Trung tâm nuôi dưỡng và Công tác xã hội Thừa Thiên Huế: Ngôi nhà chung cho những mảnh đời kém may mắn
Thời gian qua, Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy quyền bình đẳng cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung cho những mảnh đời kém may mắn.
Với chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, tiếp nhận, nuôi dưỡng, quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, người khuyết tật không có người thân, người lang thang ăn xin, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện đóng góp kinh phí vào sống ở Trung tâm.
Tận tâm, chu đáo là những điều có thể nhận thấy rõ từ cán bộ, nhân viên tại Trung tâm. Bà Lê Thị Bình, Phó Trưởng phòng phụ trách công tác xã hội (CTXH) làm việc tại Trung tâm đến nay đã hơn 7 năm, luôn cảm thông, gần gũi, tận tình với mọi người và hết lòng vì công việc. Bà Bình chia sẻ: "Xác định công tác chăm sóc sức khỏe, khám, điều trị bệnh cho các đối tượng là nhiệm vụ quan trọng. Trung tâm luôn làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh ATTP, khám, điều trị bệnh kịp thời cho tất cả các đối tượng".
Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, cùng với việc nghiên cứu, đánh giá xu hướng phát triển của xã hội về lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi; căn cứ thực tế đã có nhiều người trên địa bàn có nhu cầu vào sống ở các cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Trung tâm đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện đóng góp kinh phí vào sống ở Trung tâm.
Trong thời gian 2 năm triển khai thực hiện, đã có hơn 100 lượt người dân đến Trung tâm tìm hiểu thông tin về những điều kiện được nuôi dưỡng tự nguyện. Căn cứ vào nhu cầu thực tế của đối tượng tự nguyện và năng lực đáp ứng, Trung tâm đã tiến hành tiếp nhận số lượng đối tượng nuôi dưỡng phù hợp tại từng thời điểm, đảm bảo không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm.
Tính đến thời điểm hết tháng 8/2020, có 15 người đã hợp đồng vào sinh sống ở Trung tâm. Nhìn chung, các ông, các bà đến ở và người nhà đến thăm đều hài lòng với dịch vụ và thái độ phục vụ của cán bộ Trung tâm.
Các cụ thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe.
Trung tâm hiện đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng gần 100 đối tượng, gồm: người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật nặng. Trung tâm thực sự là mái nhà chung của nhiều mảnh đời khó khăn.
Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song bằng tình thương, trách nhiệm của những người làm CTXH, họ đã mang yêu thương, thắp lửa “sưởi ấm” những phận đời kém may mắn.
Công việc mang tính đặc thù – quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội của họ đã làm xúc động trái tim bao người. Ở nơi ấy, những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật; người già cô đơn, không nơi nương tựa hay nạn nhân cần hỗ trợ khẩn cấp, được cán bộ Trung tâm tận tâm chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, không nề hà cả việc vệ sinh cá nhân.
Những cán bộ của trung tâm đã dành tình cảm đặc biệt, yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng họ như chính người thân của mình để phần nào bù đắp sự thiếu may mắn – ông Nguyễn Hải Đăng, Phòng CTXH của Trung tâm chia sẻ.
Với cụ Hoàng Thị Huế (73 tuổi) người đã sống tại Trung tâm trong gần 2 năm qua tâm sự: “Tôi có 4 người con mỗi đứa mỗi công việc khác nhau, hằng ngày con cái đi làm, tôi ở nhà một mình thấy buồn, nên các con của tôi họp bàn lại góp tiền đưa tôi vào Trung tâm để sống. Khi vào đây tôi có nhiều bạn già để chuyện trò rất vui, ăn uống đúng giờ điều độ, có y bác sỹ theo dõi sức khỏe hằng ngày. Trung tâm đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp, nghĩa tình mà tôi và rất nhiều mảnh đời khó khăn gắn bó suốt trong nhiều năm qua. Tuy những cán bộ, người lao động của Trung tâm không phải là người thân của chúng tôi, nhưng họ lại mang đến cho chúng tôi cảm giác như được sống trong một gia đình”.
Cô Nguyễn Thị Minh Huế đưa cụ Hoàng Thị Huế dạo mát xung quanh khuôn viên của Trung tâm vào các buổi chiều.
Cô Nguyễn Thị Minh Huế, Phòng Y tế Phục hồi chức năng, dạy nghề nhân viên của Trung tâm chia sẻ: "Để làm tốt nghề CTXH, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, nhân viên CTXH phải là những người có tấm lòng nhân ái, nhân hậu, trách nhiệm cao và đam mê với nghề. Vất vả nhiều khi không đong đếm được. Nhưng phải xem các cụ như người thân, phải luôn tự hào về nghề của mình; cống hiến hết mình bằng cái tâm, nhằm giúp đỡ những người yếu thế vượt qua những rào cản của cuộc sống, giúp họ phát triển, hòa nhập với cộng đồng".
Dưới mái nhà chung mang tên Trung tâm Nuôi dưỡng và CTXH tỉnh Thừa Thiên Huế, những phận đời bất hạnh đang từng ngày được “sưởi ấm” bởi tình yêu thương, sự tận tâm, trách nhiệm của những cán bộ làm CTXH.