Trung Quốc vật lộn với di sản của chính sách một con
Các nhà phân tích dự đoán đến năm 2050, cứ 4 người ở Trung Quốc thì có một người sẽ nghỉ hưu và dân số trong độ tuổi lao động giảm 10%, kéo theo những tác động kinh tế to lớn.
Ming Ming là cậu bé 6 tuổi hiếu động, khao khát có người chơi cùng, nhưng mẹ em kiên quyết không sinh thêm con nữa.
“Không đời nào! Một đứa là đủ”, Li Hong (43 tuổi), nhân viên thu ngân siêu thị đến từ tỉnh Quảng Đông, nói.
Cô giải thích: “Chi phí chăm sóc trẻ, các hoạt động sau giờ học, dạy kèm,… Bố mẹ nào cũng muốn con cái có nền giáo dục tốt, nhưng lại quá tốn kém. Chúng tôi chỉ là dân lao động bình thường, không phải tầng lớp giàu có. Chi phí nuôi dạy 2 đứa trẻ sẽ giết chết chúng tôi!”.
Bản thân Li được sinh ra ngay trước khi chính sách một con bắt đầu vào năm 1980. Ngoài chi phí nuôi dạy con trai, chăm sóc cha mẹ già và chồng là mối quan tâm chính của cô, theo The Guardian.
Đại dịch Covid-19 bùng phát khi con trai Li vào mẫu giáo. Cậu bé phải nghỉ học thường xuyên khiến người mẹ không thể chuyên tâm làm việc. Quanh quẩn chăm sóc một đứa trẻ mới biết đi cả ngày trong căn hộ nhỏ khiến cô thường xuyên kiệt sức.
“Tôi chỉ đơn giản không có đủ năng lượng cho 2 người”, cô thở dài.
Thất bại
Trong 3,5 thập kỷ, chính sách một con nhằm kiểm soát dân số khiến xã hội Trung Quốc phải trả giá đắt.
Cưỡng ép phá thai, triệt sản, sử dụng dụng cụ tránh thai cũng như hình phạt tài chính nặng nề đã để lại những vết sẹo về thể chất lẫn tinh thần cho hàng triệu phụ nữ và gia đình bị tổn thương.
35 năm sau khi thực hiện chính sách một con, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Lo sợ những tác động xã hội bất lợi của dân số già và thiếu hụt người trong độ tuổi lao động, chính phủ Trung Quốc cố gắng tăng tỷ lệ sinh bằng cách nới lỏng chính sách một con vào năm 2013. Theo đó, các cặp vợ chồng được phép có 2 con nếu một trong hai người là con một.
Cuối năm 2015, chính quyền tuyên bố tất cả cặp vợ chồng đều có thể sinh 2 con.
Tuy nhiên, những biện pháp này thất bại trong việc kích hoạt sự bùng nổ trẻ sơ sinh. Năm 2016, Trung Quốc báo cáo có 18,46 triệu ca sinh - chỉ cao hơn 1,4 triệu so với số ca sinh trung bình trong 5 năm trước đó. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng ca sinh mà chính phủ dự kiến (2,3-4,3 triệu/năm).
Số ca sinh hàng năm tiếp tục giảm sau đó, từ 17,23 triệu (năm 2017) xuống 15,23 triệu (năm 2018), 14,65 triệu (năm 2019), 12 triệu (năm 2020), sau đó xuống 10,62 triệu (năm 2021).
Các nhà chức trách tiếp tục nới lỏng giới hạn sinh năm 2021, tăng lên 3 con cho mỗi cặp vợ chồng.
TS Ye Liu, giảng viên cao cấp về phát triển quốc tế tại Đại học King's College London, cho biết: “Tỷ lệ sinh giảm dường như không thể đảo ngược, nhưng chính phủ không có kế hoạch đối phó. Vấn đề nằm ở quyền lực của đàn ông đối với phụ nữ và việc sử dụng cơ thể nữ giới như phương tiện kinh tế. Vừa qua, nhà chức trách đưa ra nhiều hứa hẹn nhưng không có gì hướng đến phụ nữ. Phụ nữ dường như ‘vô hình’”.
Trong hơn một thập kỷ, các học giả Trung Quốc vận động để loại bỏ chính sách một con, với lý do tổng tỷ suất sinh của quốc gia này thấp hơn tỷ lệ thay thế một cách đáng lo ngại.
Trong những năm 1970, tổng tỷ suất sinh (số ca sinh trên một phụ nữ) giảm từ 5,8 (năm 1970) xuống còn 2,75 (năm 1979). Trong những năm 1980, tỷ suất này dao động trên mức thay thế 2,1, nhưng kể từ những năm 1990, nó giảm xuống dưới mức thay thế.
Tổng điều tra dân số năm 2010 và 2020 cho kết quả tổng tỷ suất sinh lần lượt là 1,18 và 1,30. Con số này tiếp tục giảm xuống mức đáng báo động là 1,15 vào năm 2021, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia.
Ngày càng trầm trọng
Những yếu tố chính đằng sau tỷ lệ sinh thấp bao gồm chi phí nuôi dạy con cái ngày càng tăng trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh chóng trong 3 thập kỷ qua, cũng như việc thiếu các điều khoản phúc lợi xã hội cho các gia đình như dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí hoặc chi phí thấp.
Ngày càng ít thanh niên Trung Quốc kết hôn. Trong khi đó, những người lập gia đình có con ở độ tuổi lớn hơn nhiều hoặc thậm chí không sinh nở. Khi được hỏi lý do, họ thường nói chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, sự chuyển dịch nghề nghiệp bị đình trệ và áp lực của vai trò giới tính truyền thống đối với phụ nữ.
Mei Fong, nhân viên truyền thông của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và là tác giả của One Child - cuốn sách về tác động của chính sách này, cho biết Bắc Kinh đã “phạt nhiều hơn thưởng” trong nỗ lực đảo ngược sự suy giảm.
“Lịch sử lâu dài của chính phủ trong việc hạn chế quyền sinh sản thông qua các biện pháp lạm dụng, đôi khi bạo lực, đã tạo ra chấn thương nặng nề cho phụ nữ và gieo rắc nỗi sợ hãi, nghi ngờ sâu sắc”, bà nói.
Fong lưu ý rằng chính sách một con cũng làm trầm trọng thêm xu hướng truyền thống thích con trai, dẫn đến khoảng cách giới rất lớn.
“Làm thế nào Trung Quốc có thể tăng tỷ lệ sinh, khi thiếu hàng triệu phụ nữ?”.
Tốc độ tăng dân số của Trung Quốc trong năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 thập kỷ và dự kiến sớm đạt đỉnh. Các nhà phân tích dự đoán đến năm 2050, cứ 4 người ở Trung Quốc thì có một sẽ nghỉ hưu và dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm 10%, tạo ra những tác động kinh tế to lớn.
Đó là một trong những thách thức chính mà lãnh đạo đất nước phải đối mặt.
Nhằm giải quyết những lo ngại rằng dân số giảm có thể gây tổn hại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ông Tập Cận Bình cam kết sẽ ban hành các chính sách để tăng tỷ lệ sinh và giải quyết vấn đề già hóa dân số.
Chính phủ cố gắng giải quyết một số vấn đề xã hội bằng các chính sách mới về khấu trừ thuế, chăm sóc trẻ em, thời gian nghỉ phép của cha mẹ và các chi phí liên quan đến việc nuôi dạy con cái. Ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 1 tỷ USD bị cấm để cải thiện sự cân bằng giữa học tập và cuộc sống, đồng thời hỗ trợ các bậc phụ huynh không đủ khả năng cạnh tranh ngày càng tăng.
Tuy nhiên, các biện pháp kể trên vẫn chưa có tác động đáng kể. Một số chính sách trừng phạt khác khiến các nhóm nữ quyền tức giận bao gồm giai đoạn hòa giải bắt buộc đối với việc ly hôn và quy định nhằm ngăn chặn phá thai - thủ tục được sử dụng rộng rãi trong chính sách một con ở Trung Quốc.
Những nỗ lực cải thiện triển vọng kinh tế cho người trẻ tuổi cũng bị cản trở bởi đại dịch, trong đó có chính sách “Zero Covid-19”, tình trạng nhân viên làm việc quá sức và số lượng việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngày càng giảm.
Dữ liệu gần đây cho thấy gần 1/5 thanh niên ở Trung Quốc thất nghiệp. Những người khác đang nổi dậy với các xu hướng phản năng suất như “nằm yên” hoặc “bắt cá”.
Tiếp cận chăm sóc sức khỏe không công bằng vẫn là vấn đề lớn ở Trung Quốc, đặc biệt đối với phụ nữ sống ở nông thôn và phụ nữ nhập cư.
“Ngày nay, trừ khi là chủ doanh nghiệp giàu có hoặc công chức, ai có thể sinh nhiều hơn một đứa trẻ?”, Li hỏi.