Trung Quốc và Nga có thể phối hợp 'nắn gân' ông Biden

'Mỹ đã trở lại', Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cách đây vài tuần. Nhưng ở Afghanistan, Mỹ sắp rút ra. Cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm sẽ kết thúc vào ngày tưởng niệm 11/9.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (giữa) đến thị sát ở miền đông Ukraine ngày 11/2. (Ảnh: Reuters)

Thế giới vẫn băn khoăn về khoảng cách giữa những lời hùng biện từ Nhà Trắng về việc trở lại thế giới với thực tế là sự rút lui tiếp tục diễn ra.

Ông Biden khẳng định không phải như vậy. Ông nói rằng Mỹ đã đạt được các mục tiêu chống khủng bố ở Afghanitan và giờ sẽ “chiến đấu vì 20 năm tới, không phải 20 năm qua”.

Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan bị một số người so sánh như thất bại hồi chiến tranh ở Việt Nam.

Giới quan sát cho rằng các đối thủ lớn của Mỹ, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, có thể đang muốn thử thách quyết tâm của chính quyền Biden thêm nữa.

Những điểm nóng nổi lên hiện nay là Ukraine và Đài Loan. Trong những tuần gần đây, Kremlin đưa quân đến khu vực giáp biên với Ukraine với số lượng nhiều chưa từng có kể từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Tuần trước, Bắc Kinh đưa số lượng máy bay quân sự nhiều chưa từng thấy vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (Trung Quốc). Giới chức Trung Quốc và Nga đều đưa ra những phát biểu mạnh mẽ, không loại trừ chiến tranh.

Ông Biden cũng sử dụng ngôn ngữ đối đầu với Nga và Trung Quốc. Ông dùng những cụm từ gay gắt để nói về Tổng thống Nga Vladimir Putin và lên án cách đối xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Mỹ gần đây bổ sung trừng phạt các quan chức Nga và Trung Quốc, đồng thời nới lỏng hạn chế các quan chức Mỹ gặp gỡ quan chức Đài Loan (Trung Quốc).

Tình hình chiến lược ở châu Á và châu Âu tương đồng ở một khía cạnh quan trọng. Mỹ bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ với cả Đài Loan và Ukraine, nhưng cả hai đều không có được sự bảo đảm an ninh rõ ràng từ Mỹ.

Mỹ sử dụng chính sách “mập mờ chiến lược” với Đài Loan (Trung Quốc). Ý nghĩa của chiến lược này là Trung Quốc hiểu rằng có khả năng Mỹ sẽ tham chiến để bảo vệ Đài Loan, nhưng Mỹ không hứa hẹn chắc chắn điều đó. Theo cách tương tự, Mỹ chưa bao giờ nói rõ sẽ làm gì nếu Nga tấn công toàn diện vào Ukraine.

“Mátxcơva và Bắc Kinh sẽ theo dõi sát sao cách Mỹ phản ứng với một tình huống để xác định cách hành động tiếp theo”, ông Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, nói với Financial Times.

Ông Daalder cho rằng Mỹ cần minh bạch hơn về chiến lược của mình nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine hay Trung Quốc ra tay ở Đài Loan.

Đang có những tiếng nói ở Mỹ kêu gọi Washington cần đưa ra bảo đảm an ninh rõ ràng với Đài Loan (Trung Quốc), và NATO cần đẩy nhanh tiến trình kết nạp Ukraine. Họ hy vọng rằng những bước đi này sẽ có tác dụng răn đe Mátxcơva và Bắc Kinh và giảm bớt nguy cơ xảy ra chiến tranh vì tính toán sai lầm.

Những người ủng hộ cho rằng Nga và Trung Quốc sẽ coi đó là mối đe dọa nếu thay đổi nguyên trạng.

Nhưng các đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu cảm thấy rằng một sự bảo đảm an ninh rõ ràng đối với Đài Loan (Trung Quốc) và Ukraine sẽ là quá khiêu khích.

Tuyên bố chung mà ông Biden và Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide đưa ra tuần trước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình ở eo biển Đài Loan, nhưng vẫn mập mờ về cách mà Washington và Tokyo sẽ làm nếu xung đột xảy ra.

Chính quyền Biden sẽ khó phản ứng nếu khủng hoảng đồng thời nổ ra ở Đài Loan (Trung Quốc) và Ukraine. Một số chiến lược gia phương Tây quan ngại rằng Mátxcơva và Bắc Kinh có thể phối hợp hành động nhằm gây sức ép tối đa lên chính quyền Biden. Lý do họ đưa ra dự đoán này là sự gia tăng tần suất các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa quan chức Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh và Mátxcơva đưa ra tuyên bố sau cuộc gặp gỡ cấp ngoại trưởng gần đây, trong đó gửi tín hiệu về việc làm sâu sắc quan hệ chiến lược và phản đối trật tự thế giới do phương Tây dẫn dắt.

Với việc bắt giam nhân vật đối lập Alexei Navalny, Kremlin có thể tính toán rằng một cuộc xung đột với Ukraine sẽ giúp tăng tỷ lệ ủng hộ ông Putin như hồi năm 2014.

Các quan chức Mỹ cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc tin là Mỹ đang trong quá trình suy thoái. Nhưng ngay cả những quan chức tự tin và dân tộc chủ nghĩa nhất ở Bắc Kinh và Mátxcơva cũng hiểu các rủi ro nếu xảy ra xung đột ở Đài Loan và Ukraine.

Vì thế, chiến thuật vùng xám sẽ tiếp tục được tận dụng để tránh chiến tranh tổng lực. Một điều Mỹ có thể đã rút ra ở Afghanistan là khơi mào chiến tranh dễ hơn nhiều việc kiểm soát kết quả, Financial Times bình luận.

Bình Giang

Theo FT

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-va-nga-co-the-phoi-hop-nan-gan-ong-biden-post1329939.tpo