Trung Quốc toan tính gì khi liên tiếp 'diễu võ giương oai' ở Biển Đông?

Việc Trung Quốc liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật, đã gây thêm căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và hàng không, đồng thời gây lo ngại sâu sắc trước việc quốc gia này muốn phát đi thông điệp rằng họ không ngần ngại dùng sức mạnh quân sự để hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp tại vùng biển chiến lược quan trọng này.

Ảnh hưởng nghiêm trọng tới tự do hàng hải, hàng không

Trong một thông báo vừa phát đi trên website, Cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc (MSA) cho biết, hải quân nước này tổ chức cuộc tập trận từ 6h ngày 5-7 đến 18h30 ngày 6-7 tại một vùng biển ở Biển Đông. Theo tọa độ mà MSA - cơ quan chuyên đưa ra các thông báo chính thức về việc tập trận của quân đội Trung Quốc trên biển - khu vực tập trận nằm ở vùng biển gần bờ biển phía Đông đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Trung Quốc không thông báo về quy mô, nội dung của cuộc tập trận mà chỉ đơn phương cấm mọi tàu thuyền đi vào khu vực mà hải quân nước này tổ chức tập trận. Cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tự do hàng hải và hàng không tại một vùng biển ở Biển Đông.

Việc Trung Quốc liên tiếp tổ chức tập trận ở Biển Đông đã gây lo ngại sâu sắc đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển quan trọng này

Việc Trung Quốc liên tiếp tổ chức tập trận ở Biển Đông đã gây lo ngại sâu sắc đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển quan trọng này

Chỉ một tuần trước đó, theo thông báo của MSA, quân đội Trung Quốc cũng đã tiến hành một cuộc tập trận từ 6h ngày 27-6 đến 11h ngày 30-6 tại khu vực biển ở phía Đông Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc. Cuộc tập trận này, Trung Quốc cũng không nêu rõ quy mô mà chỉ đơn phương cấm tàu thuyền vào khu vực.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch tới 41 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 9 cuộc tập trận ở Vịnh Bắc bộ. Ngày 19-6 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà nước này chiếm đóng bất hợp pháp.

Trước đó, trong năm 2021, cũng theo thông tin từ MSA, Trung Quốc cũng đã tiến hành ít nhất 51 cuộc tập trận, diễn tập quân sự ở Biển Đông. Trong đó có ít nhất 20 cuộc tập trận, diễn tập diễn ra ở Vịnh Bắc bộ và ít nhất 1 cuộc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Điều đáng nói là những cuộc tập trận, diễn tập quân sự của Trung Quốc nhắm tới các mục đích rất đa dạng, từ chống tàu nổi, tàu ngầm, phòng không… cho tới đổ bộ chiếm đảo. Các cuộc tập trận, diễn tập này còn có sự tham gia của tất cả những loại trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất của quân đội Trung Quốc nói chung, hải quân Trung Quốc nói riêng.

Đáng chú ý, vào cuối tháng 4 đầu tháng 5-2022, tàu đổ bộ tấn công Type 075 hiện đại nhất và lớn nhất của Trung Quốc mang tên Hải Nam đã tiến hành một cuộc tập trận và diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông. Những hình ảnh trên báo chí Trung Quốc cho thấy, các hoạt động huấn luyện phối hợp, diễn tập tiếp tế, bắn đạn thật và các trực thăng vũ trang diễn tập cất cánh và hạ cánh trên boong tàu tại một vị trí không xác định ở Biển Đông nhằm “củng cố kỹ năng cơ bản cho các sĩ quan và binh sĩ, tối ưu hóa việc triển khai tàu chiến và quy trình chỉ huy, cải thiện hiệu quả khả năng tác chiến toàn diện”.

Hồi tháng 4-2022, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai máy bay chiến đấu hiện đại nhất của nước này - máy bay tiêm kích tàng hình J-20, để tuần tra Biển Đông. Thậm chí, giới chức cấp cao của Trung Quốc còn công khai cho biết, việc triển khai máy bay J-20 tuần tra ở Biển Đông là để “tuần tra chiến đấu” và “tuần tra báo động” ở Biển Đông.

Việc Trung Quốc liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận với sự tham gia của các vũ khí hiện đại nhất của nước này được xem không chỉ “thị uy” sức mạnh quân sự với các nước khu vực mà còn đặt lực lượng của họ ở Biển Đông luôn trong tình trạng sẵn sàng. Đó là thông điệp đáng lo ngại khi mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, bất chấp đó là yêu sách phi pháp theo luật pháp quốc tế.

Cùng giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Không có cơ sở pháp lý, đặc biệt là theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), và không được quốc tế công nhận những yêu sách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc nhiều năm qua đã công khai theo đuổi chiến lược dùng sức mạnh quân sự để đơn phương áp đặt chủ quyền hòng “độc chiếm” vùng biển này. Điều này thấy rất rõ qua việc Trung Quốc ráo riết tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông thời gian qua, từ việc bồi đắp trái phép các đảo nổi nhân tạo để thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo, thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cho tới đổ tiền đổ của để phát triển lực lượng hải quân với tâm điểm là biên đội tác chiến tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo cùng máy bay chiến đấu tàng hình.

Trung Quốc còn lập các căn cứ quân sự quy mô lớn trên các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép, xây dựng lực lượng hải quân với sức mạnh vượt trội hoàn toàn so với các quốc gia khu vực, tiến hành tập trận với sự tham gia của “con át chủ bài” biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông… Những cuộc tập trận liên tiếp ở Biển Đông thời gian qua chính là muốn truyền đi thông điệp rằng Trung Quốc không ngần ngại dùng sức mạnh áp đảo của mình hòng hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Trung Quốc rõ ràng cho thấy toan tính dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền ở Biển Đông, bất chấp điều này xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở vùng biển chiến lược quan trọng không chỉ với khu vực mà toàn cầu này. Điều này gây lo ngại sâu sắc không chỉ ở khu vực mà trên thế giới, đe dọa tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như ổn định và an ninh ở vùng biển có vị trí địa chính trị quan trọng toàn cầu.

Là một quốc gia có chiều dài bờ biển tới hơn 3.000 km, Biển Đông là không gian sinh tồn vô cùng quan trọng với Việt Nam. Hòa bình, ổn định và an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông có tầm quan trọng sống còn với chúng ta. Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 23-6 vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc MSA thông báo tập trận quân sự ngày 19-6 tại khu vực nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 4-7 vừa qua khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mê Kông - Lan Thương (MLC) lần thứ 7 tại Bagan (Myanmar) đã đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và phấn đấu sớm đạt COC thực chất, hiệu lực, phù hợp luật pháp quốc tế; cùng giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-quoc-toan-tinh-gi-khi-lien-tiep-dieu-vo-giuong-oai-o-bien-dong-post509852.antd