Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia - Kỳ vọng lớn, thách thức nhiều
Đầu tháng 11 tới, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ được khánh thành tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc). Công trình được kỳ vọng là không gian dành cho đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam, với nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm thu hút các tập đoàn doanh nghiệp công nghệ lớn, các tổ chức hỗ trợ, ươm tạo uy tín thế giới, các chuyên gia trí thức trong và ngoài nước.
Với tổng diện tích sàn làm việc gần 20.000 m2, gồm 2 khối nhà làm việc và 1 khối nhà trung tâm hội nghị quốc tế, NIC Hòa Lạc là môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
“Từ 2019-2021, chúng ta mới khởi công được và nguồn lực thành lập đầu tư trung tâm này là xã hội hóa và việc triển khai tích cực vượt qua khó khăn của cả giãn cách xã hội của covid thì chúng ta cũng khánh thành được theo đúng tiến độ. Cũng thể hiện quyết tâm của Việt Nam phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và với một cơ sở vật chất hiện đại, với thiết kế thông minh sẽ là điểm đến kỳ vọng của các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế. Sự kiện này hết sức có nghĩa cả về thời điểm cũng như thể hiện nỗ lực và kiên định tiếp tục thực hiện chính sách đổi mới sáng tạo của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết.
Nhiều sản phẩm, công nghệ mới trong 8 lĩnh vực trọng tâm của Trung tâm đang được triển khai mạnh mẽ, ứng dụng vào thực tiễn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp khá lớn, gồm: Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Truyền thông số, Công nghệ môi trường, An ninh mạng, Công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và Y tế.
“Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trong việc là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đưa tinh thần sứ mệnh đổi mới sáng tạo được lan tỏa trong nhiều lĩnh vực. Chúng tôi tin rằng sự ra đời của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia này sẽ đóng góp một phần mạnh mẽ cho việc phát triển nền công nghệ và công nghiệp của đất nước”, ông Vương Vũ Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP VCCorp nói.
Trong những năm gần đây, hoạt động về đổi mới sáng tạo đang dần trở thành trụ cột chính trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Thực tế, nhiều trường đại học đã thành lập các tổ chức liên quan đến đổi mới sáng tạo, gắn với đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như nghiên cứu và các hoạt động đổi mới sáng tạo khác.
Đơn cử như Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt ra mục tiêu: đến năm 2025 thuộc nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á hoặc nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới; đến năm 2030, thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới. Để đạt mục tiêu này, ĐHQGHN chủ trương đầu tư phát triển tiềm lực khoa học công nghệ đạt tiêu chí của đại học đổi mới sáng tạo; thiết lập được hệ sinh thái nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Đặc biệt, xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát huy uy tín học thuật, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Với quy mô hiện nay, hơn 60.000 sinh viên, 1.000 nghiên cứu sinh và đội ngũ nhà khoa học hàng đầu, hy vọng qua sự phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN sẽ phát huy được lĩnh vực thế mạnh liên quan đến chip bán dẫn và hydrogen…
“Chúng tôi thường xuyên có các hoạt động đưa các cán bộ giảng viên, sinh viên lên trên cơ sở của ĐHQGHN ở Hòa Lạc. Đấy cũng là yếu tố rất thuận lợi để có thể tham gia sâu rộng trong các hoạt động này. Bên cạnh đó, với định hướng triển khai các hoạt động sáng tạo, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy, phát triển các doanh nghiệp, khởi nguồn doanh nghiệp tin học, doanh nghiệp khoa học công nghệ, để làm sao các nhà khoa học của ĐHQGHN có thể gắn kết sâu rộng hơn nữa trong việc chuyển giao công nghệ, cũng như gắn bó với các doanh nghiệp để có thể đóng góp một phần nào đó vào việc phát triển kinh tế xã hội nói chung”, ông Nguyễn Trung Hiển, Phó trưởng Ban Khoa học công nghệ, ĐHQGHN nói.
Một trong những nhiệm vụ đặt ra cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là thu hút các nguồn lực, các quỹ đầu tư, nguồn nhân sự tài năng để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Tổ hợp Samsung vừa xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Ông Kim Yong Sup, Phó Tổng giám đốc Đối ngoại Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, “Samsung dự kiến mời các start-up tiêu biểu đã được ươm mầm khởi nghiệp thành công từ chương trình C-Lab đến giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, nhằm nuôi dưỡng thế hệ thanh thiếu niên của Việt Nam phát triển trở thành những nhân tài công nghệ trong tương lai, Samsung dự kiến sẽ xây dựng phòng lab chuyên dụng ngay tại NIC Cơ sở Hòa Lạc. Samsung sẽ luôn hỗ trợ tích cực vì sự thành công và phát triển của NIC, hiện thực hóa những giá trị và cam kết, đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam”.
Theo các chuyên gia, việc hình thành các Trung tâm sáng tạo đổi mới ở Việt nam là rất cần thiết. Tuy nhiên, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nước ta chưa thực sự “chạm” tới những doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì về pháp lý có nhiều văn bản hỗ trợ chưa thực sự rõ ràng, rất khó triển khai. Về nhân lực, giáo dục và đào tạo tại trường đại học còn nặng về lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tế cho sinh viên. Nhiều cơ quan, bộ, ban ngành đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn loay hoay không biết tìm sự hỗ trợ vốn từ đâu. Bên cạnh đó, các chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực này còn thiếu…
Do vậy, rất cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo tại Nghị định 94/2020 của Chính phủ nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cả nước tiếp tục phát triển; tạo sức hấp dẫn để thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn công nghệ lớn từ các nước có trình độ công nghệ phát triển, đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.
“Chúng ta đang xây dựng các cơ chế, chính sách. Một là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang sửa Nghị định 94, hai là Ban Quản lý cũng tham gia góp ý vào Luật Thủ đô cũng để hoàn thiện dần dần các chính sách cho các hoạt động này, và đặc biệt là tập trung các chính sách tại khu công nghệ cao, để truyền thông cho tất cả các khu vực, các trường, đây là một điểm đến cho hoạt động đổi mới sáng tạo nói riêng, hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ nói chung”, ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thông tin.
Với những giải pháp cụ thể, trong tương lai, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ là hạt nhân, phát huy tối đa thế mạnh của cộng đồng đổi mới sáng tạo và chắp cánh các dự án sáng tạo tiềm năng; thể hiện quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới.