Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Việt Đức tại TP.HCM hoàn thành sứ mệnh
Sau 2 tháng, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã điều trị 971 bệnh nhân.
Cuối tháng 7, khi diễn biến dịch ở phía Nam rất phức tạp, Bộ Y tế chủ trương thành lập các Trung tâm Hồi sức tích cực để giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau 2 tháng, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã điều trị 971 bệnh nhân trong tình trạng nặng, trong đó có gần 600 bệnh nhân ra viện. Kể từ hôm nay, 14/10, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quản lý trung tâm này.
Hơn 700 nhân viên y tế “dốc sức”
Tiến sỹ Lưu Quang Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 (trực thuộc Bệnh viện Việt Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đơn vị này chính thức nhận các trường hợp bệnh nhân COVID-19 vào ngày 11/8 trong bối cảnh số ca mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cao.
Từ con số không, các chuyên gia đã xây dựng cả một bệnh viện dã chiến điều trị tầng 3 nhưng chỉ có 10 ngày đã phải xong và đi vào hoạt động.
Sau 2 tháng, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho 971 bệnh nhân, phần đông trong số đó là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Tính đến nay đã có gần 600 bệnh nhân ra viện. Hiện, trung tâm đang điều trị cho 36 trường hợp bệnh nhân trong đó có 12 bệnh nhân thở máy và 2 bệnh nhân phải hỗ trợ thở máy xâm nhập.
"Đến hôm nay, mang theo tình cảm của người dân thành phố trước khi trở về Hà Nội để tiếp tục các công việc thường nhật, tôi xin cảm ơn sự gửi gắm, tin tưởng của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho Trung tâm trong thời gian vừa qua. Mong Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch và sớm trở lại nhịp sống bình thường," bác sỹ Thùy chia sẻ.
Bên cạnh đó, các bác sỹ của bệnh viện cũng thực hiện sự phân công của Bộ Y tế, hỗ trợ chuyên môn cho 8 bệnh viện trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, hai vùng tâm dịch của Thành phố Hồ Chí Minh.
Dịch bệnh COVID-19 giai đoạn tháng 8 xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, bệnh nhân đến nhập viện đông, tình trạng nặng chủ yếu ở tầng 3. Theo bác sỹ Thùy, khi đó, điều kiện làm việc ở bệnh viện dã chiến rất khắc nghiệt, thời tiết nóng nực, hoàn toàn không có máy lạnh. Dưới mái tôn thấp, nhân viên y tế phải mặc trang phục bảo hộ cả ngày, nhiều người đã bị ngất trong quá trình làm việc.
Đại dịch quá khắc nghiệt, Trung tâm đã phải huy động tất cả các chuyên ngành tham gia chống dịch như bác sỹ hồi sức, gây mê, bác sỹ sản khoa, y học cổ truyền… được huy động từ Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương và Bệnh viện Bưu điện cùng phối hợp làm việc.
Tổng số y bác sỹ đến từ Bệnh viện Việt Đức làm việc tại trung tâm qua 3 lần đảo quân là 605 người, kết hợp với 80 người từ Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, 30 người từ Bệnh viện Bưu điện nữa và một chuyên gia đến từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Như vậy, tổng số y bác sỹ, nhân viên y tế tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Việt Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 700 người.
Chuyển giao sứ mệnh trong giai đoạn mới
Đại diện đơn vị tiếp nhận chuyển giao, Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho hay trong thời điểm dịch COVID-19 tại Thành phố diễn biến phức tạp, là cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, hơn ai hết Bệnh viện Đại học Y Dược hiểu rõ trách nhiệm với thành phố. Từ ngày được phân công điều trị COVID-19 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị tổng cộng 2.091 trường hợp bệnh nhân, riêng trung tâm hồi sức do Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách đã tiếp nhận 678 bệnh nhân, hiện đang điều trị có 74 trường hợp với 8 ca thở máy.
“Khi tình hình khó khăn, Bộ Y tế đã điều động nhiều lực lượng vào chi viện cho phía Nam, khi dịch giảm dần, việc trở về địa phương là chuyện tất yếu. Với trách nhiệm của mình, tuy công việc trước mắt hết sức nặng nề nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất," Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc nhấn mạnh.
Giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bày tỏ sự tin tưởng Trung tâm tiếp tục vận hành tốt đẹp khi được chuyển giao cho Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Cá nhân tôi tham gia Trung tâm này từ khi bắt đầu và tiếp quản từ khi mới thành lập. Cách đây 2 tháng, đây là điểm nóng của Thành phố với số lượng F0 lớn từ Bình Chánh và quận 8. Nhân viên y tế tại Trung tâm ngày đêm tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nặng và bằng tất cả sự quyết tâm, tất cả khó khăn đã được vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ."
Gửi lời cảm ơn đến nhân viên y tế mọi miền đã cùng Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn khó khăn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình chia sẻ: "Trong khó khăn, dịch bệnh tôi càng hiểu thêm lời thêm lời thề Hippocrates, mạnh mẽ và hùng dũng thế nào. Tôi đã được chứng kiến từng nhân viên y tế lăn xả, nhận bệnh, kiểm tra hệ thống oxy, lọc máu… Chỗ người ta sợ nhất thì lực lượng y tế vẫn căng mình để cứu bệnh nhân."
Về nhiệm vụ của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiếp theo, ông Lê Hòa Bình đề nghị xây dựng bệnh viện 3 tầng, biến Trung tâm hồi sức thành bệnh viện, có viện - trường đào tạo, liên kết, tham quan du lịch; 5 Trung tâm Hồi sức được giữ lại đó là những minh chứng, mốc son lịch sử của thành phố về một giai đoạn đặc biệt.
Trong thời gian tới, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác nhân sự, tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố, thành lập mô hình mới là bệnh viện 3 tầng và Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 3 đơn vị vận hành mô hình mới này./.