Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã: Chuyên môn hóa mô hình quản lý
Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD), Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội đã và đang nỗ lực thay đổi mô hình quản lý và cách thức làm việc theo hướng chuyên môn hóa, lấy động vật làm trung tâm.
Hiệu quả từ nuôi hổ bán hoang dã
Đầu tháng 1/2019, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động khu chuồng nuôi hổ bán hoang dã. Hiện, khu chuồng nuôi được thiết kế kiên cố, hiện đại với 2 ngăn (nuôi nhốt và thả bán hoang dã) đảm bảo phúc lợi cho 11 cá thể hổ Đông Dương. Từ khi được nuôi thả trong môi trường bán hoang dã đến nay, các cá thể hổ dần thích nghi với môi trường tự nhiên. Đặc biệt, chúng đang có những biểu hiện tích cực, phục hồi tập tính loài, thường xuyên có các hoạt động như chạy, nhảy, ngửi, vồ, rình mồi… Bác sĩ chăn nuôi, thú y Trịnh Thị Thu Hằng chia sẻ: “Mừng nhất là các cá thể hổ đã thân thiện hơn với con người, tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt nên nguy cơ bị bệnh tật cũng giảm hẳn. Việc đánh giá, thăm khám sức khỏe định kỳ cho động vật cũng dễ dàng hơn khi các cá thể hổ điều chỉnh hành vi theo hiệu lệnh của người như đứng lên, nằm xuống, đi ngang…”
Để có được kết quả như hiện tại, ban đầu chị Hằng và các công nhân đảm nhận phụ trách chuồng nuôi hổ mất khá nhiều thời gian để đặt tên, huấn luyện các cá thể. Cùng với đó, luôn sáng tạo trong việc bổ sung, thay đổi đồ làm giàu cho khu bán hoang dã để thúc đẩy khả năng tìm tòi, khám phá môi trường tự nhiên của hổ, cũng như khơi dậy bản năng đánh dấu lãnh thổ của loài này.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là diện tích chuồng trại quá chật hẹp, thiếu không gian cho ĐVHD vận động làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác cứu hộ. Theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng, nếu trước đây coi công tác phòng bệnh cho động vật đơn thuần là tiêm phòng thì nay, quan trọng hơn cả là chuồng trại cần được xây dựng đáp ứng cơ bản về diện tích, phúc lợi bảo đảm đầy đủ thì động vật mới không bị stress. Điều này cũng đồng nghĩa với việc động vật sẽ không bị ốm, không phải dùng đến thuốc điều trị và nhân viên chăm sóc cũng đỡ vất vả hơn.
Thay đổi tư duy, cách thức làm việc
Thời gian qua, mặc dù chất lượng chuyên môn trong việc điều trị bệnh cho ĐVHD của Trung tâm đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt được các yêu cầu theo tiêu chuẩn thú y thế giới. Mặt khác, các vấn đề về con người, cơ chế đãi ngộ, chính sách... còn rất nhiều hạn chế. “Đơn cử, việc giải quyết thủ tục kinh phí rất khó khăn, cơ chế tài chính cũng hạn hẹp. Trước đây, mỗi đợt đi công tác, cán bộ, nhân viên Trung tâm chỉ được hưởng chế độ 150.000 đồng/ngày, gần đây mới tăng lên 200.000 đồng” – ông Hồng nêu ví dụ. Từ những khó khăn này, ông Hồng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng công tác chăm sóc ĐVHD thì trước tiên người đứng đầu phải thay đổi tư duy lãnh đạo, tiếp đến mới là sự thay đổi của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Cụ thể, cùng với tiếp tục củng cố cơ sở vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, Trung tâm đang nỗ lực xây dựng mô hình quản lý và cách thức làm việc theo hướng chuyên môn hóa.
Đáng chú ý, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội đã sẵn sàng chuẩn bị những bước để xây dựng mô hình đơn vị có thu. Ngoài ra, Trung tâm đã hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hoạt động năm 2020, trong đó trọng tâm là bản thiết kế 3D mô phỏng Trung tâm. Theo đó, cả 5 khu chuồng nuôi hổ đều được thiết kế bán hoang dã, mỗi chuồng sẽ có một sinh cảnh khác nhau. Hàng tháng, hổ sẽ luân chuyển sang các khu chuồng khác để chúng luôn có cảm giác ở trong môi trường khám phá mới, được thỏa mãn bản năng đánh dấu lãnh thổ của loài. “Chỉ khi nào phúc lợi được đảm bảo thì ĐVHD mới có sức khỏe tốt và công tác cứu hộ, chăm sóc mới đạt chất lượng cao” - ông Hồng cho hay.