Trung Quốc và bước tiến công nghệ khiến Mỹ bất an
Một chiếc smartphone cao cấp của Huawei được trang bị con chip tiên tiến đã cho thấy các biện pháp mà Mỹ theo đuổi có những lỗ hổng...
Hai chính quyền tiền nhiệm và cả chính quyền hiện nay của Tổng thống Mỹ Joe Biden đều tìm cách để Trung Quốc không thể vượt qua Mỹ về công nghệ, nhất là về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), và các lĩnh vực quan trọng khác của cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.
Trong nỗ lực này, Washington đã dùng tới các sắc lệnh điều hành, đạo luật, các ủy ban đặc biệt, các quy định mới và hạn chế xuất khẩu để ngăn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ tiên tiến của Mỹ. Tuy nhiên, theo tờ Foreign Policy, các bước tiến gần đây của Trung Quốc về công nghệ cho thấy rằng các biện pháp đó chưa mang lại hiệu quả như Mỹ mong muốn, vì Trung Quốc vẫn đang bám sát phương Tây về những công nghệ được dự báo sẽ giữ vai trò động lực của tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
CÚ ĐỘT PHÁ VỀ CHIP CỦA TRUNG QUỐC
Bằng chứng rõ rệt nhất là việc hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc - công ty bị đưa vào danh sách đen bởi Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ - mới đây trình làng một chiếc smartphone mới Mate 60 Pro được trang bị một con chip tiên tiến do Trung Quốc chế tạo. Con chip này - một sản phẩm của hãng chip lớn nhất Trung Quốc SMIC - là một “cột mốc về thiết kế và sản xuất” chip, theo nhận định của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ TechInsights sau khi tháo tung một chiếc Huawei Mate 60 Pro.
Xét tới việc Mỹ đã dành nhiều thời gian và công sức để cản bước tiến của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ bán dẫn tiên tiến, sự xuất hiện của con chip trên được đánh giá là một hồi chuông cảnh báo đối với Washington. Con chip này không chỉ là một sự phản bác, mà còn được thúc đẩy bởi chính các lệnh cấm công nghệ mà Mỹ đưa ra đối với Trung Quốc. Trong con chip, các bóng dẫn (transistor) càng nhỏ, thì mỗi con chip càng có nhiều bóng dẫn hơn và càng mạnh hơn. Các biện pháp hạn chế của Mỹ nhằm mục tiêu hạn chế công nghệ chip của Trung Quốc ở kích thước 14 nanometer. Trong khi đó, con chip mới của SMIC đạt kích thước chỉ 7 nanometer.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi con chip trên như một chiến thắng địa chính trị và bằng chứng về sự vững vàng của ngành công nghệ Trung Quốc, đồng thời không quên cảnh báo rằng Washington sẽ phải “trả giá vì sự ngạo mạn công nghệ của mình”. “Sự trỗi dậy của smartphone Huawei sau 3 năm buộc phải sống trong lặng lẽ là đủ để chứng minh rằng sức ép cực đoan của Mỹ đã thất bại”, một bài báo của tờ Thời báo Hoàn cầu viết.
Bất ngờ và lo lắng vì thông tin về con chip mới của Trung Quốc, một số nghị Mỹ đã kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn. Một nhóm nghị sỹ đã gửi thư lên Bộ Thương mại Mỹ đề nghị siết chặt hạn chế đối với Huawei và SMIC. “Tình thế mà chúng ta đang đối mặt cho thấy sự cần thiết phải gia tăng sức ép và có thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiệu quả hơn đối với các đối thủ”, lá thư có đoạn viết.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết đang tìm kiếm thêm thông tin về “đặc điểm và thành phần” của con chip trên, tương tự như phát biểu mà cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đưa ra mới đây. Ông Sullivan nói Mỹ sẽ tiếp tục chiến lược hiện nay là đưa ra các hạn chế theo diện hẹp, áp dụng đối với công nghệ tiên tiến thay vì theo đuổi một sự phân ly kinh tế trên diện rộng với Trung Quốc. Ông nhắc lại phương pháp “sân nhỏ rào cao” mà Mỹ đang sử dụng trong cuộc đối đầu công nghệ với Trung Quốc. “Đó là nơi chúng tôi đặt trọng tâm, và chúng tôi sẽ tiếp tục hướng đi như vậy”, ông Sullivan nhấn mạnh.
Theo Foreign Policy, trên một số phương diện, đột phá chip của Trung Quốc đã cho thấy những lỗ hổng trong chiến lược của Mỹ. Giới chuyên gia nói rằng các công ty Trung Quốc có thể đã tích trữ một số loại chip trước khi các biện pháp kiểm soát của Mỹ được triển khai, sử dụng các phương pháp kém hiện đại hoặc kém hiệu quả hơn để đạt được cùng một kết quả, hoặc mua linh kiện từ thị trường thứ cấp. Bởi vậy, nhiều khả năng Mỹ sẽ xem xét tăng cường các biện pháp hạn chế công nghệ đối với Trung Quốc.
“Tôi cho rằng cuộc thảo luận về thắt chặt kiểm soát đối với Huawei và SMIC sẽ được đẩy mạnh, bao gồm hạn chế áp lên các sản phẩm như hóa chất phục vụ việc sản xuất chip, vốn đến nay vẫn chưa bị hạn chế”, phó giáo sư Christopher Miller của trường Fletcher School, Đại học Tufts nhận định.
TÂM ĐIỂM HUAWEI
Đặc biệt, Huawei luôn là một mục tiêu của Mỹ trong hơn 1 thập kỷ qua, khi những nỗ lực nhằm cản bước tiến của Huawei đã có từ thời Tổng thống Barrack Obama. Việc Huawei đạt bước đột phá công nghệ gần đây có thể dẫn tới việc Mỹ và đồng minh có thêm động thái - theo ông Reva Goujon, một giám đốc chuyên vấn đề chính sách công nghiệp của Trung Quốc tại Rhodium Group.
Sự gia tăng trừng phạt “rất dễ rơi vào Huawei, công ty đang bị trừng phạt nặng nề nhất dưới các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ”, ông Goujon nói, cho rằng việc Huawei đạt bước tiến về công nghệ sẽ tạo động lực để Mỹ siết chặt thêm sự trừng phạt.
Mối lo của Mỹ không phải là không có cơ sở. Khi đặt ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ nhằm vào Trung Quốc, mục tiêu của Mỹ là khiến cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trở nên lạc hậu. Nhưng mẫu smartphone mới của Huawei ch thấy hãng chip lớn nhất Trung Quốc có thể “chỉ tụt hậu vài năm” so với các hãng chip khổng lồ của thế giới như Samsung Intel hay TSMC - theo một bài blog mới đây của công ty nghiên cứu SemiAnalysis.
“Đây là một bước tiến quan trọng đối với hệ sinh thái chip của Trung Quốc và toàn bộ ngành công nghiệp điện tử. Bước tiến này cho thấy các nhà sản xuất chip Trung Quốc đang tiếp tục đạt bước tiến về năng lực sản xuất và hãng chip lớn nhất Trung Quốc SMIC có thể sản xuất con chip tiên tiến với số lượng tương đối lớn”, ông Miller nhận định.
Nhưng ông Miller cũng nói rằng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc đã đủ mạnh để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn. So với nước ngoài, Trung Quốc vẫn còn kém về các thông số hiệu suất và phương pháp sản xuất chip.
Một câu hỏi lớn đặt ra ở đây là liệu bước đột phá về chip trong chiếc Huawei Mate 60 Pro có phải là một bước tiến thực sự hay một chiêu marketing. Có thông tin cho rằng SMIC đã phát triển được con chip 7 nanometer vào năm 2022, từ trước khi chính quyền ông Biden áp lệnh hạn chế xuất khẩu chip lên Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia đã nghi ngờ về độ khả thi kinh tế và quy mô sản xuất của sản phẩm như vậy ở SMIC. Hiện tại, vẫn đang có nhiều câu hỏi về việc Huawei sử dụng chip đó của SMIC, vì năng lực sản xuất của SMIC ở loại chip này có vẻ còn hạn chế - theo chuyên gia cấp cao Jon Bateman của Carnegie Endowment for International Peace.
“Bây giờ, chưa ai dám chắc liệu con chip trong chiếc smartphone mới của Huawei có phải là một dấu mốc công nghệ quan trọng, hay chỉ là một chiêu marketing. Đây vẫn chưa phải là một sản phẩm cho thị trường đại chúng”, ông Bateman nhận định.
NHỮNG TRỞ NGẠI ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC
Sau sự kiện Huawei công bố Mate 60 Pro vào tháng trước, Trung Quốc có một động thái quan trọng nữa là phê chuẩn cho các chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra bởi các “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc gồm Baidu, SenseTime và ByteDance được đưa ra công chúng sau nhiều tháng kiểm thử và giám sát.
Trung Quốc từ lâu đã có tham vọng trở thành cường quốc AI vào cuối thập kỷ này, và thành công vang dội của ChatGPT, chatbot phát triển bởi công ty Mỹ OpenAI, đã thúc đẩy các công ty công nghệ Trung Quốc bắt tay vào phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn tương tự. Sự kiểm duyệt Internet chặt chẽ của Trung Quốc đã khiến việc phát triển các chatbot như vậy trở nên khó khăn và chậm chạp, nhưNg Trung Quốc có vẻ như chấp nhận thực tế này để duy trì chính sách kiểm duyệt.
“Các cơ quan chức năng của Trung Quốc sẽ luôn tìm cách đi trước rủi ro bất cứ đâu mà họ có thể. Nếu việc triển khai thương mai các ứng dụng AI tạo sinh bị trì hoãn, thì đó là cái giá mà Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận”, chuyên gia Anarkalee Perera của Albright Stonebridge Group, một người từng làm việc cho ByteDance ở Bắc Kinh, nhận xét.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đang phê chuẩn các thiết kế mới với tốc độ nhanh hơn dự kiến, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh ở thời điểm này đang nghiêng về sáng tạo, theo ông Perera.
Và Trung Quốc không chỉ chơi ở thế phòng thủ trong cuộc đấu công nghệ với Mỹ. Mới đây có tin công chức nước này bị cấm sử dụng điện thoại iPhone ở nơi làm việc. Thông tin này khiến người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby bày tỏ lo ngại về “sự trả đũa quyết liệt và không phù hợp” nhằm vào doanh nghiệp Mỹ. Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận thông tin nói Chính phủ nước này áp lệnh cấm như vậy, nhưng cho biết đã “chú ý” tới các thông tin về “các vấn đề an ninh liên quan đến điện thoại Apple”.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể gặp phải một số trở ngại trong cuộc đua công nghệ với Mỹ do sự suy yếu của nền kinh tế nước này. Cuộc khủng hoảng bất động sản, khối nợ lớn trong nền kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt là những vấn đề có thể làm chậm lại nỗ lực phát triển công nghệ của Trung Quốc. “Một nhân tố lớn ở đây là nền kinh tế đang yếu đi của Trung Quốc, một sự báo hiệu không tốt cho tiến bộ công nghệ của nước này”, ông Bateman nhận định.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-va-buoc-tien-cong-nghe-khien-my-bat-an.htm