Trung Quốc và Hàn Quốc tấn công thị trường Hollywood khác nhau thế nào

Tuy cùng một đích đến Hollywood, nhưng chiến lược tiếp cận mà Trung Quốc và Hàn Quốc sử dụng lại hoàn toàn khác biệt.

Hàn Quốc và Trung Quốc là hai trong số những nền nền điện ảnh lớn của châu Á. Trong những thập kỷ gần đây, khi sự mở rộng hợp tác về kinh tế - chính trị thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây, nền điện ảnh của hai quốc gia đã để lại những dấu ấn đáng kể tại kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood. Thành quả này có được là nhờ nỗ lực dài lâu của những nhà làm phim cũng như những nhà đầu tư liều lĩnh đứng sau họ.

Tuy nhiên, sau 20 năm nhìn lại, có thể thấy kế hoạch tiếp cận Hollywood cùng thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới nằm tại khu vực Bắc Mỹ mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã thực hiện về cơ bản là hoàn toàn khác biệt.

Trung Quốc bành trướng sức mạnh bằng cách thâu tóm các hãng phim

Trong những năm gần đây, quốc gia 1,4 tỷ dân đã dần trở thành thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Thị trường điện ảnh Trung Quốc ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng và sức chi phối tới thành bại của không ít bom tấn Hollywood nói riêng và cả bộ máy sản xuất của kinh đô điện ảnh nói chung.

Lợi thế thị trường tiềm năng chỉ là một trong những chiêu bài của Trung Quốc nhằm thao túng trái tim của nền điện ảnh thế giới. Suốt một thập kỷ qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đã vung tiền mua lại cổ phần của nhiều hãng phim cũng như hệ thống rạp chiếu tại Mỹ. Trong đó, nổi bật nhất phải nhắc tới hai thương vụ do Dalian Wanda Group thực hiện vào năm 2012 và 2016.

Năm 2012, Dalian Wanda Group của Trung Quốc đã bỏ ra 2,6 tỷ USD để mua lại AMC Entertainment, công ty sở hữu AMC Theatres – chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai của Mỹ. Tháng 1/2016, Dalian Wanda Group tiếp tục chi 3,5 tỷ USD để mua lại Legendary Entertainment, dù vào năm 2015, hãng phim đã thua lỗ số tiền lên tới 500 triệu USD.

 Sau khi trở thành tài sản của Dalian Wanda Group, các phim của Legendary Pictures thường xuyên bị nhồi nhét các gương mặt nổi tiếng đến từ Trung Quốc đại lục.

Sau khi trở thành tài sản của Dalian Wanda Group, các phim của Legendary Pictures thường xuyên bị nhồi nhét các gương mặt nổi tiếng đến từ Trung Quốc đại lục.

Quyền sở hữu các công ty hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và giải trí của Mỹ không chỉ mang về cho các nhà đầu tư Trung Quốc khoản lợi nhuận lớn mỗi năm, nó còn là tiền đề để quảng cáo cho các sản phẩm nội địa của họ và về lâu dài, bành trướng sức ảnh hưởng của quốc gia này ra toàn thế giới.

Năm 2015, Lionsgate ký hiệp ước đồng tài trợ và sản xuất trị giá 1,5 tỷ USD với đài truyền hình Hồ Nam của Trung Quốc. Theo đó, TIK Films, công ty con của đài truyền hình Hồ Nam sẽ tài trợ ¼ kinh phí các bộ phim do Lionsgate sản xuất trong vòng 3 năm. Escape Plan: Hades (2018) là sản phẩm sinh ra từ thương vụ này.

Bộ phim có sự tham gia của Huỳnh Hiểu Minh bên cạnh gương mặt gạo cội của dòng phim hành động Mỹ - Sylvester Stallone. Điểm đáng nói, dù Huỳnh Hiểu Minh được dành nhiều đất diễn, thậm chí vai trò của anh trong phim đôi lúc còn lấn át cả Stallone, nhưng nam diễn viên vẫn gây thất vọng vì diễn xuất nhạt nhòa. Chưa kể, nhân vật của anh còn bị đánh giá là kiểu anh hùng làm lố, gượng ép quá đà.

Năm 2017, Legendary Pictures, khi này đã thuộc sở hữu của Wanda Group, thực hiện bộ phim Kong: Skull Island và giao một trong các vai chính cho Cảnh Điềm – nữ diễn viên nổi tiếng với danh xưng “thuốc độc phòng vé”. Năm 2018, lịch sử lặp lại khi Legendary Pictures sản xuất Pacific Rim: Uprising và Cảnh Điềm tiếp tục góp mặt.

 Cảnh Điềm chính là "gương mặt đại diện" cho làn sóng thâu tóm các hãng phim Mỹ của nhà đầu tư Trung Quốc.

Cảnh Điềm chính là "gương mặt đại diện" cho làn sóng thâu tóm các hãng phim Mỹ của nhà đầu tư Trung Quốc.

Không chỉ cài cắm các gương mặt ăn khách nội địa vào phim Hollywood, nhà sản xuất xứ Trung cũng từng mời các tài tử Hollywood góp mặt trong các dự án điện ảnh của mình.

Năm 2011, Christian Bale vào vai John Miller, một người Mỹ tới Nam Kinh theo sứ mệnh được nhà thờ giao phó giữa cảnh bom rơi đạn nổ, trong tác phẩm Kim lăng thập tam hoa của Trương Nghệ Mưu – bộ phim ăn khách nhất phòng vé Trung Quốc năm đó.

Năm 2016, Trương Nghệ Mưu tiếp tục mời Matt Damon vào vai chính trong bộ phim Tử chiến trường thành do Legendary Pictures sản xuất. Tuy nhiên, sau khi ra mắt, phim trở thành dấu ấn đáng quên trong sự nghiệp của vị đạo diễn tài danh. Tử chiến trường thành là tập hợp những cảnh quay màu mè với cốt truyện rời rạc, khoa trương và tất nhiên, có sự góp mặt của Cảnh Điềm.

Theo Reuters, trong năm 2017, Dalian Wanda Group đã rao bán cổ phiếu của họ tại các hãng phim Hollywood. Tuy nhiên, đây là chỉ một phần rất nhỏ trong nỗ lực của tập đoàn lớn nhất nhì Trung Quốc nhằm giảm quy mô khối tài sản nước ngoài mà họ sở hữu dưới sức ép của chính quyền Bắc Kinh.

Từ năm 2018, Dalian Wanda Group quay đầu, tập trung phát triển tại thị trường nội địa. Tập đoàn sở hữu Wanda Cinema Line Corp, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Trung Quốc.

Sau hai thập kỷ, Trung Quốc vẫn khá mờ nhạt khi nhắc tới giải thưởng điện ảnh hay tác phẩm tiêu biểu trên trường quốc tế. Dấu ấn của nền điện ảnh Trung Quốc tới Hollywood chủ yếu nằm ở khía cạnh kinh tế và câu chuyện kiểm duyệt văn hóa khắt khe.

Hàn Quốc mời gọi đầu tư bằng chất lượng tác phẩm

Trong 20 năm qua, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã lan tỏa tới mọi ngóc ngách của thế giới bằng các bộ phim truyền hình, âm nhạc và điện ảnh. Quốc gia chủ trương sử dụng điện ảnh và truyền hình như một kênh quảng bá văn hóa và kêu gọi đầu tư.

Nếu các phim truyền hình Hàn Quốc, từ thuở sơ khai của Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông tới Boys Over Flowers, Những người thừa kế, Hậu duệ mặt trời hay mới đây là chùm phim Hạ cánh nơi anh, Tầng lớp Itaewon hay Quân vương bất diệt… dễ dàng tiếp cận khán giả phổ thông bởi câu chuyện tình yêu dễ xem dễ cảm, thì điện ảnh Hàn Quốc lại khiến cả thế giới ngỡ ngàng vì những bộ phim đầy thách thức.

Kim Ki Duk, Park Chan Wook, Hong Sang Soo, Bong Joon Ho… là một trong số những vị đạo diễn mà tác phẩm của họ được đánh giá cao bởi không chỉ khán giả Hàn Quốc mà còn cả khán giả và giới phê bình điện ảnh quốc tế.

 Chiến thắng vang dội của Ký sinh trùng chính là "quả ngọt" dành cho điện ảnh Hàn Quốc sau hai thập kỷ phát triển rực rỡ.

Chiến thắng vang dội của Ký sinh trùng chính là "quả ngọt" dành cho điện ảnh Hàn Quốc sau hai thập kỷ phát triển rực rỡ.

Tiểu đảo (2000), Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân (2003), Pietà (2012) của Kim Ki Duk, Oldboy (2003), Người hầu gái (2016) của Park Chan Wook, Hồi ức kẻ sát nhân (2003), Quái vật sông Hàn (2006), Ký sinh trùng (2019) của Bong Joon Ho… là những bộ phim Hàn Quốc luôn được nhắc tới khi nói về điện ảnh châu Á 20 năm trở lại đây.

Năm 2019, Bong Joon Ho mang lại vinh quang cho văn hóa Hàn Quốc nói chung và điện ảnh Hàn Quốc nói riêng bằng bộ phim Ký sinh trùng. Bộ phim tâm lý chính kịch pha chút rùng rợn kể lại câu chuyện của hai gia đình – một nghèo, một giàu – trong mối quan hệ dối trá và lợi dụng lẫn nhau đã gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế ngay từ khi được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2019. Ký sinh trùng cũng là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Cành cọ vàng.

Sau đó, bộ phim tiếp tục càn quét các giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trên toàn thế giới trước khi làm nên kỳ tích khi đoạt 4 giải Oscar tại lễ trao giải lần thứ 92, trong đó quan trọng nhất là giải Phim xuất sắc. Ký sinh trùng cũng xác lập kỷ lục là phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên chiến thắng tại hạng mục này. Thành công của Bong Joon Ho và Ký sinh trùng mở ra thêm một cây cầu nối giao lưu điện ảnh giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Hollywood không chờ tới ngày Ký sinh trùng được Oscar để biết họ phải đầu tư vào đâu. Từ những năm giữa thập niên 2000, các hãng phim Mỹ đã bắt đầu mua bản quyền làm lại những tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc đầu tiên.

Được “cởi trói” từ cuối những năm 1990, các nhà làm phim Hàn được tự do thể hiện ý tưởng và quan điểm của mình trên màn ảnh mà không lo ngại bị một cơ quan nào kiểm duyệt. Do đó, đầu thế kỷ XXI chính là thời kỳ nở rộ những bộ phim điện ảnh Hàn Quốc ở nhiều thể loại, với những cốt truyện độc đáo, đặc sắc và đầy ám ảnh ngay cả với khán giả của ngày hôm nay.

Bộ phim Hàn Quốc đầu tiên được Hollywood lựa chọn là Il Mare (2000). Warner Bros. đã rót tiền cho dự án làm lại bộ phim vào năm 2006 và lấy tên gọi The Lake House. Tác phẩm lãng mạn đánh dấu cuộc tái ngộ trên màn ảnh của Keanu Reeves và Sandra Bullock sau Speed (1994).

Năm 2008, có thêm hai bộ phim Hàn được Hollywood làm lại là phim hài tình cảm My Sassy Girl (2001) và phim kinh dị Into the Mirror (2003). Năm 2009, DreamWorks Pictures làm The Uninvited dựa trên nội dung A Tale of Two Sistes / Câu chuyện hai chị em, tác phẩm kinh dị tâm lý ăn khách của đạo diễn Kim Jee Won đã ra mắt 6 năm trước đó. Cùng năm, bộ phim Possesion – phiên bản làm lại của phim kinh dị Addicted (2003) cũng ra mắt.

Mười năm sau thành công vang dội của Oldboy (2003), bộ phim của đạo diễn Park Chan Wook đi vào lịch sử với cú lật mở tình huống vô tiền khoáng hậu, Good Universe và Vertigo Entertainment đã tái hiện cuộc trả thù trên màn ảnh bằng phiên bản làm lại với sự tham gia của Josh Brolin. Good Universe cũng là hãng đã rót tiền cho Bong Joon Ho thực hiện bộ phim Chuyến tàu băng giá (2013).

 Save the Green Planet! là tác phẩm kinh điển tiếp theo của Hàn Quốc được Hollywood làm lại.

Save the Green Planet! là tác phẩm kinh điển tiếp theo của Hàn Quốc được Hollywood làm lại.

Làn sóng làm lại các phim Hàn Quốc của Hollywood tuy chững lại từ sau năm 2013, nhưng đã nhanh chóng sôi động trở lại trong những tháng đầu năm 2020. Vào tháng 2, các trang thông tin điện ảnh đồng loạt đưa tin series phim truyền hình chuyển thể từ Ký sinh trùng đang được HBO phát triển dưới sự chỉ đạo của Bong Joon Ho và giám đốc sản xuất Adam McKay.

Phim dự kiến sẽ đào sâu hơn vào khoảng cách giàu nghèo giữa hai gia đình, cũng như những góc khuất trong cuộc đời mỗi nhân vật mà phiên bản điện ảnh không có cơ hội đề cập.

Hồi đầu tháng 5, CJ Entertainment thông báo kế hoạch hợp tác với Square Peg, công ty được thành lập bởi Ari Aster và Lars Knudse – bộ đôi đã làm nên thành công của Hereditary (2018) và Midsommar (2019), để thực hiện phiên bản làm lại cho Save the Green Planet! (2003).

Save the Green Planet! là phim đầu tay pha trộn giữa thể loại khoa học viễn tưởng và kinh dị của đạo diễn Jang Joo Hwan. Đây cũng được đánh giá là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nền điện ảnh Hàn Quốc. Giống như Bong Joon Ho, Jang Joo Hwan được trao quyền đạo diễn phiên bản làm lại tác phẩm của mình.

Mới đây, Gonjiam: Haunted Asylum, bộ phim kinh dị ăn khách của Hàn Quốc sản xuất năm 2018, cũng được Hollywood lên kế hoạch làm lại. Đây là dự án hợp tác giữa công ty Black Box Management của Mỹ và BH Entertainment của Hàn Quốc sau khi bản gốc của phim nhận được phản hồi tích cực từ khán giả thị trường Bắc Mỹ.

Không riêng các bộ phim điện ảnh Hàn Quốc mới được Hollywood yêu thích làm lại, phiên bản Mỹ của The King of Mask Singer – cuộc thi âm nhạc có bản quyền thuộc về đài MBC – do Fox sản xuất cũng được khán giả yêu thích và đón nhận sau những số đầu tiên.

Thành công của bản Mỹ với tên gọi The Masked Singer cho thấy chương trình tạp kỹ Hàn Quốc cũng là mảnh đất màu mỡ đang đợi chờ khai thác trong cuộc kiếm tìm những chất liệu giải trí mới mẻ từ các nền văn hóa khác mà Hollywood theo đuổi suốt 20 năm qua.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-va-han-quoc-tan-cong-thi-truong-hollywood-khac-nhau-the-nao-post1090426.html