Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (DVVL) trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh có nhiệm vụ tư vấn chính sách pháp luật về việc làm, học nghề; giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (DVVL) trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh có nhiệm vụ tư vấn chính sách pháp luật về việc làm, học nghề; giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; khai thác thông tin thị trường lao động; phân tích, dự báo và cung cấp thông tin thị trường lao động; thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật…
Để giúp người lao động tìm được việc làm, Trung tâm đã đổi mới phương pháp làm việc, đa dạng các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền với hình thức đa dạng như: Phát qua loa truyền thanh; phối hợp với đài phát thanh các huyện, thành phố tuyên truyền về lao động, việc làm; tổ chức các buổi tư vấn, tọa đàm, hội thảo trực tiếp với người lao động tại các địa phương. Cấp phát tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… Thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, các tổ chức đoàn thể để tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối đầu ra cho lao động sau đào tạo. Tích cực liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm tích cực tìm hiểu, nghiên cứu thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước; cung cấp cho người lao động. Để giúp người lao động giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí đi lại, từ năm 2016, Trung tâm DVVL tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động có thể chủ động đăng ký thông tin tuyển dụng, ứng tuyển ở mọi nơi, mọi lúc qua hệ thống internet, qua điện thoại. Khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, Trung tâm sẽ liên hệ với người lao động; các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm đều được triển khai miễn phí tạo thuận lợi cho người lao động có cơ hội tìm được việc làm. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã thực hiện tư vấn việc làm, học nghề cho hơn 148.300 lượt lao động. Giới thiệu việc làm, học nghề cho hơn 17 nghìn lao động, trong đó, giới thiệu việc làm ngoài nước cho 1.951 lao động. Để tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn khi tuyển lao động, Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động của sàn giao dịch việc làm vào ngày mùng 10 hàng tháng. Trong 5 năm qua, Trung tâm đã tổ chức 75 phiên giao dịch việc làm, thu hút gần 14.700 lượt người tham gia. Có 2.089 lượt doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch và có 7.913 lượt người tham gia phỏng vấn tuyển dụng tại các phiên. Kể từ khi sàn giao dịch việc làm đi vào hoạt động (từ năm 2010) đã thu hút được nhiều doanh nghiệp và đông đảo lực lượng lao động tham gia, giúp kết nối được hàng nghìn người tìm được việc làm.
Thực hiện công tác bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm DVVL tỉnh đảm bảo theo nguyên tắc 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”. Trung tâm cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn theo kế hoạch của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); lên kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền để toàn thể người lao động và người sử dụng lao động nắm bắt được ý nghĩa cũng như tính ưu việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng quy trình tiếp nhận, chuẩn bị các biểu mẫu… để tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm DVVL tỉnh đã hướng dẫn cho 26.557 lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, có 25.543 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và 863 người được hỗ trợ học nghề. Chỉ riêng tính từ đầu tháng 3-2020 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận trên 4.000 hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng chí Lại Hà Nam, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Nếu thường ngày Trung tâm tiếp nhận từ 30-40 hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động thì đến thời điểm gần đây, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận từ 80-100 hồ sơ. Để đảm bảo giải quyết các chế độ kịp thời cho người lao động, Trung tâm đã huy động cán bộ, nhân viên làm thêm cả thứ 7, chủ nhật.
Bên cạnh thực hiện tốt công tác hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm tập trung tư vấn về chính sách pháp luật lao động, về thông tin thị trường lao động cho người lao động, giới thiệu việc làm cho họ. Trong 5 năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức gần 20 lớp tư vấn về kỹ năng tìm kiếm việc làm cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và 5 lớp định hướng nghề nghiệp cho học sinh các trường phổ thông. Định kỳ hàng năm, Trung tâm phối hợp với Ban chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Trong những năm gần đây hàng nghìn học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ được tiếp cận các thông tin chính xác về thị trường lao động trong và ngoài nước. Hàng năm, Trung tâm tham gia điều tra, cập nhật dữ liệu biến động về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh. Tiếp nhận các phiếu cập nhật biến động cung - cầu lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bàn giao để tham mưu thực hiện cập nhật vào cơ sở dữ liệu làm căn cứ để Trung tâm thực hiện công tác phân tích và dự báo thị trường lao động. Trung tâm cũng đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu miễn phí các chương trình xuất khẩu lao động tại các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malayxia, châu Âu, Trung Đông... cho những người có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động; thường xuyên mở các lớp dạy tiếng Hàn Quốc cho người lao động có nhu cầu. Mỗi năm hướng dẫn cho trên 300 lao động hoàn thiện hồ sơ tham dự thi tiếng Hàn Quốc theo đúng quy định của Trung tâm lao động ngoài nước.
Thời gian tới, Trung tâm DVVL tỉnh tiếp tục tổ chức quản lý và vận hành tốt Sàn giao dịch việc làm; phấn đấu thực hiện mục tiêu mỗi năm có 12 phiên cố định tại đơn vị và có từ 4 đến 5 phiên lưu động tại các địa phương hoặc các cơ sở giáo dục. Hàng năm phấn đấu khai thác ít nhất 30 nghìn chỗ làm việc trống; Tư vấn việc làm, học nghề đạt ít nhất 8.000 lượt người; Giới thiệu việc làm cho 2.300 lao động; Kịp thời khai thác, cung ứng thông tin thị trường lao động theo đúng quy định của pháp luật; Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo chính xác, kịp thời đúng người, đúng quy định./.
Bài và ảnh: Viết Dư