Trung Quốc vượt Hàn Quốc về năng lực công nghệ bán dẫn
Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu bắt kịp các cường quốc bán dẫn toàn cầu, bất chấp những hạn chế từ Mỹ đối với việc tiếp cận chip và công nghệ chế tạo chip tiên tiến…

Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc, cùng với Micron của Mỹ, vẫn đang dẫn đầu thị trường bộ nhớ DDR5, chủ yếu sản xuất trên các nút tiến trình tiên tiến hơn, ở mức 12nm và 14nm.
Theo báo cáo của Viện Đánh giá và Lập kế hoạch Khoa học & Công nghệ Hàn Quốc (KISTEP), Hàn Quốc hiện đang bị Trung Quốc bắt kịp, thậm chí tụt lại phía sau về "năng lực cơ bản" trong năm lĩnh vực công nghệ bán dẫn, bao gồm chip bộ nhớ và chip trí tuệ nhân tạo (AI).
Năm 2022, Hàn Quốc vẫn giữ vị trí thứ hai về cả công nghệ bộ nhớ và đóng gói tiên tiến, trong khi Trung Quốc lần lượt xếp thứ ba và thứ tư. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai năm, cục diện đã đảo ngược hoàn toàn.
Theo đó, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc để vươn lên vị trí thứ hai về công nghệ chip nhớ toàn cầu, chỉ xếp sau Mỹ. Đây là một bước ngoặt đáng chú ý, bởi Hàn Quốc từ lâu vốn dẫn đầu lĩnh vực này nhờ các nhà sản xuất lớn như Samsung Electronics và SK Hynix.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với Hàn Quốc trong công nghệ đóng gói chip tiên tiến, khi cả hai nước đều đạt số điểm 74,2 về năng lực cơ bản, xếp sau Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan.
Trong lĩnh vực chất bán dẫn trí tuệ nhân tạo (AI) hiệu suất cao và tiêu thụ điện năng thấp, Trung Quốc tiếp tục duy trì vị thế dẫn trước Hàn Quốc kể từ năm 2022, chỉ xếp sau Mỹ.

Việc Trung Quốc đang nhanh chóng vượt qua Hàn Quốc trong hầu hết các lĩnh vực bán dẫn cho thấy sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Những bước tiến của Trung Quốc trong công nghệ chip là kết quả của chiến lược đẩy mạnh tự chủ trong ngành bán dẫn suốt những năm gần đây. Để đối phó với các hạn chế xuất khẩu từ Mỹ, Trung Quốc đã triển khai chiến lược “toàn quốc”, huy động nguồn lực để xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn độc lập. Năm ngoái, nước này đã thành lập quỹ đầu tư chip lớn nhất từ trước đến nay nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ nội địa.
Báo cáo cũng cảnh báo về tác động ngày càng lớn của căng thẳng địa chính trị đối với ngành bán dẫn Hàn Quốc, bao gồm nguy cơ sụt giảm xuất khẩu hoặc thậm chí bị loại khỏi thị trường Trung Quốc do các biện pháp kiểm soát từ Mỹ.
Trong bối cảnh đó, các công ty bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc đang đạt được những bước tiến đáng kể. ChangXin Memory Technologies (CXMT), nhà sản xuất chip nhớ DRAM của Trung Quốc, đã phát triển một con chip cấp tiêu dùng sử dụng quy trình 16 nanomet, thu hẹp khoảng cách với các ông lớn trong ngành đến từ Mỹ và Hàn Quốc.
Hiện tại, Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc, cùng với Micron của Mỹ, vẫn đang dẫn đầu thị trường bộ nhớ DDR5, chủ yếu sản xuất trên các nút tiến trình tiên tiến hơn, ở mức 12nm và 14nm.
Một cuộc khảo sát toàn diện về vòng đời công nghệ trong ngành bán dẫn cho thấy Hàn Quốc chỉ dẫn đầu trong lĩnh vực chế biến và sản xuất hàng loạt, trong khi Trung Quốc lại chiếm ưu thế về công nghệ cơ bản, cốt lõi và thiết kế. Đáng lo ngại, trình độ công nghệ của Hàn Quốc trong những lĩnh vực này bị xếp hạng thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh, khiến nước này trở thành mắt xích yếu nhất trong chuỗi giá trị bán dẫn.
Các chuyên gia cảnh báo rằng Hàn Quốc cần một chiến lược toàn diện để duy trì lợi thế cạnh tranh trong thị trường chip nhớ và củng cố vị thế trong ngành công nghiệp bán dẫn hệ thống.
Jeong Eui-jin, nhà nghiên cứu tại KISTEP, nhận định: “Hàn Quốc không chỉ tụt hậu trong đầu tư R&D của chính phủ mà còn có mức chi tiêu R&D của khu vực tư nhân tương đối thấp so với tỷ lệ phần trăm doanh thu. Điều này khiến quá trình chuyển đổi sang lĩnh vực bán dẫn hệ thống diễn ra chậm chạp. Trong bối cảnh chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nhật Bản và Trung Quốc, cùng với việc đầu tư R&D trong nước chưa đủ mạnh, khiến triển vọng của ngành bán dẫn Hàn Quốc ngày càng trở nên bất định”.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-vuot-han-quoc-ve-nang-luc-cong-nghe-ban-dan.htm