Trung Quốc: Vệ tinh Thước Kiều-2 sẵn sàng hỗ trợ các sứ mệnh Mặt Trăng quốc tế

Ngày 19/5, Phòng thí nghiệm Thám hiểm Không gian sâu của Trung Quốc tuyên bố vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều-2 (Magpie Bridge 2), được thiết kế nhằm hỗ trợ các sứ mệnh hạ cánh trên Mặt Trăng, sẽ đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực thám hiểm không chỉ của Trung Quốc mà còn cả các quốc gia khác trong tương lai.

Tên lửa Trường Chinh-8 mang theo vệ tinh Thước Kiều 2 rời bệ phóng ở thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 20/3/2024. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Tên lửa Trường Chinh-8 mang theo vệ tinh Thước Kiều 2 rời bệ phóng ở thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 20/3/2024. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Được phóng vào tháng 3/2024, Thước Kiều-2 là vệ tinh hỗ trợ liên lạc giữa Trái Đất và Mặt Trăng trong sứ mệnh Hằng Nga-6, sứ mệnh vừa thu thập thành công mẫu vật từ phần tối của Mặt Trăng. Theo các nhà khoa học, vệ tinh này sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ chuyển tiếp tín hiệu cho các sứ mệnh Mặt Trăng sắp tới của Trung Quốc và các đối tác quốc tế.

Vệ tinh Thước Kiều-2 được trang bị 3 thiết bị khoa học chính, gồm một camera cực tím, một máy ghi hình nguyên tử trung tính năng lượng được mã hóa hai chiều và một hệ thống thí nghiệm giao thoa kế đường cơ sở rất dài (VLBI) cho mạng lưới Trái Đất–Mặt Trăng. Sau 14 tháng hoạt động ổn định trên quỹ đạo, vệ tinh đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ khoa học quan trọng như chụp ảnh quy mô lớn lớp plasma và từ quyển Trái Đất, tiến hành các thí nghiệm VLBI nhằm tăng cường độ chính xác trong quan sát không gian sâu.

Đáng chú ý, camera cực tím của vệ tinh đã lần đầu tiên chụp được hình ảnh tầng điện ly toàn cầu ở bước sóng 83,4 nanomet, cung cấp dữ liệu giá trị phục vụ nghiên cứu tác động của hoạt động Mặt Trời lên tầng plasma của Trái Đất.

Trong khi đó, hệ thống VLBI của Thước Kiều-2, phối hợp cùng Kính viễn vọng vô tuyến đường kính 65m tại Thượng Hải, đã mở rộng khoảng cách quan sát lên 380.000 km và quan sát thành công các mục tiêu không gian sâu như nguồn vô tuyến A00235 và tàu quỹ đạo Hằng Nga-6.

Với những thành tựu này, Thước Kiều-2 được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong các sứ mệnh Hằng Nga-7 (dự kiến năm 2026) và Hằng Nga-8 (năm 2028), lần lượt tập trung vào khảo sát môi trường và tài nguyên tại cực Nam Mặt Trăng, cũng như thử nghiệm công nghệ khai thác tài nguyên tại chỗ.

Linh Tô (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-ve-tinh-thuoc-kieu2-san-sang-ho-tro-cac-su-menh-mat-trang-quoc-te-20250520184439527.htm