Trung Quốc và Mỹ sẽ nối lại mối quan hệ kinh tế song phương tại hội nghị G20

Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã trao đổi quan điểm về hợp tác hơn nữa giữa hai bên trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20.

Tất cả các nước đều đang dồn mọi sự chú ý đến hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 vào cuối tuần này. Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ đạt được một hợp đồng hòa giải tại cuộc họp đa phương này – cụ thể là một thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đã được các nước chờ đợi từ lâu.

Các nhà lãnh đạo G20 sẽ tập trung tại Rome vào ngày 30-31 tháng 10 trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Ảnh: Reuters.

Shu Yuting, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết hôm thứ 5 rằng: “Trong một hội nghị trực truyến giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào đầu tuần này, hai bên đã trao đổi quan điểm về hợp tác hơn nữa trong khuôn khổ G20.”

Ông Shu cho biết: “Hai bên đã trao đổi quan điểm về tình hình kinh tế vĩ mô và các chính sách liên quan ở Trung Quốc và Mỹ, bao gồm tình hình tăng trưởng, áp lực lạm phát, ổn định tài chính, chuỗi cung ứng và các vấn đề khác. Cả hai bên đều tin rằng sự phục hồi kinh tế thế giới đang ở giai đoạn quan trọng, và điều rất quan trọng đối với Trung Quốc và Mỹ là tăng cường liên lạc và phối hợp chính sách vĩ mô”.

Cuộc trò chuyện video giữa các quan chức kinh tế hàng đầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hôm thứ 3 vừa qua được nhiều nhà quan sát coi là một bước đi mang tính xây dựng khác hướng tới nỗ lực giải quyết các vấn đề thương mại đang diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 và cuộc gặp trực tuyến được mong đợi giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trước cuối năm nay.

Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cho hay: “Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra, hai nước cần đồng bộ với nhau về các lĩnh vực tài chính, bao gồm thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và Trung Quốc cũng đã đồng ý về vấn đề này.”

Các nhà lãnh đạo G20 sẽ tập trung tại Rome vào ngày 30-31 tháng 10 trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, mặc dù các nguyên thủ của Trung Quốc và Nga sẽ không tham dự trực tiếp. Những người đứng đầu chính phủ toàn cầu dự kiến sẽ tán thành một cuộc cải tổ lịch sử về thuế doanh nghiệp quốc tế mặc dù các nhà phân tích đã cảnh báo rằng bất kỳ quy tắc mới nào sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện.

Trước hội nghị thượng đỉnh, các bộ trưởng tài chính và y tế G20 sẽ tập trung tại Rome vào thứ 6, sau khi các giám đốc tài chính G20 và thống đốc ngân hàng trung ương vào ngày 13 tháng 10 đã ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% và các quy định mới khác để giải quyết việc tránh thuế mà một số công ty công nghệ lớn toàn cầu đang áp dụng hiện nay.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun cho biết tại họp ngày 13/10 rằng: “Trung Quốc sẽ tiếp tục đề cao tinh thần đa phương, thái độ cởi mở và hợp tác, thúc đẩy việc thiết lập một hệ thống thuế quốc tế công bằng, ổn định và bền vững hơn, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi ổn định của nền kinh tế thế giới.”

Các nhà kinh tế cho rằng tác động các quy tắc thuế doanh nghiệp toàn cầu mới lên nền kinh tế Trung Quốc của có thể sẽ bị hạn chế, vì thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của nước này chủ yếu ở mức 25%, cao hơn mức 15% được đề xuất.

Tuy nhiên, các quy định mới có thể sẽ buộc các công ty đa quốc gia hàng đầu đã đăng ký tại các “thiên đường thuế” phải cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, điều này có thể ảnh hưởng đến Hồng Kông khi mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiệu quả của thành phố thấp hơn 15%.

Tuy nhiên, dựa trên những lợi thế về vị trí, môi trường và cơ sở vật chất hỗ trợ, Hồng Kông cũng vẫn có khả năng được hưởng lợi từ việc điều chỉnh đầu tư của các công ty đa quốc gia.

Bên cạnh đó, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Yuting cho hay: “Mỹ và Trung Quốc cũng đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến ổn định tài chính và phối hợp song phương về điều tiết thị trường tài chính, ám chỉ đến cuộc khủng hoảng nợ Evergrande và các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ.”

Ông chia sẻ thêm: “Hai bên đã nhất trí tiếp tục trao đổi ở tất cả các cấp về các bước tiếp theo, thúc đẩy hợp tác thực tế và giải quyết các vấn đề cụ thể trên quan điểm mang lại lợi ích cho cả hai nước và thế giới. Chúng tôi luôn duy trì thái độ cởi mở đối với đối thoại và liên lạc giữa các bộ trưởng thương mại Trung Quốc và Mỹ.”

Huy Hoàng (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-va-my-se-noi-lai-moi-quan-he-kinh-te-song-phuong-tai-hoi-nghi-g20-post164100.html