Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ giảm mạnh vai trò dưới thời Tổng thống Trump

Dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã không còn giữ vai trò lãnh đạo quốc tế trong phòng chống dịch bệnh như trước đây.

Bên ngoài trụ sở của CDC. Ảnh: Getty Images

Bên ngoài trụ sở của CDC. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Politico, CDC là cơ quan phòng chống dịch bệnh xuất sắc trên thế giới, là cơ quan dẫn đầu trong chống đại dịch toàn cầu. Phần lớn trong số 20.000 nhân viên làm việc ở Atlanta, nhưng họ cũng tỏa ra khắp nước Mỹ và hàng chục quốc gia.

CDC là mô hình cho Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu với quy mô nhỏ hơn nhiều cũng như các cơ quan tương tự ở châu Phi và toàn cầu.

CDC đóng vai trò quan trọng trong loại trừ bệnh đậu mùa cũng như nỗ lực thanh toán bệnh bại liệt. Trên quy mô toàn cầu, CDC được ca ngợi vì hỗ trợ chống bệnh AIDS, Ebola và Zika.

Tuy nhiên, với cuộc chiến chống COVID-19, bà Ilona Kickbusch, cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định CDC đã trở thành một cơ quan đóng vai trò mờ nhạt. CDC từng là một tổ chức chuyên nghiệp và rất đáng tin cậy và giờ họ cơ bản không còn như thế. Bà Kickbusch đánh giá: “Đó là bi kịch cho nền y tế toàn cầu”.

Nguyên nhân CDC không có vai trò đáng kể trong đại dịch lần này được cho là do những động thái của Tổng thống Trump – người tìm cách cắt xén nhiều khoản tiền dành cho CDC.

Tờ The Guardian đưa tin hồi tháng 3 rằng chính quyền Mỹ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực kiềm chế đại dịch COVID-19 khi Tổng thống Trump cắt giảm phần lớn nhân viên có nhiệm vụ tìm hiểu các vấn đề y tế toàn cầu ở Trung Quốc, đồng thời liên tục tìm cách giảm ngân sách cho CDC.

Trong 3 năm qua, Mỹ đã giảm số nhân viên CDC địa phương tại Trung Quốc từ 39 xuống chỉ còn 11 người, giảm số nhân viên CDC tại đây từ 11 xuống còn 3.

Tổng thống Trump đã giải tán một bộ phận chịu trách nhiệm về y tế toàn cầu của Hội đồng An ninh Quốc gia. Ông Timothy Ziemer, người phụ trách phản ứng của Mỹ khi xảy ra đại dịch, đã đột ngột rời chính quyền Mỹ vào tháng 3/2018 và nhóm an ninh y tế toàn cầu của ông bị giải thể.

Tổng thống Trump phát biểu về COVID-19. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump phát biểu về COVID-19. Ảnh: Reuters

Liên tục trong 3 năm, ông Trump còn đề nghị cắt ngân sách của CDC tới 20%. Khoản cắt giảm này thuộc về chương trình liên quan bệnh truyền nhiễm từ động vật và bệnh mới xuất hiện. Khi muốn xóa bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá rẻ, ông Trump cũng tìm cách giảm 8%/năm ngân sách cho CDC.

Không chỉ thế, Tổng thống Trump còn định giảm ngân sách dành để hỗ trợ các nước châu Phi vẫn chịu thiệt hại do Ebola, đề xuất giảm sâu tiền dành cho công tác y tế môi trường của CDC. 61 nhân viên trong chương trình phòng dịch bệnh của CDC đã bị cắt giảm.

Theo báo cáo của tổ chức Sáng kiến Quản trị và Dữ liệu Môi trường, CDC vẫn tiếp tục bị bòn rút ngân sách và nhân viên. Nếu không có sự phản đối của Quốc hội, hàng nghìn người Mỹ nữa có thể chết trong vài tháng tới vì năng lực của CDC còn bị hạn chế hơn.

Ông Christopher Sellers, chuyên gia môi trường và y tế tại Đại học Stony Brook và là tác giả báo cáo, cho biết động thái của Mỹ đã khiến phản ứng với COVID-19 chậm trễ và có thể ảnh hưởng tới sự sẵn sàng của các bệnh viện và cơ quan chính phủ trong đối phó dịch bệnh. Ông Sellers nhận xét: “Chính quyền Mỹ đã làm suy yếu nhiều bộ phận quan trọng của CDC một cách liên tục và có hệ thống. Điều này không khác gì cầu xin đại dịch tràn vào nước ta”.

Khi được hỏi về việc cắt giảm ngân sách, nhân sự của CDC, ông Trump nói: “Chúng tôi thực sự đã cho CDC nhiều tiên hơn chứ không ít hơn. Họ nói chúng tôi cắt ngân sách. Hóa ra lại là cho nhiều tiền hơn. Mọi người trong những chuyện này sai 100%”.

Ông Tom Frieden, Giám đốc CDC thời Tổng thống Barack Obama, nhận định: “Thông thường, CDC sẽ tiên phong trong phản ứng với tình hình kiểu này, cả trong nước và ngoài nước. Chúng ta sẽ làm tốt hơn nếu CDC được tự do làm đúng chuyên môn giỏi nhất: tìm hiểu virus lây nhiễm thế nào và cách giảm tốc độ lây nhiễm thông qua hướng dẫn kỹ thuật, quan hệ đối tác và công cụ”.

Tuy nhiên, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Tổng thống Trump đã cản trở nỗ lực hợp tác toàn cầu. Tại cuộc họp vào cuối tháng 3, ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đồng ý phối hợp chống dịch bệnh nhưng họ không thể ra tuyên bố chung vì Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhất định muốn gọi SARS-CoV-2 là “virus Vũ Hán”.

Tới nay, Mỹ là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với ca nhiễm virus và tử vong cao nhất. Tính tới sáng 17/4, Mỹ đã ghi nhận thêm 2.079 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 và 27.524 bệnh nhân mới trong vòng 1 ngày qua, nâng tổng số lên 675.527 ca nhiễm và 34.522 ca tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/trung-tam-phong-ngua-va-kiem-soat-dich-benh-my-giam-manh-vai-tro-duoi-thoi-tong-thong-trump-20200416220626776.htm