Trung Quốc tuyên bố đạt đột phá về nghiên cứu công nghệ tàu vũ trụ tái sử dụng
Hôm nay (8/5), một tàu vũ trụ thử nghiệm có thể tái sử dụng của Trung Quốc đã thành công quay trở lại địa điểm hạ cánh sau 276 ngày bay trên quỹ đạo, đánh dấu việc nước này đạt được đột phá quan trọng trong nghiên cứu công nghệ tàu vũ trụ có thể tái sử dụng.
Tàu vũ trụ thử nghiệm có thể tái sử dụng của Trung Quốc, được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, đã thành công quay trở lại địa điểm hạ cánh dự kiến vào ngày 8/5 sau khi bay trên quỹ đạo 276 ngày.
Tân Hoa xã đưa tin, sự thành công của cuộc thử nghiệm này “đánh dấu một bước đột phá quan trọng trong nghiên cứu về công nghệ tàu vũ trụ có thể tái sử dụng của Trung Quốc, có thể đem lại một phương thức đi và về tiện lợi và kinh tế hơn trong việc sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình trong tương lai”.
Căn cứ vào độ dài thời gian hoạt động trên quỹ đạo, tàu vũ trụ quay trở lại lần này được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền vào ngày 5/8/2022.
Theo thông tin khi đó, tàu vũ trụ thử nghiệm có thể tái sử dụng đã được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F. Đây là nhiệm vụ phóng thứ 18 của tên lửa này. Trước khi quay trở lại địa điểm hạ cánh, con tàu này đã thực hiện việc xác minh công nghệ về khả năng tái sử dụng và làm việc trên quỹ đạo theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã đã không cung cấp thông tin về chủng loại hay bất kỳ hình ảnh nào của con tàu này.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, tên lửa Trường Chinh-2F là một trong những tên lửa tiên tiến nhất của nước này cho các chuyến bay vào không gian có người lái, do đó có thể tàu vũ trụ được phóng lên cũng liên quan đến hoạt động nghiên cứu và phát triển tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc.
Trước đó, vào ngày 4/9/2020, Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền cũng đã phóng thành công một tàu vũ trụ có thể tái sử dụng. Sau khi bay trên quỹ đạo hai ngày, con tàu đã quay trở lại địa điểm hạ cánh dự kiến vào ngày 6/9./.