Trung Quốc, Trẻ em 'làm đẹp' từ khi lọt lòng

Mới đây, Mộ - cậu bé 5 tuổi ở Giang Tô, Trung Quốc - suýt chết ngạt vì miếng dán miệng, loại băng keo dùng ngăn thở bằng mồm khi ngủ.

Miếng dán miệng chỉ tổ gây ngạt thở, tổn thương tế bào vì thiếu oxy.

Miếng dán miệng chỉ tổ gây ngạt thở, tổn thương tế bào vì thiếu oxy.

Bất chấp vụ việc này và cảnh báo từ y tế, hàng vạn bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn tin dùng các sản phẩm “làm đẹp cho trẻ sơ sinh”.

Ngoại hình là số 1

Trung Quốc nổi tiếng trong việc tuyển dụng bằng… ngoại hình. Nhiều công ty công khai tuyển nhân viên theo cân nặng, chiều cao, nhan sắc… Từ già đến trẻ, ai nấy ám ảnh vì vẻ bề ngoài. Thanh thiếu niên đua nhau làm đẹp, thúc đẩy phẫu thuật thẩm mỹ bùng nổ.

Nhiều người nổi tiếng còn dẫn đầu các xu hướng giảm cân, khổ luyện thể hình khắc nghiệt, kéo hàng nghìn trẻ em tuổi teen, đặc biệt là các cô gái, học theo, cuối cùng rơi vào rối loạn ăn uống, suy giảm sức khỏe trầm trọng.

“Ở thời đại này, ngoại hình chính là tiêu chuẩn”, Li Zhenzhen, bà mẹ trẻ có con trai chưa đầy 1 tuổi tuyên bố. Ngay khi phát hiện thằng bé ngủ mở miệng, Zhenzhen lập tức tìm mua miếng dán.

Thở bằng miệng khi ngủ là triệu chứng của phì đại adenoid, được y gọi là viêm VA. Viêm VA xảy ra khi amidan bị sưng, chặn đường thở mũi, buộc trẻ phải thở bằng miệng. Nếu kéo dài, viêm VA có khả năng ảnh hưởng đến hình thái của xương hàm, khiến mặt dài, miệng hô, môi vẩu và “lỗ mũi hứng mưa”.

Những năm gần đây, thị trường Trung Quốc bạt ngàn các sản phẩm băng dán miệng, ngăn chặn thở bằng mồm khi ngủ. Chỉ cần lướt qua kênh mua sắm trực tuyến Xiaohongshu, bạn đã thấy hơn 200 mặt hàng khác nhau dành riêng cho trẻ em, khuyến khích dùng cho trẻ từ 0 – 3 tuổi.

Zhenzhen cũng tìm mua băng dán miệng trên Internet. “Ban đầu, thằng bé bị phát ban trên da. Tôi phải đổi nhiều nhãn hiệu và cuối cùng cũng tìm ra loại sản phẩm không gây dị ứng”, chị cho biết.

“Cha mẹ nào cũng muốn cho con cái tương lai tốt đẹp nhất. Ở thời cha mẹ tôi, mọi người chỉ cần nỗ lực cho con ăn học là đủ nhưng ở thời tôi, chúng ta phải quan tâm cả diện mạo. Để lỡ sau này, nếu con tôi không có chút tài cán gì thì chí ít, nó cũng dựa vào sắc vóc hơn người mà kiếm đủ ăn”, Zhenzhen giải thích.

Nguy hiểm chết người

Trẻ sơ sinh Trung Quốc đang được cha mẹ tích cực bó đầu, dán miệng, niềng răng và nẹp chân vì tương lai ngoại hình xinh đẹp.

Trẻ sơ sinh Trung Quốc đang được cha mẹ tích cực bó đầu, dán miệng, niềng răng và nẹp chân vì tương lai ngoại hình xinh đẹp.

Từ lâu, băng dán miệng cho trẻ em đã là mặt hàng bán chạy ở Trung Quốc. Trung bình mỗi tháng, nền tảng thương mại Tabao bán được hơn 100 nghìn gói. Các bậc cha mẹ có con nhỏ ngủ mở miệng tin tưởng, chỉ cần dán miệng đứa nhỏ lại là tránh được nguy cơ biến tướng mặt mũi vì viêm VA.

Trái với kỳ vọng của họ, không có bất cứ sản phẩm băng dán miệng nào ngăn chặn được nguy cơ này. Nghiêm trọng hơn, sử dụng băng dán miệng gây nguy hiểm cao cho trẻ. Bởi vì, nó gây ngạt thở, dẫn đến hít không đủ oxy.

Khi không đủ oxy, não bộ của trẻ bị tổn thương đầu tiên, sau đó đến các cơ quan khác. Chữa viêm VA cần thuốc men và phẫu thuật. Băng dán miệng vừa không có tác dụng chữa trị, vừa chỉ tổ giảm lượng oxy, nhiều khả năng để lại di chứng đến hết đời.

Sau khi nghe được chuyện cậu bé 5 tuổi ở Giang Tô suýt chết ngạt vì băng dán miệng, Zhenzhen hốt hoảng bế con đi bệnh viện khám. May cho chị, não của đứa trẻ vẫn phát triển bình thường.

Ngoài băng dán miệng, Trung Quốc còn đa dạng các sản phẩm “chỉnh hình cho bé”, phổ biến nhất là mũ định dạng đầu. “Nếu được 1 vé về lại tuổi thơ, tôi sẽ xin cha mẹ đừng để cho tôi bị đầu bẹt”, một tài khoản mạng xã hội Weibo viết và nhanh chóng nhận được 5 nghìn lượt thích. Tiếp đến là niềng răng dành cho trẻ lên 3, đeo 24 giờ/ngày, nẹp cẳng chống chân vòng kiềng…

Không lo hậu quả

Mũ định dạng đầu chỉ nên dùng dưới sự chỉ định và giám sát của bệnh viện.

Mũ định dạng đầu chỉ nên dùng dưới sự chỉ định và giám sát của bệnh viện.

Trong phạm vi bệnh viện, mũ định dạng đầu là thiết bị y tế, sử dụng điều chỉnh hình dạng hộp sọ đối với trẻ có khung hộp sọ dị biệt. Ở Mỹ, nó chỉ được dùng dưới sự cho phép và giám sát của bác sĩ. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, mũ định dạng đầu được bán tràn lan, giá thành dao động từ 2 – 20 nghìn nhân dân tệ/chiếc (khoảng 6,7 – 67 triệu đồng).

“Đầu của con tôi không được cân xứng. Tôi không thể để mặc như thế được”, Xu, bà mẹ có con dưới 1 tuổi ở Chiết Giang nói. Tháng 7, chị tìm được mũ định dạng đầu trên Xiaohongshu và lập tức đặt mua. Xu cho con đội mũ này 24/7. Nỗi hối tiếc lớn nhất của chị là đã biết tới mũ định dạng đầu quá muộn. “Lẽ ra, tôi nên cho con đội từ lúc nó 3 tháng tuổi. Khi đó việc định dạng dễ biết bao”, Xu than thở.

Mọi sản phẩm mũ định dạng đầu đều yêu cầu đội ít nhất 23h/ngày, trong vòng 4 tháng. Chúng hứa hẹn “phát triển hình dạng hộp sọ tròn, trán nổi đẹp như ý”. Tuy chưa có báo cáo y khoa nào về tác hại ngoài mong muốn của mũ định dạng đầu, nhưng ép trẻ đội 24/7 thì không lý nào lại tốt cho sức khỏe.

“Tôi chỉ vì con cái. Không có gì sai khi cha mẹ cố gắng khiến con có ngoại hình đẹp hơn”, Zhenzhen lớn tiếng khi bị bác sĩ căn vặn tại sao lại dùng băng dán miệng. Vì đã kiểm tra được não của con trai vẫn phát triển bình thường, chị tiếp tục dùng.

Thỉnh thoảng, Zhenzhen lại chia sẻ các sản phẩm lên mạng xã hội. Chị nhận được khá nhiều sự đồng tình và ủng hộ từ các phụ huynh khác. Có người còn khen Zhenzhen quyết đoán, cầu chúc cho con trai chị lớn lên đẹp trai như mẹ mong.

Thay vì tìm đến bệnh viện khi con nhỏ viêm VA hay dị dạng hộp sọ, các bậc phụ huynh Trung Quốc đang có xu hướng tìm kiếm sự tư vấn trên các trang mạng xã hội. Yang Yan đến từ Chiết Giang là một trong số này.

Sau khi đưa con gái 3 tuổi đến bệnh viện và được chẩn đoán viêm VA, cần phẫu thuật cắt amidan vì sưng quá lớn, chặn 90% đường mũi, chị lại đưa con về, học theo các mẹo trên mạng Internet. Chỉ đến khi tái khám, phát hiện con gái bị điếc 1 bên tai, chị mới cuống cuồng đăng ký phẫu thuật.

“Ngoài điếc, con bé còn có chút ngơ ngơ. Tôi nghĩ nó là hậu quả của việc không điều trị kịp thời và chẳng thể nào nguôi hối hận”, Yan khóc.

Theo Sixthtone

Vũ Huệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trung-quoc-tre-em-lam-dep-tu-khi-lot-long-post611752.html