Trung tâm 99 – 03D: Thu 'phí bôi trơn' 200.000, 500.000đ/xe...có nhận hối lộ?

Trong 3 năm, 'phí bôi trơn' các đối tượng Trung tâm Đăng kiểm 99 – 03D đã thu là 6,5 tỷ đồng, mỗi lần từ 200.000đ đến 500.000đ/xe…có bị xử lý tội nhận hối lộ?

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh ra quyết định khởi tố 14 bị can tại Trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ 99-03D về hành vi nhận hối lộ. Trong đó có Giám đốc là Dương Trung Lâm (42 tuổi, ở phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh); Phó Giám đốc Dương Đình Phú (37 tuổi, ở xã Tân Chi, huyện Tiên Du) và 12 đăng kiểm viên.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Dương Trung Lâm, Dương Đình Phú cùng các đăng kiểm viên đã bàn bạc, thống nhất thu tiền phí bôi trơn ngoài phí đăng kiểm theo quy định và phí đường bộ của các xe đăng kiểm với số tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/xe. Với số tiền thu ngoài trên, các chủ xe đi đăng kiểm sẽ được bỏ qua một số lỗi kỹ thuật của xe ô tô hoặc được làm nhanh các bước đăng kiểm. Số tiền phí bôi trơn sẽ được tập hợp lại vào cuối mỗi ngày và chia cho các đăng kiểm viên theo tỉ lệ thỏa thuận.

Với thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến tháng 12/2022, các đối tượng đã thu khoảng 6,5 tỷ đồng tiền phí bôi trơn ngoài phí đăng kiểm theo quy định.

 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh thi hành lệnh khám xét tại Trung tâm đăng kiểm 99 – 03D

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh thi hành lệnh khám xét tại Trung tâm đăng kiểm 99 – 03D

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo điều 354 Bộ luật Hình sự cũng quy định hành vi nhận hối lộ đến mức bị xử lý hình sự nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây: "a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất."

Theo thông tin từ cơ quan công an, mỗi xe đăng kiểm có lỗi, lãnh đạo, nhân viên Trung tâm đăng kiểm trên thu phí bôi trơn từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, theo quy định, mỗi hành vi như vậy mà chưa bị phát hiện, chưa bị xử lý thì chỉ ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính.

Nếu hành vi đưa hối lộ từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án mà chưa được xóa án tích, hành vi mới cấu thành tội phạm, tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ.

Bởi vậy, để kết tội đối với các bị can trong vụ án này, cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh mỗi lần đưa nhận hối lộ có số tiền đưa và nhận là từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc là lợi ích phi vật chất, các trường hợp được quy định tại điểm a hoặc điểm b, khoản 1, Điều 354 BLHS.

Theo luật sư Cường, trong quá trình điều tra vụ án đã được khởi tố tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng hành vi vi phạm pháp luật, từng lần thực hiện hành vi nhận hối lộ và đưa lối của người đăng kiểm và cán bộ đăng kiểm để xác định một lần thực hiện hành vi như vậy hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa hay chỉ ở mức độ xử lý hành chính.

Theo quy định của pháp luật, các chủ xe chỉ đưa hối lộ một lần, số tiền đưa hối lộ dưới 2.000.000 đồng và vẫn chưa bị xử phạt hành chính, chưa bị kết án về tội danh này, hành vi đưa hối lộ này chỉ bị phạt hành chính còn người nhận hối lộ cũng chỉ bị xử lý hành chính về nhận hối lộ.

Nếu cá nhân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng kiểm một lần nhiều xe và tổng số tiền đưa hối lộ từ 2.000.000 đồng trở lên, hành vi này sẽ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 Bộ luật Hình sự, đồng thời về nhận hối lộ sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Về nguyên tắc, mỗi lần thực hiện hành vi đưa hối lộ là một lần vi phạm pháp luật. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng lần vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định mỗi lần thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đó, hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa hay chỉ ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính.

Nếu nhiều lần thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần. Còn trường hợp những lần thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đưa hối lộ nhận hối lộ nhưng số tiền dưới 2.000.000 đồng, những lần này người vi phạm sẽ bị phạt hành chính.

Với hành vi đưa hối lộ với số tiền dưới 2.000.000 đồng, người đưa hối lộ sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền đến 4.000.000 đồng. Còn hành vi nhận hối lộ và chưa thỏa mãn của hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị xử phạt hành chính tới 8.000.000 đồng theo quy định tại Điều 9, 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trong vụ án này cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng tổ chức, từng cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Với những hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ xử lý hình sự về tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ, tội giả mạo trong công tác. Còn đối với những hành vi chưa thỏa vẫn dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ xử phạt vi phạm hành chính. Với cán bộ công chức, viên chức vi phạm, sẽ bị đề nghị xem xét xử lý kỷ luật, ngoài chế tài hành chính hoặc hình sự nêu trên.

Mời độc giả xem thêm video CA Bắc Ninh họp báo kết quả đấu tranh xử lý vi phạm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ:

Nguồn: Công an Bắc Ninh

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/trung-tam-99-03d-thu-phi-boi-tron-200000-500000dxeco-nhan-hoi-lo-1792239.html