Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh: Hệ sinh thái giao dịch tài chính hiện đại

Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các cấp. TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng các bộ, ngành triển khai quyết liệt nhằm hiện thực hóa đề án, sớm hình thành hệ sinh thái giao dịch tài chính hiện đại.

Khu vực Thủ Thiêm TPHCM dự kiến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế

Khu vực Thủ Thiêm TPHCM dự kiến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế

Tạo lập hệ sinh thái bền vững

Theo bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế - Xã hội TP. Hồ Chí Minh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, quá trình thực hiện, xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế đã có sự tập trung từ Trung ương tới địa phương. Đến thời điểm này, Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo, Ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội cũng thẩm tra phiên toàn thể, và các các ý kiến đều thống nhất sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, diễn ra trong tháng 5/2025 để thông qua việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Đề án thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh gồm ba giai đoạn: Trung tâm Tài chính quốc gia (năm 2025 - 2030); Trung tâm Tài chính khu vực (năm 2031- 2035) và Trung tâm Tài chính quốc tế và toàn cầu (sau năm 2035).

Theo bà Vân, trọng tâm của đề án là phát triển các dịch vụ tài chính cốt lõi, thu hút hệ sinh thái doanh nghiệp tài chính đa dạng và xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành điểm đến Fintech trong khu vực. TP. Hồ Chí Minh sẽ hình thành hai khu phố tài chính tại Quận 1 và Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức), đồng thời kêu gọi các định chế tài chính lớn, doanh nghiệp công nghệ và nhà đầu tư chiến lược tham gia. Qua đó, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, các chính sách liên quan Trung tâm Tài chính quốc tế được Trung ương và địa phương trao đổi, thảo luận rất kỹ để bảo đảm an ninh quốc gia, phòng tránh rủi ro cao nhất và thấy được giải pháp thực hiện. Hiện Thành phố đã dự thảo lần thứ 25 và dần hoàn thiện với nhiều chính sách thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho Thành phố triển khai thành công.

Về nguồn nhân lực cho Trung tâm Tài chính quốc tế, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, Thành phố có kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, mong muốn các tổ chức Tài chính, các viện, trường đại học đang hoạt động trên địa bàn giới thiệu nhân sự và đồng hành vì sự phát triển chung của Thành phố.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, một trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi lực lượng lao động chuyên nghiệp, có trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, ngân hàng, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị rủi ro. Đồng thời đủ khả năng cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và chất lượng, đây là nền tảng để phát triển và duy trì khả năng cạnh tranh của các trung tâm tài chính.

Quá trình xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM đang được các cấp lãnh đạo quan tâm . Ảnh: T.H

Quá trình xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM đang được các cấp lãnh đạo quan tâm . Ảnh: T.H

“Để đáp ứng yêu cầu trên, TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn với các giải pháp cụ thể, xây dựng hệ sinh thái và chính sách đãi ngộ hấp dẫn cho chuyên gia tài chính trong và ngoài nước để định cư và làm việc tại trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh”- TS Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh.

Hiện TP. Hồ Chí Minh đang xem xét phương án Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh được phát triển dựa trên khu phố tài chính ở Trung tâm hiện hữu thuộc Quận 1 và hình thành khu phố tài chính ở Thủ Thiêm. Hai khu phố này sẽ bổ sung cho nhau với các dịch vụ tài chính truyền thống vẫn sẽ tập trung ở khu phố tài chính hiện tại và các dịch vụ tài chính có tính sáng tạo sẽ tập trung ở khu phố mới.

Sản phẩm nào cho Trung tâm Tài chính?

Theo Đề án, Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh bao gồm 3 cấu phần: Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; Thị trường vốn; Thị trường hàng hóa phái sinh.

Trong đó, thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng sẽ phát triển các dịch vụ, thị trường và tổ chức tín dụng truyền thống đóng vai trò phát triển hệ thống tiền tệ và ngân hàng quốc gia; xây dựng khung quản lý nhà nước hướng tới các chuẩn mực quốc tế; đột phá dịch vụ tài chính mới gồm ngân hàng số và fintech.

Thị trường vốn sẽ phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp thành hai trụ cột của thị trường vốn quốc gia; ưu tiên các chính sách cần thiết để thị trường cổ phiếu được xếp hạng là thị trường mới nổi (emerging market); phát triển thị trường vốn theo hướng đa năng, tích hợp nhiều dịch vụ tài chính.

Thị trường hàng hóa phái sinh sẽ hình thành và phát triển Sở giao dịch hàng hóa TP. Hồ Chí Minh. Khuyến khích xây dựng và hình thành hệ sinh thái lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa cũng như giao dịch phái sinh hàng hóa. Xây dựng cơ chế liên thông với sở giao dịch hàng hóa nước ngoài.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, 3 lĩnh vực sản phẩm tại Trung tâm tài chính mà Việt Nam có thể phát triển mạnh, gồm: Tài chính xanh, dịch vụ tài chính số và tài trợ thương mại. Trong đó, lĩnh vực tài chính xanh, Việt Nam là một trong số ít quốc gia công nghiệp hóa, dẫn đầu về thương mại, có khả năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng quốc gia bằng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam sẽ cần một khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng. Ba lĩnh vực này chưa có một trung tâm tài chính lớn nào thống lĩnh hoàn toàn. Do đó, Việt Nam có những điều kiện phù hợp, bao gồm nhu cầu thực tế, con người tài năng và tiềm lực trí tuệ để phát triển.

Với dịch vụ tài chính số, tại Việt Nam, cứ ba người lại có một người sở hữu tài sản kỹ thuật số hoặc tiền mã hóa. Ông cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm tài chính số, bao gồm tài sản số thực và mã hóa tài sản cũng như tiền tệ kỹ thuật số. Chính các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các công nghệ này và chính những nhu cầu thực tiễn đó sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính số.

Về tài trợ thương mại, ông Jens Lottner nhận định đây là một lĩnh vực đang phát triển mạnh và có thể được tư duy lại hoàn toàn nhờ vào công nghệ. Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất thông minh, với hàng loạt khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) từ các tập đoàn FDI lớn...

"Chúng ta có thể dễ dàng hình dung một thế giới nơi mọi sản phẩm, ví dụ như một chiếc iPad, có thể được theo dõi từ dây chuyền lắp ráp đến khi vận chuyển nhờ vào công nghệ blockchain. Nhờ đó, tất cả thông tin tài chính liên quan sẽ được tích hợp hoàn toàn vào chuỗi cung ứng mà không cần bất kỳ thủ tục bổ sung nào", ông Jens Lottner nói.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Chuyên gia kinh tế nhìn nhận sự đổi mới và sáng tạo cho IFC cần tập trung vào xây dựng các sản phẩm tài chính mới, một yếu tố vô cùng quan trọng. Các sản phẩm tài chính sáng tạo sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư mà còn tạo ra sự khác biệt, tăng tính hấp dẫn và cạnh tranh cho trung tâm này trong bối cảnh có nhiều trung tâm tài chính quốc tế khác trong khu vực.

Những sản phẩm tài chính mới, bao gồm các mô hình như sàn giao dịch tiền số thử nghiệm, sàn giao dịch gọi vốn cho các startup và sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung, sẽ là công cụ hữu hiệu để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số và tài chính phi tập trung đang phát triển mạnh mẽ.

Việc triển khai những sản phẩm này sẽ tạo ra một hệ sinh thái tài chính linh hoạt, an toàn và hiện đại, đồng thời mở rộng khả năng kết nối với các thị trường tài chính quốc tế, giúp Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh tăng cường sự hấp dẫn và nâng cao vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Lê Thu

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tp-ho-chi-minh-he-sinh-thai-giao-dich-tai-chinh-hien-dai.html