Trung Quốc xây dựng 'dự trữ đối trọng' để giảm phụ thuộc vào USD
Nền kinh tế hướng xuất khẩu của Trung Quốc luôn phụ thuộc rất lớn vào USD, nhưng hiện nay, với nguy cơ bị phân tách, Bắc Kinh đang âm thầm đa dạng hóa dự trữ để giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới.
Căng thẳng thương mại đang diễn ra với Mỹ đã làm tăng nguy cơ phân tách tài chính giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung tâm nghiên cứu của ANZ cho biết trong một báo cáo gần đây. Nhà Trắng được cho là đã cân nhắc áp dụng một số hạn chế đối với các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, chẳng hạn như hủy bỏ niêm yết chứng khoán Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
Do đó, Bắc Kinh sẽ quản lý rủi ro bằng cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình khi chuyển dịch dự trữ sang các loại tiền tệ khác, theo dự đoán của ANZ, cũng như xây dựng “dự trữ đối trọng” của họ.
“Dù Trung Quốc vẫn duy trì một tỷ lệ lớn dự trữ ngoại hối bằng USD, nhưng tốc độ đa dạng hóa sang các loại tiền tệ khác có thể sẽ rất nhanh”, báo cáo của ANZ cho biết, đồng thời bổ sung rằng dự trữ ngoại hối bằng USD ước tính vào khoảng 59% tổng dự trữ ngoại hối của nước này tính tại thời điểm tháng Sáu.
Mặc dù việc phân bổ lại tỷ lệ đồng tiền trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn chưa được biết đến một cách cụ thể, nhưng ANZ cho biết họ tin những dịch chuyển mới từ USD sang đồng tiền khác sẽ bao gồm sang bảng Anh, yên Nhật và euro.
Trong lúc này, Bắc Kinh đang giảm dần việc nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn được đầu tư rất nhiều trước đó (Trung Quốc là nước ngoài nắm giữ lớn nhất cho đến tháng 6, trước khi bị Nhật Bản vượt qua). Kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2018, Trung Quốc đã giảm 88 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ nắm giữ trong 14 tháng qua, Ngân hàng DBS cho biết trong một lưu ý.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc đã nắm giữ 1,11 nghìn tỷ đô la nợ của Mỹ vào tháng Sáu năm nay.
Cũng trong một động thái liên quan, Bắc Kinh đang liên tục tiến hành các giao dịch mua bán vàng, với trữ lượng vàng chính thức đang nắm giữ ở mức kỷ lục 1.957,5 tấn tính đến tháng Mười.
Các công ty Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh, Paul Hsiao, nhà kinh tế toàn cầu của Pinebridge Investment, cho biết, đồng thời lưu ý rằng nợ nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc đang ở mức tương đương hơn 500 tỷ USD.
“Phần lớn trong số đó là bằng USD, và điều này có thể là vấn đề đối với các doanh nghiệp Trung Quốc”, Hsiao nói, đồng thời giải thích rằng trong thời kỳ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khi đồng bạc xanh lên giá một cách đáng kể so với nhân dân tệ khiến nhiều công ty Trung Quốc phải bán tài sản của họ vì các khoản nợ tính bằng USD.
“Nói cách khác, đa dạng hóa ngoại tệ trong dự trữ, theo một cách nào đó, là rất phù hợp với các động thái chính trị gần đây của chính quyền Trung Quốc, nhằm tập trung vào quan hệ thương mại của Trung Quốc với các thị trường ngoài Mỹ”, Hsiao nói.
Ý nghĩa lớn lao là Trung Quốc có thể quản lý rủi ro đó bằng cách xây dựng dự trữ với các tài sản khác USD - ANZ gọi là “dự trữ đối trọng”.
“Trên thực tế, chúng tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc đã kín đáo đa dạng hóa danh mục đầu tư ra nước ngoài để bao gồm các khoản đầu tư thay thế USD, báo cáo của ANZ cho biết.
“Dự trữ đối trọng” của Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng tỷ lệ các khoản đầu tư ra nước ngoài thay thế USD như trên, và phần lớn là thông qua đầu tư của các công ty nhà nước và ngân hàng, cũng như thông qua các quỹ đồng quản lý với các quốc gia khác, theo phân tích của ANZ .
Các khoản đầu tư này bao gồm vốn cổ phần, cũng như phát hành các khoản vay thông qua các ngân hàng quốc doanh - đặc biệt là sáng kiến Vành đai và Con đường quy mô lớn, theo phân tích của ANZ.
Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE), nơi quản lý dự trữ ngoại hối của quốc gia này, có bốn tổ chức đầu tư: Huaxin ở Singapore, Huaou ở London, Huamei ở New York và Hua’an ở Hồng Kông. Các tổ chức này đã liên kết với các thực thể nước ngoài khác đầu tư vào cổ phiếu.
Các quỹ mà bốn tổ chức này đã đầu tư bao gồm Quỹ Phát triển Trung Quốc - Châu Phi; Quỹ Hợp tác Trung Quốc - LAC, nơi tài trợ cho các dự án ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbean. Bắc Kinh đã và đang tăng cổ phần của mình trong các quỹ đó, hoặc bơm thêm vốn vào các ngân hàng khu vực. Nó cũng hoán đổi các khoản cho vay thành cổ phần, theo báo cáo của ANZ.
“Những khoản đầu tư ra nước ngoài, được gọi là ‘dự trữ đối trọng’ của Trung Quốc, lên tới 1,86 nghìn tỷ USD tính đến tháng 6/2019, mức kỷ lục mới”, ANZ cho biết.
Tính đến tháng 7, tổng dự trữ ngoại hối của nó, bao gồm các loại tiền khác nhau, ở mức khoảng 3,1 nghìn tỷ USD.
“SAFE hiện đã áp dụng chiến lược phòng ngừa rủi ro cao trong quản lý dự trữ 3,1 nghìn tỷ USD và đa dạng hóa sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong tỷ lệ phân bổ đồng tiền dự trữ ngoại hối”, Siraj Ali, giám đốc điều hành của AJ Capital cho biết.
Vai trò toàn cầu lớn hơn với nhân dân tệ
Đồng USD hiện vẫn là đồng tiền dự trữ lớn nhất của thế giới - ước vào khoảng 58% tổng dự trữ ngoại hối trên thế giới là bằng USD, theo IMF, và khoảng 40% khoản nợ thế giới được tính bằng USD.
“Hệ thống tài chính toàn cầu đang lấy USD là đồng tiền trung tâm giao dịch nhưng các nền kinh tế lớn, bao gồm cả Trung Quốc và khu vực đồng euro, đã sẵn sàng chuyển sang một thế giới tiền tệ dự trữ đa cực”, Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng của S&P Global Ratings’ APAC nói.
“Đối với Trung Quốc, sự chuyển dịch như vậy sẽ giúp giảm phụ thuộc vào các điều kiện tài chính gắn với USD và theo thời gian, cung cấp nhiều cơ hội hơn cho đồng nhân dân tệ để đóng vai trò toàn cầu lớn hơn”, ông nói thêm.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn, toàn cầu hóa hóa hơn.
Những nỗ lực dường như sẽ tiếp tục làm giảm sự phụ thuộc của thế giới vào USD, Roache nói. Điều đó sẽ bao gồm các hợp đồng hàng hóa giao dịch bằng tiền khác USD, và đa dạng hóa dự trữ.