Trung Quốc xem xét bổ sung danh sách ngành nghề

Hiện nay, ở Trung Quốc có khoảng 15 triệu người bán hàng qua livestream (phát sóng trực tiếp). Hầu hết các streamer (người livestream) đều hưởng ứng chính phủ quản lý ngành công nghiệp livestream, coi đây là một ngành nghề, trong khi các nhà phân tích cho rằng chính phủ cũng được hưởng lợi từ việc đánh thuế và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Qian Yongjing, 40 tuổi, dành 4 giờ mỗi ngày đứng trước camera trong văn phòng ở Thâm Quyến, thuyết trình về cách tiến bộ nơi công sở bằng kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Cô livestream trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc như Douyin, Kuaishou, Xiaohongshu, thu hút khoảng 5 triệu người theo dõi. Mặc dù không chia sẻ thu nhập chính xác nhưng Qian tiết lộ mỗi tháng cô kiếm được số tiền gồm 6 chữ số (nhân dân tệ).

Streamer Trung Quốc chuẩn bị quay một phiên livestream bán hàng. Ảnh: CNA

Streamer Trung Quốc chuẩn bị quay một phiên livestream bán hàng. Ảnh: CNA

Giống như nhiều người khác, Qian có hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy về giao tiếp tại nơi làm việc đã buộc phải chuyển hướng kinh doanh trực tuyến khi đại dịch Covid-19 xảy ra. "Chúng tôi phải vật lộn rất nhiều, nhưng rồi vẫn vượt qua. Tôi tin rằng, livestream không chỉ quan trọng trong đại dịch. Điều này đã được chứng minh", Qian nói.

Theo Hiệp hội Dịch vụ Netcasting Trung Quốc do nhà nước điều hành, bán hàng qua livestream là hình thức đã tồn tại nhiều năm nhưng chỉ thực sự bùng nổ ở Trung Quốc khi Covid-19 bùng phát, trở thành cứu tinh của nhiều thương hiệu nước này chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Thống kê cho thấy, có hơn 15 triệu người livestream ở Trung Quốc vào cuối năm 2023.

Mặc dù vậy, livestream hiện chưa được chính thức công nhận như một nghề ở Trung Quốc, điều đó có nghĩa là những người làm công việc này không đủ điều kiện nhận hỗ trợ của chính phủ trong các lĩnh vực như đào tạo và phát triển.

Nâng cao hơn nữa ý thức nghề nghiệp cho người hành nghề

Nhưng điều này có thể sớm thay đổi khi Trung Quốc đang xem xét chấp nhận livestream cùng với hơn chục công việc khác, hầu hết đều liên quan đến các ngành công nghệ cao, như một nghề. Động thái này diễn ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách củng cố thị trường việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước một loạt thách thức trong và ngoài nước.

Ngày 24-5 vừa qua, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã công bố danh sách 19 ngành nghề dự kiến chính thức công nhận. Sau khi mở lấy ý kiến của công chúng, danh sách này sẽ được xem xét, sửa đổi, bổ sung trước khi được công nhận chính thức. Tuy nhiên, dự kiến việc sửa đổi phải mất từ 3 đến 5 năm mới hoàn thành.

Theo channelnewsasia.com, Trung Quốc đã liên tục sửa đổi các công việc trong danh sách ngành nghề chính thức của mình trong thập kỷ qua. Tài liệu này đã trải qua hai lần sửa đổi lớn kể từ khi xuất bản vào năm 1999. Phiên bản mới nhất vào năm 2022 có 1.636 ngành nghề, ít hơn khoảng 400 ngành nghề so với phiên bản đầu tiên. Ngoài ra, một tài liệu hỗ trợ nêu chi tiết các kỹ năng và đặc thù nghề nghiệp đã được cập nhật 3 lần kể từ khi xuất bản vào năm 2012.

Khi công bố kế hoạch bổ sung danh sách ngành nghề mới nhất vào tháng trước, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc tuyên bố, việc công nhận các nghề mới có thể nâng cao hơn nữa ý thức nghề nghiệp của những người hành nghề, cho phép họ được hưởng lợi từ các chính sách quốc gia có liên quan, đồng thời tăng cường việc làm.

Việc có một nghề được công nhận chính thức sẽ mang lại một số đặc quyền cho cả những người đang làm công việc đó cũng như những người muốn tham gia vào lĩnh vực này như trợ cấp đào tạo nghề và đánh giá kỹ năng.

Giáo sư Liu Erduo, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc (CIER) cho rằng, danh sách ngành nghề sẽ cung cấp thông tin cho mọi người khi tìm kiếm công việc mới, vì họ có thể tham khảo những nghề nghiệp nào đã được thêm, cập nhật hoặc thậm chí bị xóa. Hơn nữa, theo Giáo sư Liu, khi một nghề mới được công nhận, chính quyền sẽ giám sát việc thu thuế chặt chẽ hơn. Ông lưu ý, từ góc độ rộng hơn, điều này thậm chí có thể làm giảm số lượng người thất nghiệp. “Trước đây, những người này có thể tuyên bố là thất nghiệp, nhưng khi nghề nghiệp của họ được công nhận chính thức thì họ không thể làm được nữa; họ đã ra khỏi vùng xám”.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/trung-quoc-xem-xet-bo-sung-danh-sach-nganh-nghe-5012478.html