Trung Quốc tuyên bố sẽ tham gia Hiệp ước Buôn bán Vũ khí toàn cầu
Trung Quốc chưa từng công bố các số liệu về xuất khẩu vũ khí của nước này.
Ngày 22/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố rằng việc gia nhập Hiệp ước Buôn bán Vũ khí toàn cầu (ATT) là một biện pháp quan trọng đối với Trung Quốc nhằm ủng hộ chủ nghĩa đa phương.
Theo ông Triệu Lập Kiên, Trung Quốc sẽ tham gia Hiệp ước Buôn bán Vũ khí toàn cầu (ATT) của Liên hợp quốc, với cam kết thúc đẩy những nỗ lực "củng cố nền hòa bình và sự ổn định" trên thế giới.
Trước đó, ngày 20/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc quyết định tham gia ATT, vốn được thiết kế nhằm kiểm soát dòng chảy vũ khí tuồn vào các khu vực xung đột.
Ông Triệu Lập Kiên khẳng định Trung Quốc luôn kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu vũ khí và chỉ xuất khẩu các sản phẩm quân sự tới các quốc gia có chủ quyền, không giao dịch với những cá nhân hay tổ chức phi chính phủ.
ATT được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 2013 và có hiệu lực từ ngày 24/12/2014 nhằm kiểm soát việc buôn bán vũ khí giữa các nước trên toàn cầu.
Mục đích của thỏa thuận ATT là nhằm thúc đẩy hòa bình, hạn chế thương vong cho con người, bảo đảm minh bạch và trách nhiệm từ các nước tham gia.
Các nước tham gia phải lưu trữ toàn bộ thông tin về giao dịch mua bán vũ khí, đồng thời không được phép chuyển vũ khí xuyên biên giới nếu chúng có nguy cơ được dùng trong các cuộc tấn công dân thường hoặc hành động vi phạm nhân quyền. Hiện có 105 quốc gia tham gia hiệp ước này.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng ủng hộ hiệp ước, nhưng văn kiện này vẫn chưa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn và bị Hiệp hội Súng trường Mỹ phản đối.
Đầu năm ngoái, đương kim Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ rút Mỹ khỏi ATT, cho rằng thỏa thuận này gây hại cho ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ, cũng như xâm phạm quyền sử dụng súng của nước này.
Trung Quốc chưa từng công bố các số liệu về xuất khẩu vũ khí của nước này. Một báo cáo do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy Trung Quốc là quốc gia sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.