xây thêm đèn biển, sân bay dân sự, các công trình phục vụ cứu hộ cứu nạn, dự báo thời tiết…
Trung Quốc thường xuyên chỉ trích Mỹ và các đồng minh thực hiện việc qua lại gần các đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.Hồi đầu tháng, Mỹ một lần nữa kêu gọi Trung Quốc dừng các hoạt động quân sự hóa biển Đông, yêu cầu Bắc Kinh rút tên lửa khỏi các đảo chiếm đóng trái phép.
Mỹ cũng thường xuyên phái tàu chiến và máy bay ném bom bay ngang qua các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng, điều Bắc Kinh liên tục phản đối. Hôm thứ Hai vừa qua, khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Philippines, hai máy bay ném bom B-52H của không quân Mỹ đã bay qua biển Đông, một hoạt động mà Washington gọi là nhiệm vụ huấn luyện thường kỳ, SCMP cho hay.
Hai oanh tạc cơ hạng nặng cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam ở Thái Bình Dương bay tới biển Đông, theo một thông báo của lực lượng Không quân Thái Bình Dương, Mỹ.
Tàu sân bay Mỹ tới Hong Kong
Trong khi máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ bay tới biển Đông, một nhóm tàu sân bay Mỹ đã cập cảng Hong Kong, cho dù trước đó chưa đến hai tháng, chính quyền Trung Quốc từ chối một chuyến thăm tương tự.
Theo đài CNN, việc cho phép tàu hải quân Mỹ cập cảng ở đặc khu hành chính Hong Kong có thể được hiểu là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm giảm căng thẳng Trung-Mỹ, trước cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao hai nước vào cuối tháng này, khi hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Argentina.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương USS Chancellorsville, các tàu khu trục USS Benfold và USS Curtis Wilbur đã được phép cập cảng Hong Kong, theo cơ quan hàng hải của đặc khu này.
Chưa đầy hai tháng trước, căng thẳng gia tăng khi một tàu chiến Mỹ bị tàu chiến Trung Quốc chặn đầu trên biển Đông.
Chỉ mới thứ Bảy tuần trước, đô đốc Phil Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ nói Trung Quốc đang thực thi một chiến dịch dọa nạt bằng quân sự ở biển Đông.