Trung Quốc trả lương cao cho sinh viên chọn về quê làm việc

Nhằm thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học vào các công việc thiết yếu ở vùng nông thôn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang đưa ra các gói trợ cấp lên đến hàng nghìn USD.

Động thái của địa phương này, được công bố vào ngày 5/6, diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trên toàn quốc và số sinh viên vừa lấy bằng cử nhân nằm ở mức cao kỷ lục.

Điều này khiến nền kinh tế vốn đang bấp bênh của đất nước tỷ dân ngày càng căng thẳng hơn.

Theo SCMP, hàng triệu người trẻ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu việc làm. Chính phủ Trung Quốc cũng đã ra lệnh cho các tỉnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 5,5% trong năm nay.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Vân Nam sẽ trợ cấp 50.000 nhân dân tệ (7.500 USD) hàng năm cho những ai chọn làm việc ở các làng quê trong lĩnh vực giáo dục, y học, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

 Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong năm nay đạt mức kỷ lục nhưng lượng việc làm lại quá ít. Ảnh: Yiu Yu Hoi/d3sign.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong năm nay đạt mức kỷ lục nhưng lượng việc làm lại quá ít. Ảnh: Yiu Yu Hoi/d3sign.

Thiếu việc làm trầm trọng

Đó là số tiền không nhỏ ở một nơi hầu hết người lao động kiếm được dưới 10.000 nhân dân tệ/tháng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Không rõ kinh phí của sáng kiến này là bao nhiêu hoặc có thể lấp đầy những vị trí còn trống hay không, tuy nhiên, nó được cho là phù hợp với những yêu cầu mà chính phủ đặt ra.

Theo khảo sát của các đơn vị chức trách, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên 6,1% vào tháng 4 - mức tệ nhất trong 2 năm gần đây và cao thứ 2 kể từ năm 2018. Con số này trong độ tuổi từ 16 đến 24 cũng đạt mức cao kỷ lục 18,2%.

Nhiều nhà nhân khẩu học và chuyên gia cho rằng tình hình sẽ nghiêm trọng hơn khi 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ gia nhập vào vòng quay lao động trong năm nay.

 Người trẻ Trung Quốc đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng. Ảnh: SCMP.

Người trẻ Trung Quốc đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng. Ảnh: SCMP.

Ngoài Vân Nam, tỉnh Liêu Ninh cũng đang mở các lớp đào tạo nghề miễn phí trong vòng 6 tháng cho sinh viên và người thất nghiệp vẫn chưa tìm được việc trong vòng 3 năm trở lại đây.

Tỉnh Hà Nam sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để đẩy mạnh tìm kiếm việc làm và đơn giản hóa quy trình tuyển dụng. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng của bên thứ 3 được thưởng 300 nhân dân tệ cho mỗi vị trí mà họ mang về.

Một số trường đại học trên cả Trung Quốc còn trợ cấp cho những sinh viên muốn khởi nghiệp.

Mạnh tay thu hút nhân tài

Tuy nhiên, khi nào các hạn chế nghiêm ngặt và bất ổn liên quan đến đại dịch vẫn được áp dụng, bao gồm cả việc đóng cửa tùy ý trên toàn quốc, các nhà phân tích cho rằng sẽ khó cải thiện tình trạng thất nghiệp.

“Các chính sách cứu trợ khác nhau của chính phủ phải được thực hiện cẩn thận và nỗ lực để thúc đẩy kinh tế. Nếu các yếu tố cơ bản không được cải thiện, sẽ không có cuộc đại tu nào trong vấn đề việc làm”, Peng Peng, chủ tịch điều hành của Hội cải cách Quảng Đông, một tổ chức tư vấn trực thuộc chính quyền tỉnh, nhận định.

Một báo cáo của Moody’s Analytics vào tuần trước đã chỉ ra rằng quỹ đạo tăng trưởng kinh tế yếu hơn vào năm 2022 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp.

Một số nhà phân tích dự đoán tỷ lệ thiếu việc làm trong năm nay sẽ là 4,2%, tương đương với năm 2020, khi đại dịch lần đầu bùng phát. Trong năm 2018, 2019, các con số này lần lượt là 3,8% và 3,6%.

Người dân Trung Quốc ngày càng đặt mục tiêu tìm việc ổn định, thậm chí còn có xu hướng sinh viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng đăng ký những vị trí công vụ an toàn ở thị trấn nông thôn.

 Các công ty và địa phương liên tục tung ra các chính sách để thu hút nguồn lực. Ảnh: China Daily.

Các công ty và địa phương liên tục tung ra các chính sách để thu hút nguồn lực. Ảnh: China Daily.

Nhiều người cũng chọn cách bỏ qua các công ty tư nhân và nước ngoài “kém cỏi”, mặc dù có mức lương hấp dẫn.

Theo một kế hoạch thu hút nhân tài của một quận tương đối nhỏ với khoảng 200.000 dân ở tỉnh Chiết Giang, họ sẽ tuyển dụng 24 sinh viên vừa ra trường trong năm nay trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Trong đó, 23 người có trình độ sau đại học và 4 người có bằng tiến sĩ.

Tại một quận xa xôi với khoảng 350.000 dân ở tỉnh Quảng Đông, hơn 700 ứng viên đến từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc và du học sinh đã nộp đơn xin việc làm.

Theo Tommy Wu, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics, biện pháp mới ở Vân Nam và những tỉnh khác sẽ khuyến khích các công ty tìm cách thu hút người tài.

“Trung Quốc cần phải khởi động lại nền kinh tế đang bị tê liệt sau vài tháng qua để tạo điều kiện cho thị trường lao động lấy lại năng lượng. Trong khi đưa ra các mức hỗ trợ cho thuế, chính sách tài khóa và tiền tệ để doanh nghiệp trụ vững, nền kinh tế cũng phải xoay chuyển để họ bắt đầu tuyển dụng”, Wu chia sẻ.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-tra-luong-cao-cho-sinh-vien-chon-ve-que-lam-viec-post1324401.html