Trung Quốc từ chối kế hoạch giải cứu thị trường bất động sản mà IMF đề xuất

Chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ đề xuất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc sử dụng ngân sách của chính quyền trung ương để hoàn thiện nhà ở còn dang dở. Động thái này đã giáng một đòn mạnh vào hy vọng về sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho một ngành công nghiệp vốn là lực cản lớn đối với nền kinh tế.

Theo đánh giá thường niên của IMF về nền kinh tế Trung Quốc được công bố vào thứ Sáu (2/8), IMF kêu gọi Trung Quốc triển khai các nguồn lực tài khóa để hoàn thiện và bàn giao các bất động sản đã bán trước hoặc thanh toán cho người mua nhà, chi phí này tương đương với 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc bình quân trong vòng bốn năm.

Theo tính toán của Bloomberg, con số này sẽ lên tới gần 1.000 tỷ USD dựa trên GDP của năm ngoái. Đây là giải pháp mà Trung Quốc gần như loại trừ trong phản hồi chính thức có trong báo cáo.

Zhang Zhengxin, Giám đốc điều hành của IMF tại Trung Quốc cho biết: "Chúng tôi tin rằng chúng ta nên tiếp tục áp dụng các nguyên tắc dựa trên thị trường và pháp quyền trong việc hoàn thiện và bàn giao các dự án này…Sẽ không phù hợp nếu chính quyền trung ương trực tiếp cung cấp hỗ trợ tài chính, vì điều đó có thể dẫn đến kỳ vọng về sự cứu trợ của chính phủ trong tương lai và do đó là những rủi ro về mặt đạo đức”.

Đánh giá của IMF ám chỉ đến quy mô của thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt khi phải chịu đựng sự suy thoái bất động sản kéo dài nhưng vẫn miễn cưỡng tung ra một gói kích thích tài chính lớn hoặc kéo dài sự sống cho thị trường bất động sản.

Kéo lùi nền kinh tế

Những khó khăn về thị trường bất động sản của Trung Quốc đã nổi lên như trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng trong hai năm qua. Cách tiếp cận của nước này dường như chỉ cung cấp đủ sự trợ giúp để đảm bảo rằng sự điều chỉnh của thị trường không vượt khỏi tầm kiểm soát hoặc gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Chính quyền không muốn mở rộng thêm hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản một phần vì quyết tâm chuyển động lực tăng trưởng của nền kinh tế từ bất động sản sang công nghệ và sản xuất.

Chính phủ đã thúc giục các ngân hàng cho các nhà phát triển bất động sản vay đối với các dự án nhà ở đang đình trệ, trong khi không cung cấp vốn trực tiếp.

Vào tháng 5, Trung Quốc đã công bố gói cứu trợ lớn nhất từ trước đến nay. Gói này bao gồm một quỹ của ngân hàng trung ương trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) nhằm giúp các chính quyền địa phương mua những ngôi nhà đã hoàn thiện nhưng chưa bán được và biến chúng thành nhà ở xã hội.

Mục đích là để giảm lượng nhà tồn kho khổng lồ, nhưng vẫn còn kém xa so với mức từ 1.000 tỷ đến 5.000 tỷ nhân dân tệ mà một số nhà phân tích cho rằng cần thiết để đưa ra giải pháp quyết liệt hơn.

Serena Zhou, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Mizuho Securities Asia Ltd. cho biết: "Chính phủ rất khó có thể thay đổi chính sách chỉ sau một đêm".

Ngoài các khoản tiền cần thiết để giúp hấp thụ nhà ở chưa hoàn thiện, IMF đã nhắc lại lời kêu gọi chính phủ đẩy nhanh quá trình giải quyết hoặc thanh lý các nhà phát triển bất động sản phá sản và cho phép giá nhà linh hoạt hơn.

“Điều này sẽ làm giảm nguy cơ suy thoái kéo dài và lớn hơn trong đầu tư bất động sản và sẽ giúp xây dựng lại niềm tin và thúc đẩy tiêu dùng, do đó tăng trưởng và doanh thu tài chính trong trung hạn”, báo cáo cho biết.

Theo ước tính của Nomura Holdings, trên khắp cả nước, hàng chục triệu căn hộ được bán cho các hộ gia đình đã bị trì hoãn vì các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn không thể hoàn thành chúng. Do đó, tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng vì mọi người vẫn cảnh giác với việc mua bất động sản.

Giảm phát

IMF đã cảnh báo về "rủi ro giảm phát đáng kể" đối với triển vọng lạm phát của Trung Quốc, khi "một cú sốc nhu cầu trong nước tiêu cực trong bối cảnh mức nợ cao có thể gây ra một giai đoạn giảm phát kéo dài".

IMF ước tính rằng GDP thực tế vào năm 2029 của Trung Quốc có thể thấp hơn 5,4% trong kịch bản giảm phát kéo dài, khi lạm phát cơ bản duy trì ở mức âm 0,1% trong năm năm. Điều đó cũng có thể dẫn đến tăng trưởng chậm hơn giữa các đối tác thương mại của Trung Quốc.

Ngoài ra, IMF cũng kêu gọi Trung Quốc thu hẹp việc những chính sách công nghiệp đang sử dụng rộng rãi, mà họ cho rằng có thể tạo ra tác động lan tỏa đáng kể trong thương mại.

Theo IMF, Trung Quốc đã áp dụng khoảng 5.400 khoản trợ cấp từ năm 2009 đến năm 2022, chiếm 2/3 các biện pháp được tất cả các nền kinh tế G20 cộng lại. IMF ước tính xuất khẩu các sản phẩm được trợ cấp của Trung Quốc cao hơn 1% so với các sản phẩm không được trợ cấp.

Trong khi đó, Trung Quốc đã phản hồi các đề xuất này bằng cách nói rằng sự trỗi dậy của các ngành công nghiệp mới nổi như xe điện là do sự đổi mới của các công ty chứ không phải do việc trợ cấp.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trung-quoc-tu-choi-ke-hoach-giai-cuu-thi-truong-bat-dong-san-ma-imf-de-xuat-post350757.html