Trung Quốc 'trong lòng' NATO

'Bữa tiệc sinh nhật' kỷ niệm 70 năm tuổi của NATO - một liên minh bị cho là đã 'chết não' - kết thúc trong lạc quan dù bầu không khí cuộc họp khá ảm đạm và đầy những tranh cãi. Có quá nhiều vấn đề gây mâu thuẫn giữa các thành viên, từ việc chia sẻ chi phí quốc phòng cho đến 'đứa con ngỗ ngược' Thổ Nhĩ Kỳ… Nhưng cũng có chủ đề mới hơn trong chương trình nghị sự: Trung Quốc.

“Bữa tiệc sinh nhật” kỷ niệm 70 năm tuổi của NATO - một liên minh bị cho là đã “chết não” - kết thúc trong lạc quan dù bầu không khí cuộc họp khá ảm đạm và đầy những tranh cãi. Có quá nhiều vấn đề gây mâu thuẫn giữa các thành viên, từ việc chia sẻ chi phí quốc phòng cho đến “đứa con ngỗ ngược” Thổ Nhĩ Kỳ… Nhưng cũng có chủ đề mới hơn trong chương trình nghị sự: Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo NATO lần đầu tiên thừa nhận “các thách thức và cơ hội” từ một Trung Quốc đang nổi lên. Ảnh: CBS News

Các nhà lãnh đạo NATO lần đầu tiên thừa nhận “các thách thức và cơ hội” từ một Trung Quốc đang nổi lên. Ảnh: CBS News

“Đó là sự bổ sung tương đối mới cho liên minh, để bắt đầu suy nghĩ về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra”, Andrea Kendall-Taylor, Giám đốc Trung tâm Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương của an ninh Mỹ, nói với AP. Theo ông, đây rõ ràng là con đường do Mỹ dẫn dắt, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump chú trọng chuyển hướng và đang tập trung vào Trung Quốc như là thách thức chiến lược nhất trong những thập kỷ tới. Tuyên bố chung London sau hội nghị cũng lần đầu tiên thừa nhận “các thách thức và cơ hội” từ Trung Quốc. “Lần đầu tiên, chúng tôi bàn về sự trỗi dậy của Trung Quốc - cả những thách thức và cơ hội. Và cả những tác động đến an ninh chúng ta. Các nhà lãnh đạo nhất trí chúng ta cần cùng nhau giải quyết vấn đề này trong tư cách một liên minh… Và chúng ta phải tìm ra những phương thức để khuyến khích Trung Quốc tham gia các thỏa thuận kiểm soát vũ khí”, tuyên bố nêu rõ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh nhấn mạnh, họ “không phải là mối đe dọa hay kẻ thù của NATO”. Trong tuyên bố hôm 5-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố, việc Bắc Kinh có ảnh hưởng ngày càng tăng không có nghĩa là quốc gia này trở thành mối đe dọa hay kẻ thù mới của NATO. Tuy nhiên, theo giới phân tích, có 2 vấn đề cụ thể mà Bắc Kinh có thể tạo ra “vấn đề” cho NATO và cho an ninh Châu Âu.

Tính cơ động của NATO ở Châu Âu

NATO đã làm việc trong nhiều năm để cải thiện khả năng củng cố và tái cung cấp trên khắp Châu Âu. Liên minh này bắt đầu hiện diện tại nhiều cảng ở Châu Âu vào năm 2015 để “tái lập các khả năng” và để “chứng minh rằng chúng tôi có thể đến ở nhiều nơi khác nhau”, tướng quân đội đã nghỉ hưu Ben Hodges, người lãnh đạo Quân đội Mỹ ở Châu Âu giữa năm 2014 và 2017, nói với Business Insider.

“Vì vậy, khi Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào những vấn đề như cảng và đường sắt ở Châu Âu, điều đó có thể làm phức tạp tính di động của NATO”, ông Kendall-Taylor cho biết. Khoản đầu tư này chủ yếu đến từ sáng kiến “Vành đai và Con đường”, qua đó Bắc Kinh đã cung cấp hàng nghìn tỷ USD cho các khoản vay và hỗ trợ khác cho các dự án phát triển trên toàn thế giới. Phần lớn số tiền đã chảy sang Châu Âu, chuyển đến các nước Nam Âu. Tính đến đầu năm 2018, các Cty nhà nước Trung Quốc kiểm soát khoảng 1/10 năng lực cảng Châu Âu, sau các vụ mua lại ở Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp, nơi Cty COSCO Holdings thuộc sở hữu nhà nước đã mua 67% cổ phần tại cảng Piraeus, cảng hành khách lớn nhất Châu Âu.

Những chuỗi cung ứng

Sự hiện diện của các Cty Trung Quốc trong chuỗi cung ứng cho các sản phẩm quốc phòng và phần cứng khác với các ứng dụng quân sự là mối quan tâm lớn của Mỹ và Châu Âu. “Chắc chắn từ góc độ an ninh, chuỗi cung ứng của Trung Quốc đặt ra thách thức đối với NATO”, chuyên gia Kendall-Taylor nhận định và nhấn mạnh thêm: “Tôi nghĩ rằng có một mối quan tâm về kiểm soát xuất khẩu và tất cả những thứ khác... để bảo vệ các công nghệ quân sự”.

Lầu Năm Góc đang tổng hợp danh sách các Cty có mối quan hệ với Trung Quốc như một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ và để Bắc Kinh không có được công nghệ nhạy cảm. Đánh giá tập trung vào chất bán dẫn và mạch tích hợp, vì cả hai đều quan trọng đối với các vũ khí như tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu, theo Financial Times. Các quy tắc kiểm soát xuất khẩu và quy định mua lại sau đó có thể được sử dụng để giảm các mối quan ngại từ Trung Quốc bằng cách cấm các cơ quan chính phủ mua công nghệ từ các Cty trong danh sách này. Các vấn đề của chính Mỹ với chuỗi cung ứng có thể làm dịu cách tiếp cận vấn đề với NATO. Mạng 5G, và vai trò của gã khổng lồ Trung Quốc Huawei đối với họ, là một điểm gây tranh cãi lớn.

Huawei được cho là đi trước các Cty khác trong việc cung cấp công nghệ 5G và đặc biệt bán ra với giá rẻ hơn. “Từ góc độ NATO, công nghệ 5G đặt ra những thách thức vì lý do gián điệp, và vì vậy NATO thực sự quan tâm đến việc đảm bảo họ có một mạng lưới thông tin liên lạc sạch sẽ và rằng một lúc nào đó Trung Quốc sẽ không có khả năng phá vỡ liên lạc của liên minh quân sự này”, ông Kendall-Taylor nói và cho biết, EU đã đạt được tiến bộ về vấn đề này.

Một báo cáo của EU công bố hồi tháng 10 không nêu trực tiếp Huawei, nhưng đã cảnh báo rằng “mối liên kết mạnh mẽ” giữa nhà cung cấp 5G này và chính quyền Bắc Kinh. Các quốc gia khác nhau có quan điểm khác nhau về Huawei và 5G, và vai trò cuối cùng của Cty trong các mạng 5G ở Châu Âu vẫn là chủ đề gây tranh cãi ở lục địa này.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_217166_trung-quoc-trong-long-nato.aspx