Trung tá Nguyễn Chí An – Người cán bộ quản giáo trách nhiệm, tận tâm

Không có giáo án, cũng chưa từng trải qua một khóa sư phạm nào, nhưng bằng tấm lòng tận tụy, tinh thần trách nhiệm và sự thấu hiểu, Trung tá Nguyễn Chí An đã trở thành điểm tựa vững chắc cho những phạm nhân đang cải tạo. Anh là tấm gương tiêu biểu của người cán bộ quản giáo 'vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn', góp phần quan trọng trong công tác giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi, vì mục tiêu xây dựng môi trường trại giam kỷ cương, tình thương và trách nhiệm.

Trung tá Nguyễn Chí An – Đội trưởng Đội Giáo dục – Hồ sơ, Trại Giam Yên Hạ.

Trung tá Nguyễn Chí An – Đội trưởng Đội Giáo dục – Hồ sơ, Trại Giam Yên Hạ.

Ba thập kỷ cảm hóa bằng tình người và trách nhiệm

Không quá nghiêm nghị như hình dung thường thấy về cán bộ trại giam, Trung tá Nguyễn Chí An – Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ, Trại giam Yên Hạ lại gây ấn tượng với vẻ ngoài điềm đạm, gần gũi và lối trò chuyện cởi mở, chân tình.

Công tác tại Trại giam Yên Hạ từ những năm 1995, đến nay Trung tá An có đã có 30 năm gắn bó với nghề, gắn bó với núi rừng và bản làng nơi đây. Phù Yên từ là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước giờ đây đã phát triển với một diện mạo mới, tràn đầy sức sống hơn. Trong hành trình dài ấy, dù cuộc sống và xã hội có nhiều đổi thay, nhưng điều không thay đổi chính là lòng yêu nghề, sự tận tụy mà anh dành trọn cho công việc của một “người thầy không giáo án” - thầm lặng gieo mầm hiểu biết pháp luật cho những người từng lầm lỡ.

Chia sẻ về cái duyên đến với nghề, Trung tá Nguyễn Chí Anh cho biết, ban đầu bản thân không có ý định công tác trong ngành mà đã theo đuổi ngành học khác, tuy nhiên cũng vì lý do "nghề chọn người" mà anh bén duyên với ngành công an và dần tìm thấy ý nghĩa lớn lao trong công việc đặc biệt này.

Những ngày đầu mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm, anh được giao nhiệm vụ quản lý một đội phạm nhân – một thử thách không nhỏ với chàng cán bộ trẻ. Song bằng sự học hỏi không ngừng, tinh thần cầu thị và ý chí vững vàng, Trung tá An dần khẳng định được bản lĩnh, trở thành chỗ dựa tin cậy của đồng đội và phạm nhân.

“Trong nhóm 20 chiến sĩ về nhận nhiệm vụ, tôi là người đầu tiên được chọn làm quản giáo. Phạm nhân thời đó phức tạp, nhiều người là đối tượng ‘anh chị’ ngoài xã hội, việc quản lý vô cùng khó khăn", nam cán bộ nhớ lại.

Đối diện với những thành phần tội phạm ‘cộm cán’, dù bản thân chưa có nhiều trải nghiệm nghề nghiệp nhưng chàng cán bộ quản giáo trẻ vẫn giữ bản lĩnh vững vàng, không hề nao núng. Hàng ngày, anh cố gắng tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng phạm nhân để động viên, cảm hóa họ. Vất vả, áp lực là vậy, nhưng Trung tá An vẫn luôn hoàn thành tốt bằng việc đặt cả cái tâm và cái tình của mình vào công việc.

Với anh, mỗi phạm nhân là một câu chuyện, một số phận. Có những người lầm lỗi vì hoàn cảnh, có người cố chấp không chịu thay đổi. Dù đối tượng nào, anh cũng tìm cách tiếp cận, động viên, cảm hóa bằng sự chân thành và kiên trì. Anh bảo, để lay chuyển một người đã từng trượt dài trong bóng tối là điều không dễ dàng, nhưng người cán bộ phải luôn tin vào khả năng thay đổi của họ, phải kiên nhẫn và đặt niềm tin đúng chỗ.

Từ trang giấy trắng đến hành trình tỉnh thức lương tri

Một trong những điểm đặc trưng của Trại giam Yên Hạ là lớp học xóa mù chữ. Nhiều phạm nhân tại đây, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số, tỷ lệ mù chữ khá cao, điều này khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận thức và tuân thủ pháp luật.

Nhờ vào sự phối hợp của Ban Giám thị Trại giam Yên Hạ và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, lớp học xóa mù chữ chính thức được tổ chức từ năm 2011. Hơn 10 năm nay, các buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu, tiếng đọc bài đều đều vang lên từ hội trường của trại giam đánh thức bình minh dậy... Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận, không chỉ giúp các phạm nhân thoát khỏi tình trạng mù chữ mà còn tạo ra cơ hội cho họ hiểu biết thêm về pháp luật và hòa nhập lại với xã hội sau khi mãn hạn tù.

Trại giam Yên Hạ còn thường xuyên phối hợp các đơn vị tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho phạm nhân như: Ngày hội đồng hành cùng thanh niên, Ngày hội gia đình các phạm nhân…Tại các chương trình này, phạm nhân được tạo cơ hội để tự đánh giá lại hành vi, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp với chuẩn mực pháp luật và xã hội.

Trại giam Yên Hạ còn thường xuyên phối hợp các đơn vị tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho phạm nhân như: Ngày hội đồng hành cùng thanh niên, Ngày hội gia đình các phạm nhân…Tại các chương trình này, phạm nhân được tạo cơ hội để tự đánh giá lại hành vi, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp với chuẩn mực pháp luật và xã hội.

Suốt gần 30 năm gắn bó với trại giam, tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn phạm nhân khác nhau, từ những kẻ sừng sỏ, khôn ‘lõi đời’ đến những người chỉ vì thiếu hiểu biết mà phải đánh đổi cả một phần đời của mình... Tất cả đều để lại cho anh những kinh nghiệm xương máu và những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm nghề.

Anh vẫn nhớ mãi lá thư nguệch ngoạc của một phạm nhân dân tộc Mông, từng không biết chữ, sau thời gian cải tạo đã tự tay viết thư gửi lại với dòng chữ chân thành: “Trái đất tròn, cháu với thầy sẽ còn gặp lại!”. Với người cán bộ quản giáo ấy, đó là phần thưởng tinh thần quý giá – sự ghi nhận cho bao năm tháng âm thầm gieo mầm thiện lương.

Nhưng cũng có những trường hợp khiến anh day dứt khôn nguôi. “Có phạm nhân suốt thời gian chấp hành án luôn kêu oan, không chịu cải tạo. Chỉ đến khi cận kề cái chết, anh ta mới nghẹn ngào thừa nhận: ‘Tôi hối hận vì không nghe thầy từ đầu’…”. Những câu chuyện như thế khiến anh luôn trăn trở và nhắc nhở bản thân không được phép bỏ cuộc trong hành trình cảm hóa con người.

Bằng ấy năm cống hiến tuổi thanh xuân tại Trại giam Yên Hạ, Trung tá Nguyễn Chí Anh đã đạt nhiều thành tích khác nhau như: Huy chương 20 năm vì sự nghiệp Công an nhân dân; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang cấp 1,2,3; Nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; cùng nhiều Bằng khen của Bộ trưởng, Cục trưởng....

Hậu phương là điểm tựa vững chắc cho người lính nơi tuyến đầu cải tạo

Câu nói “Phía sau thành công của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ” dường như đúng hơn bao giờ hết với Trung tá Nguyễn Chí An. Là cán bộ trại giam, công việc của anh đặc thù vất vả, khắc nghiệt, thời gian dành cho gia đình vô cùng hạn hẹp. Nhưng anh luôn vững tâm công tác bởi phía sau có một người vợ hiểu chuyện, biết cảm thông, âm thầm làm chỗ dựa, là người giữ lửa cho tổ ấm nhỏ.

“Thời điểm mới lập gia đình, tôi đang là cán bộ quản giáo, phụ trách đội phạm nhân trọng điểm, với những đối tượng có mức án cao. Đơn vị thiếu người nên công việc rất bận rộn. Quy định là 8 tiếng/ngày, nhưng thực tế làm nhiều hơn. Có những đêm muộn vẫn phải trực, cuối tuần cũng khó có ngày nghỉ. Có 1 khoảng thời gian suốt gần 10 năm, tôi không được đón Tết cùng gia đình. Vợ tôi buồn lắm, nhưng may mắn là cô ấy luôn hiểu và chia sẻ, cùng tôi vượt qua mọi khó khăn”, Trung tá An trải lòng.

Dù không có nhiều thời gian cho gia đình nhưng Trung tá Nguyễn Chí An vẫn luôn cố gắng quan tâm, đồng hành cùng các con trong quá trình học tập. Con trai lớn của anh năm nay đã là sinh viên năm 3 của Học viện Cảnh sát Nhân dân. Chàng sinh viên ấy ban đầu mong muốn được theo học Công nghệ thông tin, nhưng vì nguyện vọng của bố nên đã chuyển hướng đi theo ngành.

“Tôi là người đầu tiên trong gia đình công tác trong ngành. Trải qua nhiều thăng trầm, tôi hiểu rõ tính chất công việc và những giá trị mà ngành mang lại. Tôi mong con trai vào môi trường này để được rèn luyện, trưởng thành, có nền nếp và định hướng rõ ràng cho tương lai. Dù sau này cháu công tác ở đâu, điều quan trọng nhất vẫn là phải yêu nghề, có trách nhiệm với nghề”, anh chia sẻ thêm.

Nếu như nhiệm vụ của một cán bộ quản giáo vốn đã nhiều áp lực, thì với vai trò Đội trưởng Đội Giáo dục – Hồ sơ, gánh nặng trách nhiệm trên vai Trung tá Nguyễn Chí An lại càng lớn hơn. Nhưng dù công việc có gian nan đến đâu, người cán bộ ấy vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bởi phía sau anh là một hậu phương vững chắc, bên trong là sự tận tâm với nghề, và phía trước là niềm tin yêu, sự cảm phục của hàng trăm phạm nhân đang cần đến anh như một điểm tựa tinh thần.

Dù không có ngày nào đứng trên bục giảng với bảng đen phấn trắng, nhưng những người cán bộ trại giam nói chung và Trung tá Nguyễn Chí An nói riêng vẫn đang từng ngày gieo hi vọng, thắp sáng con đường trở về nẻo thiện của những đứa học trò đã từng lầm đường lạc bước, góp phần trả về xã hội những công dân lương thiện, để họ sống đúng và tôn trọng pháp luật.

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/trung-ta-nguyen-chi-an-nguoi-can-bo-quan-giao-trach-nhiem-tan-tam-post548443.html