Trung Quốc tung đòn đáp trả nhằm vào Mỹ

Trung Quốc ngày 3/7 đã đưa ra quyết định áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các nguyên liệu thô quan trọng được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn, trong một động thái được xem là nhằm đáp trả Mỹ.

Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn kể từ khi chính phủ Mỹ mở rộng lệnh cấm xuất khẩu nhằm làm suy yếu năng lực sản xuất bán dẫn hay mua chip tiên tiến từ nước ngoài của Trung Quốc.

Theo giới quan sát, bằng cách hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô phục vụ sản xuất chất bán dẫn, Trung Quốc đang muốn tạo đòn bẩy nhằm đàm phán với Mỹ về quyền tiếp cận các công nghệ lõi, theo tờ SCMP.

Trung Quốc ngày 3/7 công bố lệnh hạn chế xuất khẩu gallium, germanium và một số hợp chất của 2 kim loại này trong bối cảnh Mỹ và phương Tây tích cực hạn chế xuất khẩu chip cho Bắc Kinh.

Quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Lý do Trung Quốc đưa ra để áp đặt lệnh hạn chế là "bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia",

Các đơn hàng xuất khẩu nguyên liệu thô nằm trong danh mục hạn chế sẽ cần được chính phủ Trung Quốc và các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

“Nếu Bắc Kinh lựa chọn cách vũ khí hóa các chuỗi cung ứng, điều này sẽ khiến Mỹ gặp khó trong việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, do nỗ lực này mới ở giai đoạn khởi đầu", Paul Triolo, chuyên gia tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nhận định.

"Mỹ sẽ mất thời gian và và tiền của để tạo ra các chuỗi cung ứng mới bù đắp phần nào sự thiếu hụt", chuyên gia Triolo nói. "Biện pháp kiểm soát xuất khẩu này là quân bài đàm phán tiềm năng mà Trung Quốc sử dụng để thuyết phục Mỹ và phương Tây giảm bớt lệnh cấm cung cấp chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn cho Bắc Kinh".

Nhà chức trách Trung Quốc thông báo quy định mới sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen xác nhận sẽ có chuyến thăm đến Bắc Kinh trong tuần này.

"Ở Bắc Kinh, bà Yellen sẽ thảo luận với các quan chức Trung Quốc về cách quản lý mối quan hệ giữa hai nước một cách có trách nhiệm, trao đổi về các lĩnh vực mà hai bên quan tâm và cùng đưa ra giải pháp giải quyết các thách thức toàn cầu", Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Kể từ tháng 10/2022, Trung Quốc thực tế đã gặp nhiều khó khăn do chính phủ Mỹ mở rộng lệnh cấm xuất khẩu nhằm làm suy yếu năng lực sản xuất bán dẫn hay mua chip tiên tiến từ nước ngoài của Trung Quốc.

Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi vào tuần trước, Hà Lan thông báo áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm ngăn chặn việc bán các máy sản xuất chip cao cấp ra nước ngoài mà không được chính phủ cho phép. Động thái được cho là phối hợp với Mỹ và Nhật Bản nhằm đối phó Trung Quốc.

Trong tuyên bố ngày 1.7, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ "sự không hài lòng" về quyết định của Hà Lan, kêu gọi chính phủ Hà Lan không "cản trở sự hợp tác và phát triển bình thường của ngành công nghiệp bán dẫn giữa hai nước".

SCMP dẫn lời các nhà quan sát cho biết, mặc dù quy định mới của Trung Quốc có tác động đến nhiều quốc gia, nhưng "mục đích chính là nhằm vào Mỹ".

“Mỹ là mục tiêu số 1 trong quy định hạn chế xuất khẩu gali và germanium", Aadil Brar, chuyên gia tại Đại học Chengchi ở Đài Bắc, nói.

Ông Brar nhận định rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khó có thể "xuống thang" để hạ nhiệt căng thẳng do điều này sẽ có tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử năm 2024.

"Điều đó có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc có thể còn leo thang cuộc chiến công nghệ trong tương lai", ông Brar nhận định.

Trung Quốc là nhà sản xuất gallium, germanium hàng đầu thế giới, chiếm 95% lượng sản xuất gallium trên toàn cầu và 67% lượng sản xuất germanium.

Theo số liệu thống kê của Mỹ, trong giai đoạn năm 2018 - 2021, Trung Quốc đáp ứng 53% nhu cầu nhập khẩu gallium của Mỹ, sau đó là Nhật Bản và Đức ở mức 13%, Ukraine ở mức 5% và các quốc gia khác chiếm 16%.

"Năm 2022, lượng gallium Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada, Slovakia và Anh đã tăng 34%", báo cáo cho biết.

Đối với germanium, Trung Quốc đáp ứng 54% nhu cầu nhập khẩu của Mỹ, tiếp sau là Bỉ với 27% và các quốc gia khác trong giai đoạn năm 2018 - 2021.

Ông Brar nói Mỹ sở hữu các mỏ có trữ lượng germanium lớn nhưng Washington hiện vẫn duy trì quy định siết chặt khai thác. "Mỹ và phương Tây sẽ phải tìm nguồn cung cấp khác, nhưng thay thế nguồn cung từ Trung Quốc ngay lập tức là điều khó khăn", ông Brar nói.

Thorsten Benner, giám đốc Viện Chính sách Công Toàn cầu ở Berlin, Đức, nói động thái mới của Trung Quốc là lời nhắc nhở về sự cấp bách của việc tự chủ nguồn cung đối với các nguồn tài nguyên quan trọng ngay cả khi điều đó làm tăng chi phí sản xuất.

Nhật Minh - SCMP

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/trung-quoc-tung-don-dap-tra-nham-vao-my-178262.html