Trung Quốc – Úc và cuộc tranh chấp quyền kiểm soát 'mỏ vàng' ở Cộng hòa Congo
Vào thế kỷ 20, ngành công nghiệp khai thác đã mang lại vận may cho những ngôi làng yên bình của Manono, một thị trấn ở phía đông nam của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Nhưng giờ, mọi thứ đã khác.
Tranh chấp không hồi kết
Trước khi giành độc lập vào năm 1960, những người định cư Bỉ đã khai thác quặng thiếc ở đây. Điều này giúp phát triển các mỏ đá, đập, đường bộ, đường sắt và xưởng đúc.
Khi người Bỉ rời đi, việc quản lý kém, trang thiết bị đổ nát và giá thiếc thế giới chạm đáy vào những năm 1980 đã khiến thị trấn suy sụp.
Những rắc rối đó trở nên tồi tệ hơn trong cuộc nội chiến sau khi Laurent-Désiré Kabila phế truất ông Mobutu Sese Seko để làm Tổng thống vào năm 1997.
Nhưng việc công ty AVZ Minerals của Úc phát hiện ra một mỏ khổng lồ chứa lithium - kim loại được sử dụng để sản xuất pin sạc trong điện thoại và ô tô điện - đã làm dấy lên hy vọng cho thị trấn yên bình này.
AVZ có trụ sở tại thành phố Perth, Úc cho biết vào năm 2018 rằng họ đã phát hiện ra khoảng 400 triệu tấn quặng lithium, khiến Manono có khả năng trở thành mỏ lithium chưa được khai thác lớn nhất thế giới.
AVZ cho biết họ đã tăng cổ phần từ 60% lên 75% tại Manono sau khi mua 15% cổ phần từ Cominiere. (Nguồn: AVZ Minerals).
Tuy nhiên, xuất hiện một rắc rối pháp lý về quyền sở hữu đang hướng vào công ty Khai thác Zijin của Trung Quốc chống lại AVZ của Úc.
Cụ thể là cuộc tranh giành 15% cổ phần trong dự án Manono hiện thuộc sở hữu của Cominiere, công ty khai thác mỏ thuộc sở hữu nhà nước của DRC.
Trong một thỏa thuận được ký kết vào năm 2017, AVZ nắm giữ 60% cổ phần trong Dathcom Mining, một liên doanh sở hữu 100% Manono, trong khi Cominiere có 25%.
Công ty Úc cho biết họ đã tăng cổ phần của mình từ 60% lên 75% sau khi mua 15% cổ phần từ Cominiere nhưng Cominiere cho biết trong báo cáo tài chính hàng năm của mình rằng thương vụ đã không được thực hiện, một quan điểm được một tòa án DRC duy trì vào tháng 12.
Thay vào đó, Cominiere đã bán 15% cổ phần của mình cho công ty Zijin Mining của Trung Quốc thông qua một công ty con địa phương với giá 33,4 triệu USD, theo tài liệu của công ty Boatman Capital Research có trụ sở tại London.
Nhưng AVZ nói rằng bất kỳ sự chuyển giao nào như vậy cho bên thứ ba “sẽ là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với các quyền ưu tiên”.
“Về cơ bản, AVZ tin rằng họ có quyền ưu tiên đối với bất kỳ việc bán cổ phần nào và lập luận rằng họ sẽ mua 15% cổ phần đó, lập luận rằng về bản chất, việc bán cổ phần là giả mạo", Greg Miller, một nhà phân tích tại Benchmark Mineral Intelligence nói.
Về phần mình, Zijin cho biết họ là chủ sở hữu hợp pháp của 15% cổ phần và sẽ “bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Để đạt được điều đó, công ty con Jin Cheng Mining của Zijin đã yêu cầu phân xử tại Phòng Thương mại Quốc tế ở Paris, theo AVZ.
15% cổ phần then chốt thuộc về ai?
Nhưng các nhà quan sát cho rằng còn có một tranh chấp sâu sắc hơn với AVZ và cổ phần của nó.
Năm ngoái, AVZ cho biết họ đã trả cho Dathomir Mining Resources Sarl 20 triệu USD để mua thêm 15% cổ phần còn lại của mình trong dự án, nâng tổng cổ phần của họ lên 75%. Công ty thuộc sở hữu của nhà đầu tư Trung Quốc lâu năm ở Congo Cong Maohuai, đã kiện tại Congo để hủy bỏ thỏa thuận và đã thắng. Theo Miller, công ty con của AVZ đang kháng cáo lại quyết định này.
Nhà phân tích chính sách và khai thác mỏ người Congo, Christian-Geraud Neema cho biết vấn đề này là “một vấn đề rất phức tạp, điển hình của môi trường tham nhũng nói chung, đặc trưng của lĩnh vực khai thác mỏ ở Congo”.
“Động lực đằng sau cuộc chiến giữa Zijin và AVZ là về việc ai sẽ kiểm soát dự án Manono lithium,” ông Neema nói.
“Những gì đang bị đe dọa đối với AVZ là mất quyền kiểm soát dự án. Đặc biệt là vì đối tác khác của liên doanh, Dathomir, công ty sẽ nắm giữ 15% dự án, có thể tham gia cùng các bên của Trung Quốc, đặt AVZ vào vị trí nắm ít cổ phần hơn. Vị thế này gây khó chịu gấp đôi cho AVZ”, Neema, đồng thời là biên tập viên tiếng Pháp tại Trung Quốc, cho biết.
Neema cho biết AVZ đã mua lại mỏ Manono thông qua mối quan hệ thân thiết với gia đình của cựu Tổng thống Joseph Kabila, người được cho là chủ sở hữu thực sự của Dathomir.
Khi quyết định mua 15% Dathomir vào năm 2017-2018 để tăng thị phần của mình trong Dathcom từ 60 lên 75%, AVZ đã tự đảm bảo sở hữu phần lớn dự án Manono.
Tuy nhiên, khi tòa án quyết định hủy bỏ giao dịch này, một trong những điểm mấu chốt trong cuộc xung đột với Zijin, AVZ một lần nữa bị bỏ lại với 60%. Nhưng công ty này không coi đây là giao dịch bị hủy bỏ.
“Vì vậy, nếu việc AVZ mua lại 15% từ Dathomir bị hủy bỏ và việc mua lại 15% của Zijin được xác nhận, AVZ sẽ bị Dathomir lừa,” Neema nói.
Dathomir, có thể xác định ai trở thành bên “cầm trịch” trong dự án, đã giữ im lặng về tranh chấp.
Neema cho biết việc kiểm soát chuỗi cung ứng lithium sẽ là chiến trường tiếp theo về tài nguyên.
Ông cho biết Trung Quốc đã giành chiến thắng trong cuộc chiến giành coban và đã đi trước các nước khác ở tất cả các cấp của chuỗi cung ứng lithium vài bước.
“Và chúng ta có thể thấy các công ty Trung Quốc đang nhân rộng các vụ mua lại của họ ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh, đôi khi là hợp tác với các công ty phương Tây”, ông Neema nói.
Tranh chấp xảy ra trong bối cảnh thị trường lithium đang thiếu hụt, tạo ra nút thắt cho ngành công nghiệp xe điện.
Chris Berry, Chủ tịch của công ty tư vấn hàng hóa House Mountain Partners ở New York, cho biết ông dự kiến cuộc chạy đua về tài sản lithium ở châu Phi và các khu vực khác trên thế giới sẽ ngày càng gay gắt.
Berry cho biết: “Nhu cầu Lithium có vẻ sẽ dễ dàng vượt qua nguồn cung trong thời gian tới và các công ty như Zijin muốn đảm bảo rằng họ có nguồn cung lithium an toàn trong nhiều năm tới để củng cố ngành công nghiệp ở Trung Quốc”.
Ông cho biết Manono là một kho chứa lithium khổng lồ và "không may cho tất cả những người liên quan, vụ kiện tụng ở đây có thể kéo dài trong một thời gian dài, làm trì hoãn bất kỳ hoạt động sản xuất lithium thực tế nào".
Sơn Tùng (Theo SCMP)