Trung tâm hành chính mới huyện Kỳ Anh ngập nước: Sở Xây dựng biện minh, chuyên gia khẳng định sai sót không thể khắc phục
Đồ án quy hoạch sai sót ngay từ đầu, dẫu đã điều chỉnh cao độ nhưng vẫn chưa thể khắc phục hết nhược điểm liên quan, dẫn đến Khu đô thị mới huyện Kỳ Anh ngập nước. Vậy nhưng, Sở xây dựng Hà Tĩnh vẫn biện minh, dẫu chuyên gia đã chỉ ra những sai sót chết người, không thể khắc phục.
Như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, Khu đô thị mới Kỳ Đồng (trung tâm hành chính huyện Kỳ Anh) mới được xây dựng, đang dần hoàn thiện đã ngập chìm trong biển nước sau trận mưa lớn ngày đầu tháng 8/2020.
Chứng kiến điều này, nhiều chuyên gia đã nhận định việc các tuyến đường cũng như hoa màu của người dân ở đây ngập trong biển nước là điều đã dự đoán trước, khi đồ án quy hoạch đã có sai sót lớn về cao độ ngay từ đầu. Dẫu sau đó, đồ án quy hoạch này đã được điều chỉnh cục bộ, nhưng vẫn không thể khắc phục hết được các nhược điểm về chuyên môn, lẫn trên thực tế.
Sở xây dựng biện minh do hạ tầng chưa đồng bộ
Mới đây, trong cuộc làm việc với Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Duy Đức – Trưởng phòng Quy hoạch – Kiến trúc – Hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị (thuộc Sở xây dựng Hà Tĩnh) thừa nhận, đồ án quy hoạch phân khu trung tâm đô thị Kỳ Đồng (Khu trung tâm hành chính huyện Kỳ Anh) ngay từ đầu đã có sai sót, những sai sót này chỉ được phát hiện khi triển khai thực hiện các dự án hạ tầng ở đây.
“Năm 2017 có mấy dự án hạ tầng triển khai ở đây. Khi làm dự án thì khảo sát chi tiết hơn, đã thấy sự sai sót, chênh lệch về cao độ so với thực tế, nên đã tiến hành điều chỉnh để thực hiện dự án” – Ông Nguyễn Duy Đức cho biết.
Theo ông Đức, sai sót này là do Viện quy hoạch – kiến trúc xây dựng Hà Tĩnh (thuộc Sở xây dựng Hà Tĩnh) trong quá trình khảo sát không chính xác, dẫn tới sai sót về cao độ, nhất là cao độ các tuyến đường chính và đường xương cá trong khu đô thị.
“Khi làm các dự án, phát hiện chênh cốt, phát hiện quy hoạch có vấn đề nên điều chỉnh luôn. Hiện tại đã hạ cốt cho hợp lý với thực tế” – Ông Đức nói.
Lý giải vì sao đã điều chỉnh cao độ mặt bằng dự án cũng như cao độ các tuyến đường, nhưng trận mưa vừa qua vẫn khiến cả Khu đô thị mới này vẫn ngập chìm trong nước, ông Nguyễn Duy Đức đã biện minh, đổ lỗi cho hạ tầng ở đây chưa được hoàn thiện đồng bộ.
“Vừa rồi ngập là có lý do, chúng tôi đã cho người của Sở vào kiểm tra và thấy do 2 nguyên nhân chính: Một là do hệ thống thoát nước các đường chính trong khu trung tâm hành chính chưa được đầu tư, chỉ mới làm đường, chưa làm hệ thống thoát nước, chưa đầu tư đồng bộ nên chưa thoát nước được. Hai là có khu kênh xanh mặt nước ở phía trước, để thoát nước về đó chưa được đầu tư, chưa khơi dòng chảy” – Ông Đức lý giải.
Cũng theo ông Đức, việc khảo sát chưa chính xác, nên quá trình điều chỉnh cao độ có chỗ tăng, chỗ giảm, việc điều chỉnh chủ yếu điều chỉnh cốt các tuyến đường. Hiện chỉ mới làm cống thoát nước đường 70, các nhánh đường xương cá đấu vào đường 70 chưa đồng bộ.
Chuyên gia chỉ ra sai sót không thể khắc phục
Như đã nói ở bài trước, quy hoạch ban đầu ở khu đô thị mới này có sai sót nghiêm trọng về cao độ tự nhiên, như: khu vực đồng ruộng, một số vị trí sai lệch từ 0,3m đến 1m; khu vực dân cư hiện trạng một số vị trí sai lệch về cao độ từ 0,3m đến 0,8m. Riêng khu vực hồ Bàu Bạc và sông Nhà Lê cao độ sai lệch từ 0,8 đến 2,5m; đường Đồng Phú cao độ sai lệch trung bình 0,4m đến 1,5m, trong đó có một số vị trí sai lệch trung bình từ 3 đến 6,5m.
“Dẫu quy hoạch sau này đã có sự điều chỉnh cục bộ, nhưng các dự án ban đầu đã triển khai, việc hạ cốt, nâng nền sau đó chỉ là giải pháp tình thế, không thể khắc phục được hết các nhược điểm do quy hoạch sai ban đầu gây ra, nên ngập lụt khi mưa lớn là điều không thể tránh khỏi” – Một chuyên gia về quy hoạch – kiến trúc ở Hà Tĩnh cho biết.
Theo vị chuyên gia này (cũng là lãnh đạo một sở chuyên môn liên quan – đề nghị dấu tên), thì khu đô thị mới này trong quá trình lập đồ án, do số liệu điều tra về quy hoạch không đầy đủ, số liệu 1/500 phục vụ cho quy hoạch không chuẩn, dẫn đến xác định cao trình mặt bằng tổng thể, cũng như cao trình các tuyến đường sai.
“Mưa ở Kỳ Anh đã có thống kê cả trăm năm nay, có trạm trong Đèo Ngang theo dõi, mà khi làm quy hoạch có lấy đâu. Số liệu này họ không lấy, không thu thập nên làm quy hoạch nó sai” – Vị chuyên gia cho biết.
Phân tích sai sót này, vị chuyên gia khẳng định đây là sai sót cơ bản, nghiêm trọng nhất trong việc khảo sát, lập đồ án quy hoạch.
“Tất cả các vị trí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều có số liệu ngập lụt, tần suất ngập lụt. Số liệu này Sở nông nghiệp có cả. Đây là những con số biết nói. Khi anh lấy đất nông nghiệp để quy hoạch đô thị, thì anh phải làm việc với nông nghiệp để lấy số liệu này để làm cao trình ngập lụt, từ cao trình ngập lụt này anh mới đặt ra cốt đường, cốt nền. Khu đô thị này cốt đường, cốt nền không đáp ứng được yêu cầu này” – Chuyên gia khẳng định.
Lý giải rõ hơn, chuyên gia cho biết: “Về nguyên tắc, nền nhà phải cao hơn đỉnh đường 45cm, khi đường ngập thì nền nhà chưa ngập, khi đường ngập 45 cm thì nước mới vào nhà, nên việc xác định cao trình của đường là quan trọng nhất. Ở đó cao trình của đường 70 là sai, dẫu đã điều chỉnh cũng sai, chưa đáp ứng được yêu cầu đó”.
Vậy quy hoạch đã được điều chỉnh cục bộ, có khắc phục được sai sót này không?
Trả lời câu hỏi này, vị chuyên gia khẳng định là sai sót đó không thể khắc phục được: “Đô thị đó là đô thị loại 4, tần suất ngập lụt 20 năm 1 lần. Giờ làm lại điều chỉnh mô được. Nếu điều chỉnh mà nâng đường lên thì toàn bộ nhà, trụ sở đã xây dựng phải nâng nền hết, xóa mất đi tầng 1 à? Cái này là thiệt hại kinh khủng, mà nếu ở nước ngoài là họ bắt đền đấy”.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu tính đến giải pháp thoát nước, thì có 2 cách: “Một là khơi thông dòng chảy, mà có khơi thông dòng chảy nhưng theo tính toán thì vẫn ngập. Hai là phải làm như Hà Lan, đắp đê, đắp quai xanh bao quanh khu đô thị này, khi nào mưa ngập thì đặt máy bơm mà bơm”.