Trung tâm phân phối nông sản cho thị trường Trung Quốc, liệu có khả thi?Trung tâm phân phối nông sản cho thị trường Trung Quốc, liệu có khả thi?
Khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp khó, một số ý kiến đề xuất cần thành lập trung tâm phân phối nông sản cho thị trường này. Thế nhưng, liệu đề xuất đó có khả thi?
Từ đầu năm đến nay, khi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (dịch Covid-19) bùng phát mạnh ở Trung Quốc, việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang quốc gia 1,4 tỉ dân này cũng gặp khó. Trong bối cảnh như vậy, lãnh đạo một địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đề xuất các bộ, ngành liên quan thành lập một trung tâm phân phối nông sản cho thị trường Trung Quốc, nhằm hạn chế rủi ro khi có những biến động như đợt dịch bệnh lần này.
Theo đề xuất trên, Trung tâm Phân phối nông sản cho thị trường Trung Quốc sẽ là đầu mối giao dịch với các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Nói cách khác, các nhà xuất khẩu muốn mua nông sản để xuất sang Trung Quốc phải thông qua trung tâm này, thay vì phát giá thu mua trực tiếp đến nhà kho như lâu nay. Trong khi đó, nông sản trong nước muốn bán sang Trung Quốc cũng phải qua trung tâm.
Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho rằng nếu làm được như đề xuất là rất tốt. Hiện nay trái thanh long là mặt hàng có khoảng 90% sản lượng được tiêu thụ ở thị trường này. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn: “Không biết Trung Quốc có chấp nhận làm như vậy hay không”.
Theo ông Trịnh, đối với mặt hàng thanh long, cách thức giao dịch của doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang Trung Quốc (thường là doanh nghiệp có pháp nhân Việt Nam, nhưng do người Trung Quốc đứng sau điều hành - PV) là khi có nhu cầu, họ sẽ phát giá cho nhà kho thu mua (nhà kho có luôn chức năng sơ chế, đóng gói). “Khi đó, nhà kho phát giá cho thương lái đi thu gom trực tiếp tại vườn của nông dân để đưa về kho sơ chế, đóng gói và cung cấp trở lại cho doanh nghiệp đã phát giá trước đó”, ông Trịnh giải thích và cho rằng chuỗi giao dịch như vậy đã được hình thành từ rất lâu.
Không riêng thanh long, nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam cũng có phương thức giao dịch giống như vậy. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, với đề xuất hình thành trung tâm phân phối nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, cách thức giao dịch nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có sự thay đổi.
Ông Vương Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty Chiếu xạ Toàn Phát - đơn vị trực tiếp xuất khẩu nông sản, nêu thực trạng đối với ngành thanh long ở Tiền Giang và Long An hiện nay là trong số 100 kho thu mua thì có đến 90 kho có người Trung Quốc đứng sau điều hành. “Như vậy, liệu người Việt Nam có khả năng thay đổi được điều đó (cách thức giao dịch như nêu ở trên) hay không?”, ông Hiếu đặt câu hỏi. Ông cho biết đã từng xảy ra chuyện kho Trung Quốc “đánh” kho của Việt Nam không còn chỗ đứng nhờ tiềm lực họ mạnh.
Theo ông Hiếu, mối liên kết trong xuất khẩu rau quả Việt Nam nói chung và mặt hàng thanh long nói riêng của doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang Trung Quốc với các kho hiện tại đã là liên kết bền vững. “Nếu đưa thêm một anh (Trung tâm Phân phối nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc) vào giữa liên kết đó, thì rõ ràng không ai chịu cả”, ông nhận định. Ông Hiếu cho rằng việc “đẻ” ra thêm là không có nghĩa gì trong mối liên kết đã bền vững trên thực tế hiện nay, thậm chí còn phát sinh thêm chi phí vì trung tâm phân phối nông sản này cần phải có lợi nhuận để nuôi bộ máy.
Ông Hiếu cho biết thêm, chỉ tính riêng mặt hàng thanh long, mỗi kho ở Tiền Giang, Long An bình quân xử lý khoảng 30 tấn/ngày, cần đến cả trăm con người ở mỗi kho. “Vậy, khi tập trung tất cả hàng hóa các kho lại, phải cần một trung tâm lớn đến cỡ nào để xử lý hết được các đơn hàng?”, ông nêu câu hỏi.
Theo ông Hiếu, việc “bể” thị trường như lần này không phải do phương thức phân phối hiện nay không tốt, mà là do yếu tố bất khả kháng từ dịch bệnh. Có đến 70-80% số đơn hàng nông sản là phụ thuộc vào Trung Quốc, nên khi thị trường này bị tắc thì việc tiêu thụ gặp khó khăn.
TS. Lương Ngọc Trung Lập, chuyên gia phân tích thị trường nông sản, cho biết, đối với ngành cây ăn trái nói chung và thanh long nói riêng, việc phân phối phần lớn do các kho thực hiện thu gom theo đơn hàng của người Trung Quốc, nghĩa là hàng hóa nông sản của Việt Nam được gia công cho người Trung Quốc có mặt tại Việt Nam. Theo ông, cũng có một số doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc nhưng không cạnh tranh lại với họ vì phía nhập khẩu cũng là người Trung Quốc. Ông cho rằng, ngay cả khi có doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc thì cũng chưa hẳn là thuận lợi, vì người Trung Quốc đã hình thành nên chuỗi này rồi.
Trung Chánh