Trung Quốc tụt hậu so với Mỹ trong cuộc đua vũ khí laser trọng yếu
Vũ khí siêu thanh và vệ tinh theo dõi tên lửa thế hệ tiếp theo của Mỹ tạo áp lực thúc đẩy Trung Quốc tăng cường năng lực phòng thủ laser trong vũ trụ.
Nhu cầu của Trung Quốc trong cuộc ganh đua với Mỹ
Vũ khí laser được xem là tương lai của phòng thủ tên lửa và tác chiến chống vệ tinh. Trung Quốc đang đứng trước áp lực cần thu hẹp khoảng cách với Mỹ về phát triển thứ vũ khí này.
Trong tháng 4/2023, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin rằng Trung Quốc cần nhấn mạnh đến việc phát triển vũ khí laser có tính khả thi, một lĩnh vực của Trung Quốc được xem là lạc hậu so với Mỹ.
So với các vũ khí động năng, vũ khí năng lượng định hướng như tia laser có lợi thế đánh tức thời, chính xác ở mức “mũi kim”, có thể điều chỉnh được mức năng lượng và chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, laser cũng có một số nhược điểm như đòi hỏi nguồn năng lượng lớn, năng lượng suy giảm theo khoảng cách, và mức độ nhạy cảm cao trước tác động của thời tiết.
SCMP dẫn lời nhà nghiên cứu Zhou Chenming (ở Bắc Kinh) nói rằng Trung Quốc giỏi sản xuất các vũ khí laser nhỏ hơn nhưng thiếu các mô hình lớn có thể đánh chặn các mục tiêu lớn như tên lửa hoặc cài được trên các chiến hạm và chiến đấu cơ.
Vẫn theo tin trên của SCMP, Song Zhongping - một cựu giảng viên của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đề cập việc Trung Quốc phải đầu tư hơn vào các vũ khí năng lượng định hướng, vì đây là một phần thiết yếu trong công nghệ hiện đại phải được áp dụng trên chiến trường.
Trong một cuốn sách năm 2017 về chiến tranh bất đối xứng, Larry Wortzel lưu ý rằng PLA nhìn nhận công nghệ của mình là lạc hậu so với Mỹ nên họ thường xuyên cố gắng phát triển các “vũ khí thần diệu” như hệ thống laser để mang lại cho họ lợi thế bất đối xứng.
Wortzel lưu ý rằng Trung Quốc và Mỹ xem nhau như đang trong một cuộc cạnh tranh về răn đe và ưu thế quân sự, việc này thúc đẩy cả hai nước phát triển công nghệ quân sự tương ứng với mỗi bên.
Hồi tháng 1, Asia Times lưu ý rằng sự phát triển nhanh chóng của vũ khí siêu thanh có thể đang thúc đẩy các quân đội hàng thế giới đầu tư phát triển vũ khí laser. Vũ khí siêu thanh có thể bay ở tốc độ Mach 5 hoặc nhanh hơn để lẩn tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay hoặc được lên kế hoạch cho tương lai.
Tháng 4 này, Asia Times lại lưu ý rằng việc Trung Quốc thử nghiệm thành công đánh chặn tên lửa giai đoạn giữa là nhằm củng cố sức mạnh phòng thủ của mình trước tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo tầm xa của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Thách thức trong phát triển vũ khí laser
Các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay như Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và Patriot PAC-3 của Mỹ và HQ-19 của Trung Quốc có thể không hiệu quả trước các mối đe dọa siêu thanh do chi phí cao của một quả tên lửa đánh chặn khiến chúng bất khả thi xét ở mặt dài hạn.
Trong một bài trên tờ The Diplomat vào tháng 6/2022, Oskar Glaese nhận xét rằng các hệ thống laser đặt trên mặt đất gặp các thách thức đáng kể như mức độ năng lượng cao cần thiết để gây tác động vào mục tiêu trên quỹ đạo, độ chính xác ở cự ly xa và khả năng đánh giá hư hại gây ra cho mục tiêu.
Glaese đem tương phản những thứ này với các lợi thế tiềm năng của các vũ khí laser trong vũ trụ, như cự ly ngắn hơn giữa các vệ tinh đang di chuyển theo quỹ đạo, và tình trạng không bị biến dạng do khí quyển (gây ảnh hưởng đến cự ly và năng lượng của laser).
Tuy nhiên Glaese cũng nói rằng thách thức chính trong phát triển các vũ khí laser bố trí trong vũ trụ là việc phải phát triển một nguồn năng lượng nhỏ gọn và đủ mạnh để gắn lên một vệ tinh.
Các chương trình vũ khí siêu thanh của Mỹ đã hứng chịu nhiều thất bại trong thử nghiệm và phát triển nhưng Mỹ vẫn đang xốc tới với cách tiếp cận “thử nhiều, thất bại nhiều và học hỏi nhanh chóng”.
Tháng 4 này, Asia Times phản ánh về quyết định của Mỹ vứt bỏ dự án Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) có nhiều trục trặc để tập trung đầu tư cho chương trình Tên lửa hành trình tấn công siêu thanh. Dự án đầu liên tục thử nghiệm thất bại.
Ngoài ra, ARRW có thể thiếu tin cậy do thiết kế quá phức tạp so với HACM chạy bằng scramjet.
Ngoài mục đích phòng ngự trước các vũ khí siêu thanh, Trung Quốc có thể phát triển thiết bị laser để phục vụ mục đích chống vệ tinh, hủy diệt hệ thống phòng thủ tên lửa trên vũ trụ của Mỹ.
Theo tin vào tháng 3 vừa rồi của Asia Times, Trung Quốc vừa phát triển được một thiết bị laser xung trạng thái rắn có thể gắn lên vệ tinh với năng lực tạo ra một ánh sáng laser megawatt và phóng 100 lần mỗi giây trong nửa tiếng đồng hồ mà không bị nóng quá mức. Tia laser đó mạnh đến mức đủ để làm lóa hoặc làm mù lâu dài các camera của vệ tinh và có thể gây mù vĩnh viễn cho con người hoặc làm bốc hơi bề mặt của mục tiêu./.