Trung tâm tài chính quốc tế nên cung cấp những dịch vụ nào?
Trong định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, các dịch vụ sản phẩm đặc thù được nhắc đến phần nhiều đến từ ứng dụng công nghệ cũng như lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, bao gồm tài trợ thương mại quốc tế, tài chính xanh, fintech hay tài sản số.

Bán đảo Thủ Thiêm, hạ tầng cứng của trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng
Thương mại quốc tế, tài chính xanh, tài sản số
Tại Hội nghị "Xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam" do Bộ Tài chính phối hợp cùng UBND TPHCM tổ chức vừa qua, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ những ý tưởng nhằm định hình các dịch vụ hỗ trợ mang tính khác biệt, giúp trung tâm tài chính TPHCM có vị thế riêng và đủ sức cạnh tranh, mang tính bổ trợ chứ không thay thế các trung tâm tài chính hiện hữu.
Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Techcombank, nói rằng trung tâm tài chính quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường nói chung. Chẳng hạn cả thị trường sẽ phải nâng chuẩn theo tiêu chí giao dịch quốc tế, hay các doanh nghiệp có thể vay hợp vốn ngay tại Việt Nam chứ không cần phải đi qua Singapore.
Cơ hội lớn còn nằm ở lĩnh vực công nghệ. Theo ông Jens Lottner, châu Á nói chung đã có những quốc gia cung cấp những dịch vụ tài chính tiên tiến, phát triển tài sản số chẳng hạn như tiền mã hóa hoa. Do đó, Việt Nam có thể tìm kiếm mô hình mô phỏng cho phù hợp, đặc biệt là các sản phẩm blockchain, tiền mã hóa và ứng dụng AI vào các sản phẩm thương mại. “Các sản phẩm tài chính cũng có thể ứng dụng AI tưogn tự”, ông nói.
Bên cạnh tài sản số, nhóm dịch vụ thứ hai nên được tập trung là tài chính xanh với nhiều lợi thế khi Việt Nam hiện sở hữu lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo lớn, theo đại diện Techcombank.
“Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một danh mục tài chính xanh theo chuẩn quốc tế, thiết lập các cơ chế thúc đẩy và có quy định rõ ràng về phát thải carbon để tạo động lực cho các nhà đầu tư”, ông nói.
Các công ty quản lý tài sản truyền thống cũng đang đứng trước cơ hội mới, trong bối cảnh bối quy mô thị trường vẫn còn rất khiêm tốn so với quốc tế. Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, điểm thuận lợi là nếu TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, sẽ giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới cũng như dòng vốn quốc tế trở lại thị trường Việt Nam.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp ngành quỹ vốn đang chậm chạp về mặt quản trị công nghệ cũng sẽ phải thay đổi. Khi có nhiều sản phẩm mới công nghệ cao như blockchain chẳng hạn, các hệ thống hiện hữu trong thị trường vốn cũng sẽ cần thay đổi theo.
Về mặt sản phẩm, bà Thu cũng cho rằng việc “token hóa” các sản phẩm tài chính truyền thống sẽ làm cho các sản phẩm này dễ dàng giao dịch và hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài. “Chắc chắn cần thay đổi một số điểm để giúp thị trường vốn phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, bao gồm cơ chế ưu đãi về thuế, hay gỡ bỏ những rào cản không còn mang tính thực tiễn nữa”, bà Thu nói.
Ở góc độ nhà quản lý, một lợi thế khác của Việt Nam là câu chuyện thương mại quốc tế, hiện đang ký kết 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. “Điều này mở ra cơ hội lớn để Việt Nam phát triển các dịch vụ tài chính đặc thù, đặc biệt là trong lĩnh vực tài trợ thương mại quốc tế”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ tài chính nhận định.

Hiện trạng 2 khu vực dự kiến triển khai đề án Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM, gồm một phần trung tâm tài chính hiện hữu ở quận 1 và Thủ Thiêm.
Hạ tầng và nhân tài là điều kiện then chốt
Các chuyên gia đều đồng ý rằng những dịch vụ tài chính hiện đại chỉ có thể thực sự phát huy hiệu quả khi trung tâm tài chính đáp ứng được hai điều kiện cốt lõi là có cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân tài.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, đề xuất trung tâm tài chính cần đảm bảo môi trường giao dịch ngoại tệ ổn định và an toàn, đơn giản hóa quy trình cấp giấy phép lao động và hợp tác đầu tư quốc tế.
Sở hữu được môi trường này sẽ giúp các định chế tài chính quốc tế dễ dàng hơn trong việc đồng tài trợ cho các dự án lớn, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, fintech và tài chính xanh. "Cơ sở hạ tầng tốt chính là điều kiện thiết yếu để thu hút các nguồn đầu tư quốc tế", bà Hạnh nhấn mạnh.
Ông Jens Lottner của Techcombank lưu ý rằng việc thử nghiệm các dịch vụ tài chính mới trong một thị trường có quy mô đủ lớn là điều rất quan trọng. Do đó hạ tầng thử nghiệm cần phải có đủ quy mô.
Vấn đề nhân tài cũng là điều kiện then chốt mà nhiều doanh nghiệp nhắc đến, đặc biệt là cả nhóm ngành ngân hàng lẫn các công ty quản lý quỹ. Đây cũng là một trong ba trụ cột được ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nhắc đến, bên cạnh vấn đề khung pháp lý và hạ tầng.
Theo đó, các trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi kỹ năng riêng biệt và có tiêu chuẩn cao hơn. “Thế hệ trẻ có thể làm được nhưng làm thế nào để thu hút nguồn lực để thực hiện dự án này?”, ông đặt vấn đề.
Ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về Trung tâm tài chính quốc tế của tổ chức TheCityUK, đơn vị từng lập báo cáo tư vấn cho TPHCM, nói rằng lịch sử các trung tâm tài chính trên thế giới đều đi từ việc sở hữu nền sản xuất thực chất, tức các hỗ trợ của trung tâm tài chính phải gắn liền với hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế của địa phương.
Có thể nói, để trung tâm tài chính TPHCM thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, việc xây dựng một danh mục dịch vụ tài chính riêng biệt, tiên tiến, ứng dụng mạnh công nghệ số, kết hợp với việc cải thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và chính sách thu hút nhân tài quốc tế là những điều kiện không thể thiếu.
Tuy nhiên, như báo cáo của TheCityUK đã từng bình luận, một trung tâm tài chính tại TPHCM không thể coi là dự án bất động sản. "Cơ sở hạ tầng mềm (ví dụ như thiết lập và nâng cấp chế độ pháp lý và quy định) quan trọng hơn cơ sở hạ tầng cứng hỗ trợ trung tâm”, báo cáo có đoạn.