Trung tâm tài chính: Xây từng bước một

Tháng 4/1994, khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, tôi 'đặt cược tất cả' để trở về quê hương làm việc. Giờ đây, thêm một lần nữa, tôi muốn 'đặt cược tất cả' khi Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+

Tháng 10/1993, tại văn phòng một quỹ phòng hộ nơi tôi làm việc ở New York, Mỹ, chúng tôi nghe thông tin Tổng thống Bill Clinton sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Đầu óc tôi quay cuồng. Đây là cơ hội để tôi đến Việt Nam và đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Mặc dù năm 1993, Chính phủ Việt Nam chưa nhắc gì tới việc mở thị trường chứng khoán, nhưng điều này đã nằm trong tầm nhìn của người Mỹ. Là một nhà phân tích quỹ phòng hộ trẻ tuổi, tôi đã sẵn sàng cho kế hoạch đặt chân tới thị trường sơ khai và ẩn chứa nhiều tiềm năng. Tôi muốn “đặt cược tất cả” vào cơ hội này. Tháng 4/1994, tôi trở lại Việt Nam để làm việc cho ngân hàng nước ngoài, với vị trí phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp.

Ba mươi năm sau, vào năm 2024, Việt Nam đang đặt nền móng cho kế hoạch trở thành một trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng, chúng ta sẽ tiến xa đến vậy. Giờ đây, tôi lại muốn “đặt cược tất cả” thêm một lần nữa, tôi muốn sống thêm 30 năm ở Việt Nam để chứng kiến những bước tiến diệu kỳ!

Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực châu Á trong xây dựng trung tâm tài chính quốc tế (như tôi đã đề cập trong bài viết đăng tải trên Báo Đầu tư Chứng khoán số 2/2025), có thể nói, thành công của một trung tâm tài chính không chỉ nằm ở đất đai, các quy định tự do hóa thị trường. Đôi khi, đó là những bước đi cơ bản hơn, như cách Singapore đã làm.

Việt Nam đang đặt nền móng cho kế hoạch trở thành một trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu

Việt Nam đang đặt nền móng cho kế hoạch trở thành một trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu

Với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện tại, theo tôi, để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, cần tập trung vào 9 điểm:

1 - Mở rộng giáo dục tiếng Anh bắt buộc từ cấp tiểu học (ngôn ngữ quốc tế).

2 - Mở rộng giáo dục công nghệ thông tin bắt buộc (ngôn ngữ của tương lai).

3 - Xem xét xây dựng Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Mekong Futures Market (bao gồm các nước tiểu vùng sông Mekong như Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam).

4 - Tăng trưởng mạnh mẽ thị trường chứng khoán nội địa (tập trung vào khả năng tiếp cận dễ dàng như Dubai).

5 - Có thể xây dựng Sàn giao dịch chứng khoán cao cấp Mekong, với sự tham gia của các công ty có vốn hóa thị trường ước đạt khoảng 220 tỷ USD và tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia.

6 - Thành lập Sàn giao dịch kỹ thuật số (tài sản kỹ thuật số và Blockchain). Thị trường tương lai và hàng hóa như SIMEX của Singapore đã thuộc về quá khứ, tương lai nằm ở số hóa tài sản và mã hóa.

7 - Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tốt nhất Đông Nam Á (như trung tâm dữ liệu hỗ trợ sự thay đổi lớn trong xu hướng toàn cầu).

8 - Xem xét miễn thuế thu nhập từ vốn và có thể áp dụng môi trường thuế thân thiện hơn, ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 15%; trở thành nhà lãnh đạo về thuế trong khu vực ASEAN. Vốn sẽ tìm đến nơi có lợi nhuận tốt nhất.

9 - Thay đổi múi giờ của Việt Nam.

Trung tâm dữ liệu sẽ là bất động sản mới. Việt Nam có thể vươn lên trước Thái Lan và Indonesia như là một đối thủ hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp trung tâm dữ liệu dành cho khu vực Đông Nam Á. Chúng ta có những điều kiện thuận lợi để tận dụng xu hướng toàn cầu này.

Đề xuất gây tranh cãi nhất của tôi là thay đổi múi giờ chính thức của Việt Nam sang GMT+8, đặt chúng ta cùng múi giờ với Thượng Hải, Đài Bắc, Thâm Quyến, Manila, Kuala Lumpur, Hồng Kông và Singapore - tất cả các thị trường chính trong khu vực này đều ở múi giờ GMT+8. Chỉ có Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam đang ở múi giờ GMT+7.

Philippines đã chuyển sang GMT+8, cũng như Singapore và toàn bộ Trung Quốc. Hãy nhìn vào bản đồ múi giờ, hầu hết mọi người không biết rằng các quốc gia có thể thiết lập và yêu cầu thay đổi múi giờ của mình. Chính thay đổi nhỏ này sẽ đặt Việt Nam vào trung tâm các thị trường quốc tế. Tôi tin rằng, điều này sẽ làm thay đổi quá trình tham gia thị trường tài chính quốc tế của Việt Nam một cách toàn diện. Mặc dù các thị trường tài chính hiện nay đã được số hóa sâu rộng, nhưng cho dù AI tạo sinh sẽ dẫn chúng ta đến đâu, con người vẫn có nhu cầu kết nối xã hội và cộng đồng. Việc các thị trường mở cửa cùng một múi giờ, theo góc nhìn của tôi, sẽ vô cùng quan trọng. Thành công của Singapore chính là khả năng giao tiếp trong các thị trường tài chính quốc tế.

Hơn nữa, đừng quên chế độ thuế. Khi mở cửa cho thị trường quốc tế, chúng ta đang cạnh tranh với Qatar với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, UAE với 9% hoặc Bahrain với 0%. Hiện thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng là 20%, nếu chúng ta giảm xuống 15% như đề xuất của ông Donald Trump áp dụng cho nước Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, tôi tin rằng, sự thịnh vượng của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng cao. Thêm vào đó, hầu hết các trung tâm dịch vụ ngân hàng nước ngoài (offshore banking) hàng đầu đều có mức thuế bằng 0 cho thu nhập ngoài lãnh thổ.

Thuế rất quan trọng. Hạ tầng dữ liệu rất quan trọng. Ngôn ngữ (tiếng Anh hoặc ngôn ngữ công nghệ) rất quan trọng. Lực lượng lao động cũng rất quan trọng, ngay cả khi đã có AI và robot. Quy tắc và quy định rất quan trọng. Tính rõ ràng và minh bạch của luật pháp là chìa khóa dẫn đến thành công của Hồng Kông, Singapore và nay là Dubai/UAE trong việc thu hút hàng nghìn tỷ USD đầu tư gián tiếp.

Quản lý quỹ, các nhà quản lý tài sản, dịch vụ tài chính và hạ tầng kỹ thuật số chính là “chìa khóa” cho việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Đừng quên bước nhỏ thay đổi múi giờ này.

Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, Chính phủ đã xem xét nhiều chính sách và có những sáng kiến để tạo ra môi trường thuận lợi để trung tâm tài chính quốc tế và khu vực phát triển. Dù có thể mất nhiều năm để Việt Nam đạt được những mục tiêu mong muốn, nhưng nhìn sang Dubai/UAE và Singapore như những ví dụ, rõ ràng, có những lợi ích kinh tế to lớn trong việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và một trung tâm tài chính khu vực ở Đà Nẵng.

Từng bước một, chúng ta sẽ đi đến thành công!

Quan Đức Hoàng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trung-tam-tai-chinh-xay-tung-buoc-mot-post361621.html