Trung tâm Hong Kong ngập trong người biểu tình và khói hơi cay

Những con đường lớn bị chặn và trung tâm thành phố đóng cửa sau khi hàng chục nghìn người biểu tình bao vây trụ sở chính quyền để phản đối dự luật dẫn độ đang được bàn thảo.

Hàng chục nghìn người biểu tình đã tập trung tại trung tâm Hong Kong, chặn các con đường lớn và đụng độ với cảnh sát khi các chính trị gia chuẩn bị tranh luận về luật dẫn độ mà những người chỉ trích lo ngại sẽ gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Người biểu tình tập trung xung quanh tòa nhà Hội đồng Lập pháp, tháo dỡ và đẩy lùi các chướng ngại vật do cảnh sát dựng lên và hô vang "Rút lại, rút lại!". Một lượng lớn cảnh sát chống bạo động được triển khai, xịt hơi cay vào người biểu tình và dựng biển cảnh báo chuẩn bị sử dụng vũ lực với đám đông.

Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp, phụ huynh và giáo viên kêu gọi đình công để thể hiện sự phản đối của họ đối với dự luật sẽ cho phép đại lục truy bắt những người chạy trốn ở thuộc địa cũ của Anh.

Biển người ở bao vây trung tâm hành chính của đặc khu khiến các nghị sĩ không thể vào bên trong tòa nhà của Hội đồng Lập pháp vào sáng 12/6. Cuộc họp để thảo luận về dự luật này, vốn lên kế hoạch vào 11h, đã bị hủy bỏ và thời gian họp mới chưa được công bố. Tuy nhiên, việc trì hoãn này cũng không thể giải tán đám đông người biểu tình.

Khói cay được bắn ra ở trung tâm hành chính Hong Kong vào chiều 12/6. Ảnh: CNN.

Khói cay được bắn ra ở trung tâm hành chính Hong Kong vào chiều 12/6. Ảnh: CNN.

South China Morning Post cho biết vào buổi chiều, cảnh sát đã bắn ra khói cay và bom khói để ngăn chặn người biểu tình tại trụ sở Hội đồng Lập pháp. Một số thành viên Hội đồng Lập pháp đang phát khăn giấy và nước cho những người biểu tình bị cay mắt.

Guardian miêu tả cảnh sát chống bạo động đang tiến về phía những đám đông người biểu tình, giương biển cảnh báo "Cảnh báo! Khói cay". Nhiều nhóm người biểu tình bắt đầu rời đi, nhưng đám đông bên ngoài Hội đồng Lập pháp vẫn lớn. Với mỗi đợt bắn khói cay của cảnh sát, đám đông bắt đầu la lên, nhiều người thu dọn dù để rời đi. Các hình ảnh cho thấy cảnh sát đã dùng đến hơi cay, khói cay và vòi rồng, đẩy lùi người biểu tình ở một số đường lớn.

Cảnh sát Hong Kong tuyên bố cuộc biểu tình là một vụ "bạo động". "Nó đã biến thành một cuộc bạo động", người đại diện cảnh sát Stephen Lo Wai-chung nói. "Chúng tôi không có cách nào khác là phải sử dụng vũ khí để ngăn chặn những kẻ bạo động tiến lên".

Người biểu tình lấp đầy đường phố

Dự luật sẽ được đưa ra vòng tranh luận thứ hai trong hội đồng lập pháp 70 ghế vào ngày 12/6. Theo RTHK, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Andrew Leung cho biết ông sẽ hạn chế tranh luận về dự luật dẫn độ xuống còn 61 giờ, có nghĩa là nó có thể được đưa ra bỏ phiếu vào ngày 20/6.

Người biểu tình Grace Chan, 30 tuổi, có một đứa con hai tuổi, nói: "Tôi không muốn con tôi lớn lên ở một nơi mà chúng tôi không có cảm giác an toàn. Mặc dù họ nói rằng luật này dành cho những kẻ chạy trốn nhưng nó có thể dễ dàng được sử dụng cho mục đích chính trị".

Người biểu tình chống lại dự luật dẫn độ tại Hong Kong ngày 12/6. Ảnh: Guardian.

Người biểu tình chống lại dự luật dẫn độ tại Hong Kong ngày 12/6. Ảnh: Guardian.

Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm 55 tuổi họ Chan nói với Guardian: "Tôi ở đây vì Hong Kong, vì thế hệ tiếp theo của chúng tôi". Ông viện dẫn việc các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ bị loại bỏ và việc bỏ tù các nhà lãnh đạo của phong trào Chiếm Trung Hoàn năm 2014.

Chan nói nếu luật được thông qua, ông sẽ chuyển tiền tiết kiệm của mình sang USD và tìm cách chuyển ra nước ngoài.

Các cuộc biểu tình mới nhất bắt đầu vào tối 11/6 sau khi một kiến nghị trực tuyến kêu gọi 50.000 người tập trung từ 22h.

Những người biểu tình đã lên kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình qua đêm ngay bên ngoài Hội đồng Lập pháp ở quận Đô đốc nhưng chính quyền đã đóng cửa khu vực biểu tình dự kiến và phong tỏa bãi cỏ gần đó tại Công viên Tamar, do "nguy cơ cao" mà người biểu tình sẽ gây ra vào ngày 12/6.

Những người biểu tình bị chặn khỏi khu vực biểu tình đã lấp đầy đường phố bên ngoài cơ quan lập pháp và trụ sở chính quyền. Họ bắt đầu phát đồ ăn nhẹ và mặt nạ để giúp chống lại hơi cay.

Người biểu tình tại một nhà ga ngầm gần đó đã tranh luận với cảnh sát. Lực lượng an ninh lục soát túi và kiểm tra căn cước của những người cố gắng tiếp cận các cuộc biểu tình. Một đám đông tụ tập và hô vang những khẩu hiệu kêu gọi cảnh sát rời đi.

Kêu gọi rút lại dự luật

Lãnh đạo Hong Kong kêu gọi mọi người kiềm chế "các hành động cực đoan" khi hàng trăm doanh nghiệp nhỏ cam kết đóng cửa vào ngày 12/6. Các doanh nghiệp chủ yếu là các nhà bán lẻ nhỏ, chẳng hạn như quán cà phê và cửa hàng sách. Ngoài ra còn có các trường dạy nghề, nhà xuất bản, các phòng khám.

Các đoàn thể cũng như các nhóm đại diện cho phụ huynh và giáo viên kêu gọi đình công và đóng cửa các lớp học để mọi người có thể tham gia các cuộc biểu tình bên ngoài cơ quan lập pháp.

Một người biểu tình dùng kính bơi và mặt nạ để tránh hơi cay bên ngoài Hội đồng Lập pháp Hong Kong. Ảnh: South China Morning Post.

Một người biểu tình dùng kính bơi và mặt nạ để tránh hơi cay bên ngoài Hội đồng Lập pháp Hong Kong. Ảnh: South China Morning Post.

Liên minh giáo viên chuyên nghiệp Hong Kong kêu gọi các thành viên tham gia cuộc biểu tình ngày 12/6 và kêu gọi các trường cho phép giáo viên nghỉ. Các đoàn thể sinh viên của bảy trường đại học và cao đẳng cũng cho biết họ sẽ bãi khóa và tham gia biểu tình.

Một số nhà thờ cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc họp để cầu nguyện cho lãnh đạo của thành phố và hòa bình cho Hong Kong.

Ngành hàng không Hong Kong đã tập hợp chữ ký của 1.700 nhân viên trong bản kiến nghị trực tuyến để yêu cầu công đoàn khởi xướng cuộc đình công nhằm thúc giục rút lại dự luật "tàn ác".

Công đoàn của công ty xe buýt Thế giới Mới lên án chính quyền đã phớt lờ tiếng nói của công dân và kêu gọi các tài xế lái xe chậm vào ngày 12/6. Liên minh Thương nghiệp Hong Kong ủng hộ dân chủ, có 190.000 thành viên, cũng kêu gọi các thành viên nghỉ việc trong ngày.

Người biểu tình bày tỏ lo ngại rằng các quyền và tự do dân sự được bảo đảm cho Hong Kong theo thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ" sẽ bị xói mòn dưới luật mới, vì Trung Quốc thường sử dụng các tội phạm phi chính trị để truy tố những người chỉ trích.

Bất chấp sự phản đối kịch liệt, bao gồm cuộc tuần hành thu hút hàng trăm nghìn người hôm 9/6, Trưởng đặc khu Carrie Lam cho biết bà vẫn quyết tâm thông qua luật.

"Để phản đối dự luật này, một số người đã kêu gọi các hành động cực đoan", bà Lam nói trong cuộc họp báo, đề cập đến các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát bên ngoài cơ quan lập pháp ngay sau nửa đêm hôm 10/6, sau cuộc biểu tình kéo dài 9 giờ.

Cơ quan lập pháp bị chi phối bởi các chính trị gia thân Bắc Kinh nên gần như chắc chắn dự luật sẽ được thông qua. Những người ủng hộ dự luật nhấn mạnh nó sẽ chỉ áp dụng cho những người liên quan đến các tội ác nghiêm trọng, trong khi Bắc Kinh tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo phe đối lập và "các lực lượng nước ngoài" đã dẫn dắt công chúng.

Người Hong Kong lại xuống đường để chống dự luật dẫn độ Hàng nghìn người biểu tình tụ tập ngoài trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong, phản đối dự luật dẫn độ và khiến cuộc họp của Hội đồng Lập pháp về dự luật này phải hủy bỏ.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-tam-hong-kong-ngap-trong-nguoi-bieu-tinh-va-khoi-hoi-cay-post955934.html