Trung Quốc và phương Tây trả đũa nhau gay gắt vì vấn đề Tân Cương
Ngay sau khi bị Mỹ, Canada và châu Âu trừng phạt một số quan chức vì vấn đề Tân Cương, phía Trung Quốc lập tức trả đũa bằng cách cấm vận nhà ngoại giao và một số nước EU có buôn bán với Trung Quốc.
Hôm 22/3, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc với các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Động thái chống lại Bắc Kinh được đưa ra ngay sau cuộc đối thoại Mỹ - Trung kết thúc căng thẳng tại Alaska.
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã thêm 2 quan chức Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì vấn đề Tân Cương. Trong khi đó, EU chính thức áp lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức Trung Quốc. Anh và Canada áp biện pháp trừng phạt tương tự. Lệnh trừng phạt bao gồm cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Đây là lần đầu EU áp lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc kể từ sau lệnh cấm vận vũ khí năm 1989 đến nay vẫn đang được áp dụng.
Ảnh: Reuters
Các biện pháp trừng phạt đánh dấu sự cứng rắn đáng kể trong chính sách của EU đối với Trung Quốc. Lệnh trừng phạt này cũng có khả năng thổi bùng căng thẳng giữa Brussels và Bắc Kinh.
Tất cả 27 chính phủ EU đều đồng ý với các biện pháp trừng phạt, nhưng Ngoại trưởng Hungary, Peter Szijjarto, gọi lệnh trừng phạt là "vô nghĩa".
Cùng ngày, Bắc Kinh cũng có động thái trả đũa nhằm vào EU. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng công bố lệnh cấm vận nhằm vào 8 thành viên Nghị viện châu Âu, Quốc hội Bỉ, Hà Lan và Litva, hai học giả Đức và Thụy Điển, cùng Ủy ban An ninh và Chính trị Hội đồng châu Âu, Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện châu Âu, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Đức và Quỹ Liên minh Dân chủ Đan Mạch.
Một trong số các nhân vật cấp cao nhất của khu vực Châu Âu bị trừng phạt là chính trị gia Đức Reinhard Butikofer. Ông là người đứng đầu phái đoàn của Nghị viện Châu Âu tại Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có học giả Đức nghiên cứu về Tân Cương, ông Adrian Zenz. Nhiều phân tích của ông Zenz từng được Bộ Ngoại giao Đức trích dẫn vào năm ngoái khi nhấn mạnh vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.
"Những cá nhân này và thành viên gia đình sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục, cũng như đặc khu hành chính Hong Kong và Macao. Những công ty và tổ chức liên quan cũng bị cấm liên lạc với Trung Quốc", thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Ngay sau đó, Hà Lan đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại The Hague vì các lệnh trừng phạt. EU cùng Đức, Bỉ và nhiều nước khác đã bác bỏ các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh.
Tuần trước, đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh nói rằng các lệnh trừng phạt từ EU sẽ không thay đổi chính sách của Bắc Kinh. Ông công khai chỉ trích các biện pháp này là hành động đối đầu, đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ trả đũa.
Theo Reuters, Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến phạm nhân quyền ở Tân Cương, đồng thời coi hành động của các nước phương Tây là sự can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của nước này.
Chính phủ các nước phương Tây đang tìm cách buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở tây bắc Trung Quốc. Đây là nơi Washington cáo buộc Bắc Kinh tội diệt chủng.
Giới quan sát quốc tế đánh giá đây là thành công bước đầu của chính quyền Biden khi kêu gọi sự phối hợp các đối tác và đồng minh cùng gia tăng áp lực đối với Trung Quốc - yếu tố được xem là cốt lõi trong chính sách của Mỹ nhằm đối phó, kiềm chế Trung Quốc.
“Trong bối cảnh quốc tế ngày càng lên án mạnh mẽ, Trung Quốc tiếp tục thực hiện tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.
Ông Blinken cho rằng “hành động này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc hợp tác đa phương nhằm thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền và bắt những người trong chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm cho các hành động tàn bạo này”.