Trung Quốc tìm kiếm hiệp ước an ninh với các quốc đảo Thái Bình Dương
Trong ngày 30/5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự kiến tham gia cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo và quan chức hàng đầu của 10 quốc đảo Thái Bình Dương. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy ngoại giao khu vực.
Theo hãng thông tấn AFP, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến dự kiến thảo luận về các đề xuất của Trung Quốc nhằm mở rộng sự tham gia của nước này vào an ninh, kinh tế và chính trị của các nước Nam Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Vương Nghị đang ở thủ đô Suva của Fiji. Theo một tài liệu đề xuất bị rò rỉ, Trung Quốc được cho là sẽ tham gia huấn luyện cảnh sát địa phương, đào tạo an ninh mạng, mở rộng quan hệ chính trị, tiến hành lập bản đồ biển cũng như tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền và trên biển trong khu vực.
Bắc Kinh cũng đang đề nghị hỗ trợ tài chính hàng triệu USD, mở ra triển vọng về một hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Thái Bình Dương và khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân của Trung Quốc.
Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối đầu với Washington và các đồng minh về việc mở rộng tầm ảnh hưởng chiến lược ở Thái Bình Dương.
Giới phân tích nhận định một thỏa thuận an ninh khó có thể nhận được sự nhất trí cao từ các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương trong hội nghị thượng đỉnh.
Một hiệp ước an ninh gần đây giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc đã gây bất an sâu sắc trong một khu vực thường lo ngại về biến đổi khí hậu thay vì việc tranh đấu chính trị giữa các nước lớn.
“Khu vực sẽ ngần ngại về việc bị kéo vào cuộc cạnh tranh địa chiến lược”, Richard Herr, học giả làm việc tại Đại học Tasmania có hàng chục năm kinh nghiệm nghiên cứu về các quần đảo Thái Bình Dương, đánh giá.
Tuần trước, Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo đã cảnh báo với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương về những đề xuất mới nhất của Bắc Kinh. Trong khi đó, các nước phương Tây cũng lên tiếng phản đối các thỏa thuận.
Tuy nhiên, nhiều nước Thái Bình Dương cũng muốn duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc, cân bằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 29/5 cho biết Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với các cường quốc khác trong khu vực Thái Bình Dương để giúp các quốc đảo phát triển.
"Trung Quốc sẵn sàng thực hiện hợp tác ba bên với các nước khác, đặc biệt là các nước có ảnh hưởng truyền thống trong khu vực", nhà chức trách nói trong cuộc gặp với Tổng thư ký Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF) Henry Puna.
Trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng miêu tả chuyến công du Thái Bình Dương là chuyến đi hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Ngoại trưởng Vương Nghị dự kiến ở lại thủ đô Fiji cho đến ít nhất ngày 31/5, gặp gỡ các nhà lãnh đạo của đất nước và chủ trì cuộc họp thượng đỉnh ngày 30/5.
Trong tuần, Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ kết thúc chuyến công du sau khi đến thăm Vanuatu, Papua New Guinea và Tonga.