Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã: Bước tiến minh bạch và chủ động từ cơ sở

Từ 1/7/2025, 166 Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) cấp xã của tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt khai trương, công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC), số điện thoại đường dây nóng, chuẩn hóa hệ thống tiếp nhận và xử lý TTHC để phục vụ người dân, doanh nghiệp đảm bảo tinh gọn, hiệu quả...

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hoằng Lộc.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hoằng Lộc.

Có mặt tại Trung tâm PVHCC xã Tượng Lĩnh để làm TTHC, ông Hoàng Ngọc Sinh (85 tuổi, ở làng Thọ Long) rất phấn khởi trước tác phong làm việc của cán bộ, công chức xã. Ông Sinh cho biết: “Thời gian vừa qua, người dân trong xã thường xuyên được nghe tuyên truyền, phổ biến về việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, về nơi đặt trụ sở Trung tâm PVHCC xã và việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng... thông qua hệ thống loa truyền thanh xã. Khi đến Trung tâm PVHCC xã, hồ sơ được cán bộ, công chức xã tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết nhanh chóng, kịp thời khiến người dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi”.

Được biết, trung bình mỗi ngày Trung tâm PVHCC xã Tượng Lĩnh tiếp nhận khoảng 40 - 50 hồ sơ trực tuyến. Đối với hồ sơ bị lỗi do đường truyền, cán bộ, công chức sẽ chuyển sang làm thủ công nhằm kịp thời giải quyết cho người dân. Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc Trung tâm PVHCC xã Tượng Lĩnh, cho biết: “Sau gần 1 tháng làm việc theo mô hình chính quyền mới, thực tế cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc của cán bộ, công chức xã đã kịp thời hơn so với trước. Các TTHC được công khai để người dân nắm bắt. Do số lượng công dân đến giao dịch, làm việc khá đông nên UBND xã đã bố trí phòng chờ để công dân thuận tiện, thoải mái khi đến giao dịch, làm TTHC”.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Thọ Lập.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Thọ Lập.

Ghi nhận ban đầu tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cho thấy mô hình chính quyền mới đang vận hành đồng bộ, không gây gián đoạn. Tại Trung tâm PVHCC xã Thọ Lập, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động đã tạo nhiều ấn tượng đối với người dân địa phương. Không khí làm việc trong giờ hành chính diễn ra khẩn trương, nền nếp. Danh mục TTHC được niêm yết công khai rõ ràng; cán bộ, công chức nhiệt tình đón tiếp, hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ... Đa số người dân đến làm TTHC đều bày tỏ sự hài lòng với phong cách phục vụ tận tình, thái độ thân thiện của cán bộ xã. Ngay trong tuần đầu tiên làm việc, trung tâm đã tiếp nhận gần 100 hồ sơ; hỗ trợ cho gần 100 lượt công dân hoàn thiện hồ sơ, giải đáp vướng mắc, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến... Việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ được triển khai theo đúng quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đổi mới đáng ghi nhận, việc triển khai theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại các địa phương cũng đang gặp một số khó khăn, chủ yếu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nhu cầu làm việc sau khi hợp nhất. Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Lĩnh, cho biết: “Hệ thống cơ sở hạ tầng của xã được xây dựng cách đây 25 năm nên khuôn viên xuống cấp, thiếu phòng làm việc; máy móc thiết bị làm việc đều tận dụng lại, chưa kể nhiều thiết bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển; toàn xã sau hợp nhất có 12 cán bộ, công chức ở xa nhưng hiện nay vẫn chưa bố trí được nhà ở công vụ, bếp ăn tập thể... Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, xã cũng đang thiếu cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin để triển khai chuyển đổi số”.

Chính quyền địa phương 2 cấp được xem là “bối cảnh” lý tưởng để thực hiện các chủ trương về cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, tinh gọn thủ tục. Theo quy định, thẩm quyền giải quyết 346 TTHC từng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện được chuyển lên cấp tỉnh là 18 TTHC, chuyển xuống cấp xã là 278 TTHC và bãi bỏ 50 TTHC. Như vậy, tổng số TTHC sau khi phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền của cấp tỉnh là 2.161 TTHC, cấp xã 463 TTHC. Riêng với cấp xã đã tăng gần gấp đôi TTHC so với trước. Ngoài ra, việc bãi bỏ 74 TTHC không còn phù hợp đã góp phần giảm gánh nặng giấy tờ, tránh trùng lặp và tinh giản quy trình. Điều này không chỉ giúp bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn mà còn giảm phiền hà cho người dân trong quá trình giải quyết công việc.

Giữ vững nguyên tắc “lấy người dân làm trung tâm” trong mọi cải cách thể chế, TTHC đơn giản, quy trình rõ ràng, dữ liệu số hóa đồng bộ, chủ động trong phân quyền... đã giúp người dân dễ tiếp cận các TTHC, minh bạch trong giám sát, Thanh Hóa đang nỗ lực xây dựng nền hành chính hiện đại với chính quyền số, chính quyền phục vụ.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/trung-tam-phuc-vu-hanh-chinh-cong-cap-xa-buoc-tien-minh-bach-va-chu-dong-tu-co-so-255874.htm